.

Mặc thế có lạnh không em?

Cách đây mấy hôm, tôi nhận điện thoại:

- Em xin chào thầy ạ. Em là Ty đây.

- Ồ! Xin chào người Anh hùng...

Vì trước đó một hôm, tôi đã được tin từ Hải Phòng: Ninh Thị Ty - học trò cũ của tôi - được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Tôi định gọi điện chúc mừng em, chưa kịp thì em đã gọi, tha thiết mời tôi ra Hà Nội chia vui với em. Ty nói:

- Thầy ơi, những lúc thế này, em cứ ao ước được sự có mặt của thầy. Suốt đời em không quên câu nói của thầy ngày đó “Mặc thế có lạnh không em?”. Thầy còn nhớ không?...

Mới đó mà đã tròn 40 năm.

Năm 1970, tôi là giáo viên của Trường PTTH Thái Phiên (Hải Phòng). Ty học lớp 8 (hệ 10 năm). Tôi dạy văn và làm chủ nhiệm lớp em.

Một hôm, trời rét căm căm, em đi học chỉ phong phanh chiếc áo vải. Giờ chơi, thấy mình em ngồi co ro trong lớp, tôi buột miệng hỏi “Mặc thế có lạnh không em?”. Em đứng dậy thưa “Không ạ”, nhưng tôi thấy cái thân hình bé nhỏ của em như đang run rẩy dưới lớp áo mỏng. Từ hôm ấy, tôi thường chú ý đến em. Ty học rất khá, không riêng môn văn mà gần như ở môn học nào em cũng được giáo viên bộ môn khen. Và em rất ngoan. Đối với một giáo viên chủ nhiệm, có được một học sinh như vậy, thật không gì vui bằng.

Bỗng một hôm, em đến nhà tôi với cái đơn xin nghỉ học “vì hoàn cảnh gia đình khó khăn”. Em đưa vội lá đơn cho tôi rồi gần như bỏ chạy không để tôi kịp hỏi han gì.

Chiều hôm đó tôi đến nhà em. Hoàn cảnh gia đình em quả là quá khó: Bố em là thợ nề không may bị tai nạn lao động, rất nặng. Mẹ em là cấp dưỡng cho một trường học. Em lại còn các em đi học. Mẹ em nói với tôi qua nước mắt:

- Phải để cháu nghỉ học, chúng tôi xót lắm, nhưng quả tình là hết đường xoay xở. Mong thầy thông cảm...

Tôi chỉ biết ngồi im. Thương và tiếc cho học sinh mình quá nhưng có thể nói gì ngoài mấy lời an ủi.

Tối hôm đó tôi kể lại với vợ tôi. Cô ấy chỉ chép miệng, thở dài. Sáng hôm sau, vợ tôi bàn với tôi: Hay là mình bớt chút tiền lương giúp bác ấy vượt qua đận này, cứ nói là cho mượn sau này cái Ty kiếm được sẽ trả...

Như đang bị vây có được lối thoát, tôi chạy ngay đến nhà em. Khi nghe ý định của vợ chồng tôi, mẹ Ty bật khóc. Rồi nói:

- Thầy cô có lòng thương, chúng tôi hết sức cảm ơn nhưng không dám nhận tiền đâu. Thầy đã nói vậy thì dù ăn rau ăn cháo, chúng tôi cũng cố cho cháu đi học.

Rồi em Ty lại đến lớp. Như một cái cây bị một nhát băm vào thân lại lớn nhanh hơn, cảnh nhà nghèo khó và tấm lòng người mẹ như một chất kích thích giúp cho em học sinh 15 tuổi học khá hẳn lên.

Sau đó tôi được điều vào chiến trường Khu 5. Một hôm, như có phép lạ, một phong thư từ nước ngoài, sau mấy tháng trời được chuyển qua bao nhiêu trạm giao liên đã đến tay tôi, lúc đó đang công tác ở căn cứ. Người gửi: Ninh Thị Ty, Trường Đại học X. Cộng hòa Dân chủ Đức.

Nhìn nét chữ quen thuộc của em, tôi như không còn tin ở mắt mình nữa. Đầu thư Ty viết: “Đây là lá thư đầu tiên từ nước bạn em gửi về nước. Hôm tiễn em ra sân bay, mẹ em dặn qua bên đó là phải đánh thư về cho thầy ngay. Không có thầy, con không thể có ngày nay...”.

Mắt tôi mờ nước mắt, cứ cầm lá thư nằm trong võng một lúc lâu mới đọc tiếp được.

Bây giờ thì cô học trò bé nhỏ, tội nghiệp của tôi ngày ấy đã trở thành Phó Tổng Giám đốc ngành Dệt-may Việt Nam, kiêm Giám đốc của nhiều công ty dệt-may khác của ngành may mặc.

Có lần vào Đà Nẵng, em ghé thăm tôi. Lần đó tôi chưa kịp tìm hiểu xem duyên cớ nào đã đưa một học sinh giỏi văn đến với ngành Dệt-may – nơi làm ra triệu triệu quần áo đẹp mang nhãn hiệu Việt Nam đến với mọi nhà trong nước và thế giới. Bây giờ thì tôi hiểu rồi, vì tôi vẫn nhớ buổi sáng hôm ấy, trời rét căm căm, em ngồi co ro trong lớp...

Khi tôi viết những dòng này thì chỉ còn mấy tiếng đồng hồ nữa, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, sẽ tổ chức Lễ phong danh hiệu Anh hùng Lao động cho Ninh Thị Ty.

Rất tiếc là tôi không ra Hà Nội được. Nhưng ngay giờ phút này, tôi có thể hình dung rõ mồn một người học trò cũ của tôi đĩnh đạc bước lên Đài vinh quang, trang phục lộng lẫy.

Trời Hà Nội áp Tết mà sao em chỉ mặc áo dài. Nhưng tôi sẽ không hỏi em “có lạnh không” nữa mà ngàn lần chúc mừng em. Và chúc mừng mẹ em, người mẹ Hải Phòng tuyệt vời đã biết nuôi em bằng rau cháo và manh áo vải thời bao cấp, để giờ đây trở thành Nữ anh hùng của Thời Đổi mới.

Đà Nẵng, sáng 31-1-2010

Phạm Phát

;
.
.
.
.
.