Việc quy hoạch đất đai chưa hoàn chỉnh, địa hình phức tạp của nhiều địa phương, nhiều đường chưa được đặt tên... khiến cán bộ địa chính phải rất vất vả khi đi khảo sát đánh số nhà. Và chính thái độ thờ ơ của người dân cũng góp phần làm việc đánh biển số nhà không theo quy củ.
>> Loạn... biển số nhà - Bài 1: Thích đánh sao thì đánh
Địa hình phức tạp, số nhà khó đánh
Việc tồn đọng biển số nhà như thế này là chuyện thường, vì người dân không chịu nhận. |
“60 vùng dự án lớn nhỏ rải khắp địa bàn Liên Chiểu là một trong những nguyên nhân khiến người dân không mặn mà với số nhà”, ông Nhường lý giải. Địa hình quận Liên Chiểu khá phức tạp do đất đai chưa được quy hoạch hoàn thiện, cán bộ địa chính phải mất nhiều công sức để nghiên cứu, khảo sát kỹ mới dám đánh số. Thống kê từ quận Liên Chiểu cho thấy, chỉ 15/22 tuyến đường chính được đánh số nhà, nghĩa là số hộ được cấp biển số chỉ mới tròm trèm... 15%.
Tương tự, ông Trần Dũng, nguyên cán bộ địa chính phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, chia sẻ: “Năm 2001, khi chúng tôi đang đánh số nhà ở đường Trần Cao Vân, thì việc giải tỏa để làm đường Nguyễn Tất Thành được tiến hành, cùng lúc, các vệt tuyến được thành phố điều chỉnh liên tục, gây ảnh hưởng lớn cho việc đánh biển số nhà của địa phương. Chúng tôi phải đánh số chừng chừng theo yêu cầu của Sở Tài nguyên-Môi trường (lúc đó là cơ quan quản lý việc đánh số nhà), vì không biết thành phố sẽ giải tỏa đoạn nào, chừa đoạn nào”.
Hiện đường 5,5m song song với đường Nguyễn Tất Thành trên địa bàn Xuân Hà vẫn chưa có số nhà do chưa được đặt tên. “Chiều dài của tuyến này đã đủ điều kiện để đặt tên (từ 200m trở lên), nhưng HĐND thành phố vẫn chưa cho phép đặt do chưa bảo đảm hạ tầng”. Chính vì vậy, theo ông Dũng, việc đánh số cho các hộ dân có 2 mặt tiền ở những khu vực tương tự là không thể: “Đường chưa có tên, nếu mình đánh số nhà dân theo tên đường khác, sau này đụng chạm đến lợi ích, dân kiện thì làm sao?”.
Ông Trần Dũng, nguyên cán bộ địa chính phường Xuân Hà, quận Thanh Khê: “Việc chuyển nhượng, mua bán bất động sản phải qua phường để địa phương dễ kiểm soát” |
Tồn đọng biển số nhà vì dân không chịu nhận
Trong khi ở nhiều nơi, dân cư phàn nàn vì không có biển số nhà, gây khó khăn cho giao dịch, thì không ít hộ vẫn nhất quyết không nhận biển số nhà, dù được cán bộ địa chính mang tới trao tận tay.
Chỉ vào gần 200 biển số nhà tồn đọng, ông Nguyễn Nhường nhẩm tính: “Gần 6 triệu đồng. Chừng nào giao hết số biển này, chúng tôi mới thu lại được số tiền đó trả cho ngân sách quận”. Ông Trần Dũng cũng mở tủ lấy ra hơn 100 biển số mà dân từ chối nhận: “Cán bộ phải đưa tiền ra mới nhận được biển số về, chừ coi như “ế”.
Theo ông Dũng, trong quá trình mua bán bất động sản, lô đất hoặc căn nhà được sang nhượng qua rất nhiều tay, nên cán bộ địa chính phải tự gọi điện, liên hệ với người chủ “gốc” để lập hồ sơ cấp biển số nhà. Biển số làm xong, cán bộ lại phải điện thoại năm lần bảy lượt, chủ “gốc” mới tới nhận. Chưa kể, khi đợi hoài không thấy chủ “gốc”, cán bộ mang tới tận địa chỉ, thì những người mua hoặc thuê nhà đó cũng lắc đầu nguầy nguậy: “Nhà của ông nớ, chớ nhà chi của tui mà nhận”. Khi nhận mỗi biển số, các cán bộ địa chính được UBND quận trích lại 2.500 đồng, nhưng “tiền điện thoại, xăng xe chạy lên chạy xuống đã gấp mấy lần số đó”, ông Dũng nói.
Có khi người dân không nhận biển số chỉ vì chê số xấu, hoặc tiếc tiền. “Khi chúng tôi tới khảo sát để làm biển số, người dân bảo: “Anh muốn làm sao cũng được”, nhưng khi làm xong, nếu thấy số nhà bên cạnh “đẹp” hơn số nhà mình, họ nhăn nhó, chê bai đủ điều mới chịu lấy”, ông Dũng phân trần. Còn ông Nguyễn Nhường lại gặp cảnh dở khóc dở cười khác: “Nhiều người chỉ làm hồ sơ đăng ký nhưng không nhận biển số. Họ nói: “Tui không lấy biển số thì nhà tui vẫn là số đó”. Mỗi một người không chịu nhận, mình mất 30.000 đồng”.
Những cách đánh biển số nhà hiệu quả |
Bài và ảnh: HẰNG VANG