.
HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TP. ĐÀ NẴNG TẠI KỲ HỌP THỨ BẢY, QUỐC HỘI KHÓA XII

Cần quy định chặt chẽ và minh bạch hóa các khoản chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài

.

Sáng ngày 26-5, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Nuôi con nuôi. Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, đại biểu Quốc hội chuyên trách thành phố Đà Nẵng đã tham gia phát biểu ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy phát biểu tại hội trường.

Về lệ phí đăng ký nuôi con nuôi, chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài, ĐB đồng ý về nguyên tắc người nhận nuôi con nuôi trong nước hay có yếu tố nước ngoài đều phải nộp lệ phí đăng ký nuôi con nuôi. Người nước ngoài không thường trú tại Việt Nam, nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi còn phải nộp một khoản tiền để bù đắp một phần chi phí cho việc giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài. Nhưng theo ĐB, đối với luật này thì vấn đề tài chính liên quan đến nuôi con nuôi nước ngoài là vô cùng nhạy cảm. Mặt khác, trong chiến lược hoàn thiện pháp luật Việt Nam hướng tới gia nhập Công ước, ĐB đề nghị không nên coi nhẹ vấn đề này. Do đó, ĐB đề nghị cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ quy định về chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài sao cho vừa phản ánh đúng thực tiễn, đồng thời vừa phù hợp với tinh thần Công ước. ĐB đề nghị cần quy định chặt chẽ và minh bạch hóa các khoản chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài. Qua đó, vừa ngăn chặn hành vi buôn bán trẻ em, vừa giúp cho cha mẹ nuôi chủ động về mặt tài chính. 

Khoản 2 Điều 12 dự thảo luật có quy định 5 loại chi phí, bao gồm chi phí lập hồ sơ do cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ, cơ sở nuôi dưỡng thực hiện; chi phí xác minh nguồn gốc do Công an cấp tỉnh thực hiện; chi phí thẩm định hồ sơ do Sở Tư pháp thực hiện; chi phí nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ khi giới thiệu đến khi hoàn thành thủ tục giao nhận và thù lao hợp lý cho nhân viên cơ sở nuôi dưỡng. 

ĐB cho rằng quy định như trên chưa ổn, bởi lẽ việc xác minh nguồn gốc và thẩm định hồ sơ là nhiệm vụ Nhà nước giao cho Công an cấp tỉnh và Sở Tư pháp nên hai cơ quan này có trách nhiệm phải hoàn thành. Do đó, ĐB đề nghị cần xem lại việc Nhà nước có nên thu một phần chi phí xác minh, thẩm định này hay không. 

ĐB không đồng ý giao Chính phủ quy định mức thu, vì theo dự thảo luật thì người nhận nuôi con nuôi chỉ phải trả một khoản tiền để bù đắp một phần chi phí, không phải toàn bộ chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài. ĐB đề nghị nên định lượng luôn vào luật số tiền mà người nhận nuôi con nuôi phải trả để bù đắp một phần chi phí là bao nhiêu trên một trường hợp, theo hướng quy định mức tối đa, còn việc miễn, giảm thì có thể giao cho Chính phủ quy định. 

Về thủ tục giải quyết việc nuôi con nuôi, ĐB cho rằng việc quy định trách nhiệm tìm gia đình thay thế cho trẻ em tại điểm c khoản 1 Điều 15 dự thảo luật chỉ dừng lại ở quy định thông báo 3 lần trong thời hạn 60 ngày. Nếu như so sánh với dự thảo ngày 25-2 thì thời hạn thông báo nhiều hơn 15 ngày. Theo ĐB thì 45 ngày hay 60 ngày không quan trọng mà quan trọng là việc thực hiện thông báo đó được tiến hành như thế nào. Do đó, ĐB đề nghị nên quy định rõ trách nhiệm của Sở Tư pháp là thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng cấp tỉnh 3 lần trong 3 ngày liên tiếp, hết thời hạn 60 ngày kể từ ngày thông báo cuối cùng, nếu không có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì phải gửi danh sách cho Bộ Tư pháp. Vì theo ĐB, nếu thực hiện thông báo trong 3 ngày liên tiếp sẽ bảo đảm thời gian thông báo trên thực tế mà luật quy định, đồng thời tránh trường hợp thông báo lần thứ ba sau lần thứ nhất, thứ hai một thời gian dài, hoặc thông báo lần thứ ba vào thời điểm sắp hết thời gian quy định, dẫn đến việc thông báo đó chỉ mang tính hình thức. 

Về hồ sơ của người nhận con nuôi quy định tại Điều 17 dự thảo luật, ĐB đề nghị nên quy định luôn vào luật thời hạn của các giấy tờ như phiếu lý lịch tư pháp và giấy khám sức khỏe được cấp chưa quá 6 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ. Bởi vì nếu không quy định thời hạn thì rõ ràng họ nộp giấy tờ đó cách đây vài năm thì sao, có chấp nhận hay không, hoặc phải chờ nghị định của Chính phủ hướng dẫn thì mới thực hiện được quy định này. 

ĐB đề nghị thay cụm từ: “bản sao giấy chứng nhận kết hôn nếu là vợ chồng xin nhận con nuôi” bằng cụm từ “văn bản xác nhận về tình trạng hôn nhân”, vì cụm từ này đã bao trùm cả hai loại giấy tờ: giấy chứng nhận kết hôn trong trường hợp là vợ chồng xin nhận con nuôi; giấy xác nhận độc thân trong trường hợp người không có vợ, không có chồng xin nhận con nuôi. Qua đó, đảm bảo tính thống nhất về cách sử dụng từ ngữ trong một văn bản luật về cùng một nội dung.

Về hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi quy định tại Điều 18 dự thảo luật, ĐB đề nghị bổ sung thêm một nội dung nữa cho chặt chẽ và để tránh tranh chấp, khiếu nại về sau, đó là văn bản đồng ý cho làm con nuôi quy định tại Điều 21 của luật này. Đối với quy định bản sao giấy chứng tử của cha mẹ đẻ đối với trẻ em mồ côi, thực tế cho thấy không phải mọi trường hợp chết đều thể hiện bằng giấy chứng tử, vì theo Điều 78 và Điều 81 Bộ luật Dân sự quy định về tuyên bố một người mất tích, đã chết thì được thể hiện bằng quyết định của Tòa án. Do đó, ĐB đề nghị bổ sung quy định đối với trẻ mồ côi thì phải có bản sao giấy chứng tử của cha mẹ đẻ hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố cha mẹ đẻ của trẻ mất tích hoặc đã chết.

Đối với việc kiểm tra, xác minh trẻ em có đủ điều kiện được cho làm con nuôi, đoạn cuối khoản 1 Điều 18 quy định trường hợp trẻ em bị bỏ rơi cần xác minh thì Sở Tư pháp đề nghị Công an cấp tỉnh xác minh trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp. ĐB đề nghị cần làm rõ trường hợp nếu quá thời hạn 30 ngày mà Công an cấp tỉnh không thông báo kết quả xác minh cho Sở Tư pháp thì Sở Tư pháp có được báo cáo bằng văn bản để Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định hay không, vì vấn đề này sẽ liên quan đến thời hạn giải quyết hồ sơ nuôi con nuôi nước ngoài. 

 Bài và ảnh: PHẠM HỮU HOA

;
.
.
.
.
.