.

Còi xe... khủng

.

Hiện nay, trên đường phố, nhiều người điều khiển ô-tô, mô-tô vô tư bấm còi, bất kể thời điểm nào và ở đâu. Đáng lo ngại hơn khi gần đây phong trào “chơi” còi mô-tô đang rất phát triển với đủ thứ âm thanh khiến người đi đường giật mình.

Còi mô-tô đủ loại âm thanh

Ngã ba Huế là nơi thường xuyên vang lên những tiếng còi của đủ loại xe.

Anh Trần Văn T. một chủ tiệm sửa xe và bán phụ tùng, xe máy trên đường Hoàng Diệu “khoe”: “Chưa khi nào thị trường còi mô-tô lại phong phú và rẻ như hiện nay. Với số tiền dưới 150 ngàn đồng đã mua được bất cứ loại còi với âm thanh nào mình thích. Tại Đà Nẵng hiện nay, mốt “chơi” còi giả tiếng xe cứu thương, hay xe cứu hỏa đã lỗi thời, thay vào đó là những chiếc còi do Trung Quốc sản xuất gần như đầy đủ bộ sưu tập những âm thanh ghê sợ nhất như tiếng heo bị chọc tiết, tiếng hét của một người phụ nữ, hay tiếng súng nổ, thậm chí là tiếng va chạm của vụ tai nạn giao thông.

Theo một người bán còi xe máy tại ngã ba Hoàng Diệu-Lê Hồng Phong “bật mí” với chúng tôi: Sử dụng còi xe do Trung Quốc sản xuất, ngoài sự đa dạng về âm thanh, giá mềm, còn một ưu điểm mà dân chơi rất thích là có thể hoạt động độc lập với còi đã có trong xe. Đặc biệt là loại còi này rất nhỏ gọn và có thêm một công-tắc có thể giấu ở bất cứ nơi đâu trong xe, vì thế có thể “qua mặt” được CSGT (!?). Cũng theo ông này, khoảng đầu năm 2009, khi loại còi này mới xuất hiện trên thị trường thành phố,  mỗi ngày có cả trăm khách tìm mua. Qua tìm hiểu của chúng tôi, gần đây trên thị trường Đà Nẵng còn xuất hiện các loại còi có xuất xứ từ Thái Lan và Malaysia, giá cao gần gấp đôi hàng của Trung Quốc, nhưng vẫn được khách hàng ưa chuộng vì âm thanh phát ra rất giống âm thanh các loại xe chuyên dụng, tiếng người... khiến người đi đường phải giật mình.

Theo quan sát của chúng tôi, những người “chơi” còi mô-tô đều còn khá trẻ và rất hiểu “luật chơi”, tức là chỉ sử dụng còi xe mỗi khi vắng bóng CSGT, đặc biệt vào đêm khuya là thời điểm thích hợp nhất để “ra tay”. Anh Trần Minh Hùng, giáo viên ở xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, một nạn nhân do còi mô-tô kể: Ngày 1-5 vừa qua, khi đưa vợ con ra Đà Nẵng chơi, đang chạy xe trên đường Nguyễn Hữu Thọ, anh thất hồn với tiếng hét rất to của một phụ nữ nên đã thắng gấp xe khiến cả nhà ngã nhào xuống đường, rất may là lúc đó không có xe nào chạy tới, nếu không có thể cả nhà đã bị tai nạn. Đến lúc dựng xe lên nhìn phía trước, thấy hai thanh niên ngồi trên mô-tô cười ngất vừa bấm còi phát ra tiếng phụ nữ hét, lúc đó mới biết mình bị lừa.
 
Còn chị Nguyễn Thị Sen ở số nhà 559 đuờng Ngô Quyền, cũng không giấu được sự bực dọc. Sống ở gần ngã năm nên nhà chị gần như lãnh đủ mọi thứ còi xe từ ô-tô đến mô-tô. Đặc biệt là vào đêm khuya, họ cứ thi nhau bóp còi. Trong khi Nhà nuớc quy đinh cấm bóp còi xe từ 22 giờ đến 5 giờ sáng, thế nhưng lúc này chính người điều khiển xe bóp còi nhiều nhất. Ô-tô thì bóp còi hơi thay vì sử dụng còi điện, còn xe máy thì bóp còi phát ra những âm thanh nghe gợn cả người. Theo chị cho biết, để “sống chung với tiếng còi xe”, đa số người dân ở dọc đường Ngô Quyền này làm thêm lớp cửa gương để hạn chế âm thanh.

Khó xử lý

Theo Trung tá Bùi Chí Hòa, Phó Trạm CSGT Hòa Phước, trong quá trình tuần tra, nếu phát hiện tài xế sử dụng còi xe không đúng quy định đều xử lý nghiêm, đặc biệt là việc tài xế ô-tô sử dụng còi hơi, và mô-tô sử dụng còi có âm thanh gây lo sợ cho người khác. Mặc dù vậy, theo những CSGT trực tiếp làm nhiệm vụ trên đường cho biết, việc xử lý  sử dụng còi không đúng quy định gặp khó khăn, do việc “tìm dấu vết vi phạm” không thể, vì nó là âm thanh thoáng qua là mất. Trong khi đó, CSGT lại chưa có dụng cụ để đo về âm thanh, nên việc xử lý còn nhiều hạn chế. Việc phát hiện còi mô-tô không đúng quy định không đơn giản, vì những chiếc còi này đều gắn nơi kín đáo và có công tắc riêng.

Bài và ảnh: Thanh Vân

;
.
.
.
.
.