.

Gian nan lập lại trật tự vỉa hè

.

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán, đậu xe trái phép có thể nói đã trở thành căn bệnh mãn tính. Các ngành chức năng tốn rất nhiều công sức, thế nhưng mọi nỗ lực này gần như không đem lại kết quả như mong muốn.

Lập lại trật tự vỉa hè tại “điểm nóng” trên đường Vũ Ngọc Phan. 

“Điểm nóng”… vẫn “nóng”

Mặc dù gần 1 tháng qua, lực lượng chức năng cùng chính quyền quận Liên Chiểu đã đồng loạt ra quân “đòi” lại sự thông thoáng vỉa hè cho người đi bộ, song khi đội trật tự đi qua, tình trạng lấn chiếm vỉa hè vẫn thế. 4 giờ sáng, chúng tôi cùng Đội quy tắc đô thị quận Liên Chiểu có mặt tại chợ Hòa Khánh - khu vực được xem là “điểm nóng” chiếm dụng vỉa hè làm nơi buôn bán trên địa bàn phường Hòa Khánh Bắc. Lúc này trời vẫn tối, nhưng mọi tuyến đường quanh chợ Hòa Khánh như đường Vũ Ngọc Phan, Âu Cơ, Đặng Dung…, các hộ buôn bán hàng rau, thịt, cá… đều lấn chiếm lòng lề đường. Người mua - người bán giao dịch ngay giữa lòng đường; xe máy, xe đạp của người buôn bán bạ đâu vứt đó. Chỉ đến khi xuất hiện lực lượng chức năng, họ mới chạy vào chợ, lúc này trên các tuyến đường chỉ còn lại rác và rác…

Là Đội trưởng Đội quy tắc đô thị quận Liên Chiểu, gần 1 tháng nay, ông Nguyễn Xuân Hoài phải thường xuyên “xắn quần” xuống hiện trường cùng anh em trong đội làm nhiệm vụ lập lại trật tự vỉa hè tại “điểm nóng” nói trên. “Đội cùng chính quyền phường tổ chức nhiều đợt dẹp các hộ buôn bán lấn chiếm vỉa hè, thế nhưng khi anh em đi làm nhiệm vụ khác, vỉa hè lại như cũ. Đội chỉ có hơn 40 người được phân chia làm nhiệm vụ lập lại trật tự vỉa hè, chống xây nhà trái phép trên toàn quận. Vì quân số ít, địa bàn quá rộng nên khó có thể giám sát 24/24 giờ. Mặc dù chúng tôi đã tuyên truyền, vận động, kể cả xử phạt nhưng thực tế tình trạng buôn bán, lấn chiếm vỉa hè lòng đường vẫn tái diễn”, ông Hoài nói.

Theo ghi nhận của chúng tôi, không chỉ có khu chợ Hòa Khánh mà ngay cả tuyến đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng vốn là những tuyến đường lưu thông trọng điểm, tình trạng mua bán lấn chiếm vỉa hè cũng tấp nập. Các hộ nhà mặt tiền buôn bán từ cửa hàng kim khí điện máy, xe đạp, xe máy, mắt kính, đến quán ăn, cà-phê, tiệm Internet, dịch vụ áo cưới... đều lấn chiếm lề đường. Và, không chỉ có các hộ này, nhiều người buôn bán lề đường, hàng rong cũng có cả trăm ngàn cách chiếm dụng vỉa hè làm nơi buôn bán. Người bán, người mua và rác thải đã biến lòng đường, vỉa hè trở nên hỗn độn. Không những thế, vỉa hè còn được tận dụng để dựng bảng quảng cáo, làm chỗ để xe máy cho khách hàng.

Vỉa hè của ai?

Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi đã có cuộc khảo sát trên một số tuyến đường ở quận Liên Chiểu và hầu hết người dân đều cho rằng vỉa hè đô thị thuộc sở hữu của Nhà nước khi lực lượng chức năng có mặt, còn không, vỉa hè tạm quyền thuộc sở hữu của... chủ nhà. Vì thế mới có chuyện, người ta có quyền kinh doanh, hoặc cho thuê làm nơi buôn bán. Chúng tôi đã đi thực tế trên tuyến đường Vũ Ngọc Phan (phường Hòa Khánh Bắc) và thấy hầu hết các hộ kinh doanh từ hàng thịt, cá, rau… đều phải thuê vỉa hè của người dân có nhà mặt tiền ở tuyến đường này. Một người dân kinh doanh hàng thịt lấn chiếm vỉa hè trên tuyến đường Vũ Ngọc Phan cho rằng: “Do chợ Hòa Khánh hết chỗ nên chúng tôi buộc phải thuê chỗ ngồi của các hộ dân có nhà mặt tiền trên tuyến đường này để kinh doanh. Vẫn biết lấn chiếm vỉa hè là vi phạm nhưng bây giờ bỏ nghề biết làm gì để kiếm sống”.

Mặc dù UBND thành phố cùng các địa phương đã ban hành nhiều quyết định liên quan đến công tác quản lý, xử phạt các hành vi lấn chiếm lòng, lề đường để buôn bán, đậu xe trái phép, nhưng trên thực tế, việc quản lý vỉa hè không đơn giản chút nào, bởi tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, buôn bán lộn xộn trên vỉa hè vẫn là căn bệnh khó trị. Ông Trần Ngọc Nhân, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Bắc, thừa nhận: Việc sắp xếp, quản lý vỉa hè đô thị không dễ do một mặt phải duy trì việc làm ăn của người dân, mặt khác phải tái lập trật tự đường phố, tạo bộ mặt văn minh cho phố thị. “Những gánh hàng rong, những bàn vé số, quán cà-phê cóc... đã bảo đảm đời sống cho không ít người dân nghèo. Nhưng thực tế, tình trạng này kéo dài lâu nay đã ảnh hưởng rất lớn đến mỹ quan đô thị. Nếu bảo đảm mỹ quan đô thị thì đời sống của những người dân này sẽ đi về đâu?”, ông Nhân băn khoăn.

Chấn chỉnh lại vỉa hè, lập lại văn minh đường phố là vấn đề cấp thiết. Nhưng phải chăng, các cơ quan quản lý Nhà nước đều lúng túng trong việc đề ra giải pháp để làm sao vừa có chỗ buôn bán cho người dân, vừa hướng tới nếp sống văn minh đô thị?

Ông Phạm Văn Trường, Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam:

Trong thời gian qua, phường Hòa Khánh Nam đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực trong việc ngăn chặn tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường làm nơi buôn bán, nên nhìn chung các tuyến đường nằm trên địa bàn phường đã giảm hẳn tình trạng này.

Với quyết tâm xây dựng tuyến đường Phạm Như Xương đạt chuẩn văn minh đô thị, phường đang chỉ đạo các hội, đoàn thể và người dân thường xuyên quét dọn, chỉnh trang mặt tiền trên tuyến đường này.

Bên cạnh đó, sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền và hướng dẫn các hộ dân trên tuyến đường này ký cam kết thực hiện các tiêu chí xây dựng tuyến đường văn minh đô thị, hằng tuần sẽ tổ chức “Ngày chủ nhật xanh” và cùng các đơn vị chức năng tổ chức kiểm tra giám sát, giải quyết các vấn đề còn vướng mắc trong an toàn giao thông, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường. 


Bài và ảnh: Trọng Hùng

;
.
.
.
.
.