.

Phóng sinh hay hành vật?

.

Hàng ngàn con chim tội nghiệp đang bị bắt nhốt và đem rao bán khắp nơi để phục vụ cho nhu cầu phóng sinh của con người…

Cần mấy, có mấy!

Mua bán chim tấp nập trước cổng chùa B.N.

Chim là loài vật được người phóng sinh chuộng nhất, vì dễ mua và dễ thả. Trước cổng chùa B.N (đường Triệu Nữ Vương), bất kể ngày rằm, mồng một hoặc ngày bình thường, từ sáng đến tối, “chợ” chim phóng sinh luôn tấp nập kẻ bán, người mua. Khoảng trên 10 người tham gia buôn bán. Theo những người thường có mặt tại khu vực này, dân bán chim đến từ nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố, và chọn chùa B.N làm nơi tập trung bởi người đi lễ ở nơi này thường rất đông. Thi thoảng, họ tản ra các chùa khác khi nơi đó tổ chức lễ cúng lớn.

Chim được nhốt theo từng lồng nhỏ, lồng lớn với “phương châm”: Cần bao nhiêu, có bấy nhiêu! Một con cũng bán, mà vài trăm con cũng có phục vụ ngay. Đa số chim được bán là loại chim ri, chim sẻ, với giá dao động từ 6 - 10 nghìn đồng/con tùy theo ngày.

Không riêng các chùa, chim phóng sinh còn được bày bán trong chợ và nhiều tiệm trên phố. Ông Phan Văn Minh, người bán chim vỉa hè ở Hòa Minh (quận Liên Chiểu) cho biết: “Hiếm thấy ai phóng chim cảnh, bởi giá khá đắt, khoảng vài chục nghìn đồng/con.

Người bán nhốt chim phóng sinh theo từng nhóm 5-10 con trong lồng nhỏ ...

 

Trong các loại, chim ri được thả nhiều hơn, đơn giản vì loại này bẫy được nhiều”. Theo ông, so với các năm trước, thời gian gần đây, người mua chim phóng sinh tăng lên. “Chắc kinh tế khá giả, người ta có điều kiện mua nhiều chim để thả”, ông giải thích.

Tại tiệm bán chim số 298 Tôn Đức Thắng, chủ tiệm cho hay: “Chim phóng sinh được bán quanh năm, nhiều nhất là vào các dịp rằm tháng 7, tháng 4 và ra giêng. Có nơi bán được cả 1.000 con/ngày. Những dịp đó, giá chim tăng vọt, gần gấp đôi ngày thường”. Theo người này, hiện nay, lượng chim giảm đáng kể do ruộng đồng bị thu hẹp và chim bị đánh bắt quá nhiều trong thời gian qua, nên người bẫy chim thường “làm giá”, đẩy giá chim lên cao gấp 3-5 lần. Chim càng lúc càng ít đi, chủ tiệm phải mua chim từ Quảng Nam, Quảng Ngãi để đủ cung ứng cho “thượng đế”.

Thả rồi bắt lại

Trước chùa B.N, nghe chúng tôi tỏ ý muốn mua chim vì thấy thương mấy chú chim nhỏ bị bắt nhốt, một người bán hương nói: “Chính người mua nhiều mới khiến người bán tăng lên. Cứ thả rồi người ta lại đi bắt để bán tiếp. Ai bảo là phóng chim? Hành chim thì có. Mua vài con không nói làm gì, nếu mua tới vài chục, vài trăm con thì coi chừng bị đếm gian. Chính tôi cũng “dính” rồi!”. Tại chợ Cồn, chúng tôi chứng kiến nhiều chú chim sẻ giãy giụa vì giẫm đạp lên nhau ngay trong lồng. Theo người bán chim ở số 298 Tôn Đức Thắng, loài chim sẻ thường dồn lại theo từng nhóm chứ không chịu đứng riêng ra, do đó thường đè nhau mà chết.

...và “để dành” nhiều chim trong lồng lớn, ai mua bao nhiêu cũng có.

Người tham gia phóng sinh hiện nay khá đa dạng, phụ nữ, nam giới, người già và cả sinh viên. Ông Minh cho biết, có em sinh viên đi ngang thấy con chim bị nhốt nên bỏ vài ngàn mua một con thả tại chỗ. Ngoài chim, nhiều người còn thả cá, lươn, nhưng không phải phóng sinh với tinh thần nhân đạo là đưa chim, cá… về với không gian sống phù hợp, mà chỉ thả nhiều vì túi tiền nhiều.

Có người chỉ thả một vài con chim, cá để mỗi con chim, cá thế một mạng người trong gia đình mình. Có chị coi lươn là món ăn khoái khẩu, nhưng một năm cũng dành một ngày đi thả lươn, coi như “làm phước”. Bà T., người bán gỏi cá nổi tiếng ở Nam Ô (Hòa Hiệp Nam, Liên Chiểu), mỗi ngày mua hàng chục kg cá tươi để làm gỏi bán, cũng thường đặt cọc mua cá, lươn còn sống để… phóng sinh mỗi mùa rằm lớn.

Bài và ảnh: H. VANG - T. HOA

;
.
.
.
.
.