Từ lâu, uống café cóc, ăn sáng ở vỉa hè đã trở thành nếp quen thuộc của nhiều người. Người buôn bán vỉa hè không cần vốn lớn, người ăn uống thuận tiện nên quán cóc mọc lên ngày càng nhiều. Hệ quả là nhiều vỉa hè, lòng đường bị lấn chiếm, dẫn đến đường không còn vỉa hè.
Cách đây khoảng 3 tháng, đoạn đường Yên Bái này rất thông thoáng, bây giờ... |
Đường Yên Bái, đoạn gần đường Lê Duẩn, trước đây khá thông thoáng, gần đây hàng quán mọc lên san sát: Sạp báo, bánh mì, bún, café... Cô Nguyễn Thị C., chủ quán café cóc tại đây cho biết, thời gian trước vợ chồng cô chỉ đặt một chiếc bàn con con để bán vé số. Sau thấy người ta mở ra bán café, quán ăn rất đông khách, cô C. tranh thủ chuyển nghề. Đến nay, “cơ ngơi” của cô là chục bộ bàn ghế nhựa xếp dài trên vỉa hè, sáng nào khách cũng ngồi kín. Gần cả ngày, chuyện sinh hoạt trong gia đình cô diễn ra tại vỉa hè này. Từ ngày hàng quán mọc lên nhiều, ai đi qua đường cũng phải ngó trước, nhìn sau để tránh người, tránh xe.
Ngay cả những tuyến đường chính, có quy định cấm buôn bán trên vỉa hè như Lê Duẩn, Hùng Vương, Trần Phú… quán xá vẫn cứ mọc lên, chiếm hết vỉa hè dành cho người đi bộ.
Lý giải cho việc buôn bán lấn chiếm vỉa hè đang ngày càng phổ biến, ông Lê Văn Tiến, Đội phó Đội Quy tắc đô thị quận Hải Châu cho rằng, xuất phát từ Quyết định số 04/2008/QĐ-UBND ngày 9 tháng 1 năm 2008 ban hành Quy định về quản lý và sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông trên các tuyến đường thuộc địa bàn thành phố, nhằm tạo điều kiện cho người dân kinh doanh nhà mặt phố.
Theo đó, người dân chỉ cần đăng ký địa điểm kinh doanh hợp lý lên UBND phường, chịu phí hằng tháng từ 15 - 30 nghìn đồng/m2 thì sẽ được mở quán; trên vỉa hè phải dành ít nhất 2m cho người đi bộ. Tuy nhiên, phần lớn người dân kinh doanh, buôn bán ít khi thực hiện đúng cam kết. Ông Nguyễn Văn Thọ, Tổ trưởng tổ Quy tắc đô thị phường Hải Châu 2 nói:
“Mặc dù chúng tôi đã tiến hành tuyên truyền, ký cam kết nhưng người dân vẫn lấn chiếm vỉa hè. Khi nào thấy chúng tôi đi kiểm tra thì họ đối phó bằng cách kéo bàn ghế thụt vào trong, nhưng khi tổ đi rồi lại bày ra như cũ.
Hiện nay, mức xử phạt được áp dụng đối với các đối tượng vi phạm lấn chiếm vỉa hè từ 750 nghìn đến 1 triệu đồng (theo Nghị định 146 của Chính phủ); những hộ vi phạm nặng sẽ phải làm tờ trình lên quận, với mức phạt lên đến 25 triệu đồng. Muốn buôn bán vỉa hè đi vào quy củ chỉ còn cách phải tuần tra thường xuyên”.
Bài và ảnh: KHÁNH HÒA