.

Đà Nẵng có nguy cơ bị hạn nặng

(ĐNĐT) - Với các quy trình vận hành các hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn như hiện nay, Đà Nẵng đang phải đối mặt với nguy cơ xảy ra hạn hán nặng

Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Ban thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão (PCLB) thành phố Đà Nẵng cho biết, thành phố đang đối mặt với nguy cơ xảy ra hạn hán nặng trong thời gian tới. Với các quy trình vận hành các hồ chứa thủy điện đã được phê duyệt như hiện nay, thì tình hình hạn hán, thiếu nước ở hạ lưu sông Vu Gia, bao gồm thành phố Đà Nẵng và các huyện Đại Lộc, Điện Bàn (Quảng Nam) sẽ trở nên rất nghiêm trọng.

Trước đó, năm 2002 đã xảy ra hạn nặng kéo dài từ tháng 5 đến giữa tháng 8 do tích nước hồ thủy điện A Vương ở thượng nguồn. Đây được đánh giá là đợt hạn nặng nhất trong 20 năm trở lại đây. Mặn xâm nhập sâu và kéo dài trên các sông Cầu Đỏ, Cẩm Lệ, Vĩnh Điện, Cu Đê. Hai hồ chứa nước Hòa Trung, Đồng Nghệ và 21 hồ nhỏ khô kiệt.

Do vậy, Ban chỉ huy PCLB Đà Nẵng kiến nghị các cấp, ngành hữu quan cần nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch xây dựng các công trình thủy điện trong mùa mưa và cả mùa khô trên thượng lưu Vu Gia - Thu Bồn theo hướng có đánh giá rõ ràng về tác động môi trường; xây dựng quy trình vận hành xả lũ cũng như điều tiết nước của các hồ thủy điện với sự tham gia và giám sát của địa phương để bảo đảm hiệu quả điều tiết của các hồ thuỷ điện, tránh xảy ra thiếu nước ở mùa khô và lũ lớn ở mùa mưa.

Bên cạnh đó, theo ông Huỳnh Vạn Thắng, tình trạng xói lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn thành phố đang xảy ra mạnh mẽ hơn do ảnh hưởng của bão, lũ. Bờ biển các quận Liên Chiểu, Thanh Khê, Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn bị lở sâu vào đất liền trung bình đến 50m; bờ sông Túy Loan, sông Yên, sông Vĩnh Điện, sông Cu Đê có nhiều đoạn lở vào đến 10m sau mỗi đợt lũ. Nhiều làng xóm ven biển, ven sông phải di dời làm đảo lộn đời sống nhân dân.

Trong thời gian qua, thành phố đã xây dựng được 44km đê, kè sông, kè biển; thực hiện tốt việc trồng và bảo vệ rừng; xây dựng được tổng quan các vùng ngập lũ, vùng nguy hiểm do bão, lở đất và lũ quét để chủ động trong ứng phó. Mô hình đê kè biển ở Đà Nẵng được Bộ NN-PTNT thoả thuận kỹ thuật và đầu tư rất phù hợp với đặc điểm bảo vệ dân cư, sản xuất, cơ sở hạ tầng gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng, đặc biệt là gắn kết với phát triển kinh tế - xã hội, nhất là về du lịch, dịch vụ và cảnh quan, nên cần được tiếp tục thực hiện.
 
Tuy nhiên, trước tình hình biến đổi khí hậu khó lường như hiện nay, cần xây dựng và củng cố các tuyến đê biển phù hợp, có tính toán đến khả năng mực nước biển dâng lên 0,5m và các cơn bão mạnh đến cấp 12 - 13. Đặc biệt, cần sớm có quy hoạch tiêu thoát lũ, đảm bảo hành lang thoát lũ. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn cần nghiên cứu bổ sung thêm các công trình thoát nước (dạng cầu cạn), tránh ngập sâu ở thượng lưu và kéo dài thời gian ngập lũ.

Cẩm An

;
.
.
.
.
.