.
HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG TẠI KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHÓA XII

Cần phân biệt rõ chức năng của Quốc hội, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ quốc gia

.

Chiều ngày 10-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi). Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng tham gia thảo luận cùng với các Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh, Hòa Bình, Lào Cai, Quảng Ninh.

 


Các vị đại biểu Quốc hội đã tập trung cho ý kiến những vấn đề quan trọng của dự án luật như địa vị pháp lý của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam; mục tiêu của chính sách tiền tệ; việc thành lập Hội đồng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước; phân định thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong việc hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ; vai trò quản lý Nhà nước của Ngân hàng Nhà nước; chức năng giám sát hoạt động ngân hàng.

ĐB Nguyễn Thị Mỹ Hương (Đà Nẵng) cho rằng, dự thảo luật lần này được xây dựng theo hướng độc lập hơn trên góc độ NHNN được quyền tự chủ trong việc sử dụng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, theo ĐB, dự thảo luật cần phải quy định cơ chế giám sát và chế tài chặt chẽ hơn để bảo đảm NHNN thực hiện đúng chức năng, phục vụ cho mục tiêu cao nhất là ổn định giá trị đồng tiền và an toàn hệ thống tiền tệ.

Theo ĐB, so với các nước trên thế giới và các luật chuyên ngành, dự thảo xây dựng theo hướng NHNN vẫn là một cơ quan ngang bộ thì không rõ là có mâu thuẫn với Luật Tổ chức Chính phủ không? Vì quy định như vậy thì NHNN mang tính chất cơ quan hành chính với hệ thống cồng kềnh gồm 63 chi nhánh trên cả nước. ĐB đề nghị nghiên cứu lại vấn đề này. 

ĐB đề nghị cần hết sức cân nhắc quy định tại khoản 11 Điều 6 khi quy định NHNN được sử dụng vốn pháp định do ngân sách Nhà nước cấp để góp vốn thành lập doanh nghiệp. Theo ĐB, NHNN không phải là tổ chức vì lợi nhuận, mà  là cơ quan quản lý Nhà nước thuần túy nên không thực hiện chức năng kinh doanh.

Hiện tại, SCIC đang là cơ quan đại diện vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp, nếu NHNN cũng đồng thời được thành lập doanh nghiệp hoạt động kinh tế thì sẽ mâu thuẫn về mặt chức năng với SCIC. Hơn nữa, nếu NHNN vừa điều hành chính sách tiền tệ, vừa có các công ty con thực hiện chức năng kinh doanh thì sau này sẽ rất phức tạp, có thể dẫn đến trường hợp lợi dụng nguồn vốn Nhà nước.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa cho rằng, cần xác định mục tiêu hoạt động của NHNN là nhằm ổn định giá trị đồng tiền. Do đó, đòi hỏi NHNN phải tăng cường vai trò quản lý của mình đối với toàn bộ thị trường, trong đó có hoạt động của các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng phi ngân hàng và cả những tổ chức tài chính khác có hoạt động ngân hàng. Chính vì vậy, phạm vi hoạt động của NHNN cần được hiểu ở một phạm vi rộng, bao quát cả toàn bộ nền kinh tế chứ không chỉ gói gọn trong việc thực hiện chức năng quản lý đối với hệ thống các tổ chức tín dụng như trong dự thảo luật.

Theo ĐB, chức năng quản lý Nhà nước của NHNN thể hiện trong dự thảo luật còn khá mờ nhạt. Trong thực tế, chức năng quản lý Nhà nước cũng không hề kém so với chức năng ngân hàng Trung ương của NHNN. Tuy nhiên, trong dự thảo luật, chức năng quản lý đề cập chưa rõ ràng, còn nằm rải rác, lẫn lộn trong các điều khoản của luật. Do đó, ĐB đề nghị cần tập hợp lại thành một mục riêng quy định chức năng quản lý Nhà nước của ngân hàng để dễ thấy, dễ áp dụng trong thực tế. 

 ĐB đề nghị cần phân định rõ chức năng của Quốc hội, Chính phủ và NHNN trong việc hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ tại Điều 5 dự thảo luật. Theo đó, Quốc hội quyết định chỉ tiêu lạm phát hằng năm; Chính phủ quyết định chỉ tiêu tổng phương tiện thanh toán và khung lãi suất, tỷ giá; còn NHNN đề xuất trình Chính phủ quy định khung lãi suất, khung tỷ giá, tổng phương tiện thanh toán, quyết định mức lãi suất, tỷ giá cụ thể trong khung do Chính phủ quy định trong từng thời kỳ và chủ động sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ khác như dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở…

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Chiến cho rằng, nên chăng việc quyết định mục tiêu chính sách tiền tệ và chỉ tiêu lạm phát giao Quốc hội, còn Chính phủ quyết định các biện pháp về điều hành. Như vậy sẽ có hiệu lực cao hơn, rõ hơn. Cái gì Thống đốc chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Thủ tướng cần nói rõ trong luật.

Theo ĐB Phương Hữu Việt (Bắc Ninh), các quy định của dự thảo luật đã cho thấy NHNN mang tính độc lập tương đối. Theo ĐB, cần xây dựng luật theo hướng NHNN phải mang tính độc lập cao, đặc biệt là các vấn đề mang tính nghiệp vụ sâu của ngân hàng.

ĐB cho rằng, thực sự hiện nay chúng ta không quản lý được ngoại hối. Nhà nước quy định cấm bán ngoại tệ ngoài thị trường nhưng thực tế ở đâu cũng có mua bán ngoại tệ. Chênh lệch giá ngoại tệ giữa tỷ giá Nhà nước công bố và tỷ giá ngoài thị trường khá lớn. Đây cũng là vấn đề cần phải được lưu ý khi xây dựng luật này.

ĐB Trần Việt Hưng (Hòa Bình) đề nghị cần xây dựng luật này theo hướng phải tách bạch giữa chức năng quản lý Nhà nước và chức năng quản lý kinh doanh, không nên để NHNN sa đà vào hoạt động kinh doanh mà tập trung vào chức năng quản lý Nhà nước, quản lý tiền tệ quốc gia. Về chính sách đối với cán bộ ngân hàng, ĐB đề nghị nên giao Chính phủ quy định bằng Nghị định, không nên giao cho Thủ tướng Chính phủ quyết định.

PHẠM HỮU HOA

;
.
.
.
.
.