Chiều ngày 24-5-2010, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Trọng tài thương mại. Ông Huỳnh Nghĩa, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng đã tham gia phát biểu ý kiến.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa phát biểu thảo luận tại hội trường. |
Về phạm vi trách nhiệm của Trọng tài viên quy định tại Điều 22 dự thảo luật, theo ĐB Huỳnh Nghĩa thì có 2 loại ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề quy kết trách nhiệm của Trọng tài viên. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Trọng tài viên chỉ chịu trách nhiệm về các hành vi của mình khi cố ý vi phạm các quy định của pháp luật. ĐB Huỳnh Nghĩa cho rằng, trong thực tế, để phân biệt được lỗi nào là cố ý và lỗi nào là vô ý là điều không hề đơn giản.
Theo ĐB, hành vi vi phạm các quy định của pháp luật khi giải quyết tranh chấp thương mại của Trọng tài viên trong bất kỳ trường hợp nào cũng đều là lỗi cố ý, không có trường hợp nào là lỗi vô ý. Vì hơn ai hết, Trọng tài viên là người nắm vững các quy định của pháp luật. Nhiệm vụ của Trọng tài viên là vận dụng các quy định của pháp luật để giải quyết tranh chấp và đây là hành vi cố ý, do đó nếu có lỗi xảy ra cũng là lỗi cố ý chứ không phải lỗi vô ý. Việc vận dụng pháp luật của Trọng tài viên nếu sai thì Trọng tài viên phải chịu trách nhiệm. Trọng tài viên không thể vin vào lỗi vô ý để chối bỏ trách nhiệm của mình. Do đó, không nên đặt ra vấn đề lỗi cố ý hay vô ý đối với Trọng tài viên. Chính vì vậy, ĐB đề nghị luật cần quy định theo hướng bắt buộc Trọng tài viên phải chịu trách nhiệm toàn bộ về phán quyết của mình.
ĐB đề nghị thiết kế lại Điều 22 dự thảo luật như sau: Khi thực hiện nhiệm vụ của Trọng tài viên, Trọng tài viên phải chịu trách nhiệm khi có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật”. ĐB cho rằng quy định như trên sẽ góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của Trọng tài viên, đồng thời làm tăng độ tin cậy và uy tín của Trọng tài viên đối với các doanh nhân. Về thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài trong việc thu thập chứng cứ.
Khoản 5 Điều 47 dự thảo luật quy định: Trong trường hợp Hội đồng trọng tài, một hoặc các bên đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập chứng cứ mà vẫn không thể tự mình thu thập được thì có thể yêu cầu Tòa án có thẩm quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến vụ tranh chấp hoặc ủy thác tư pháp thu thập chứng cứ tại nước ngoài.
ĐB Huỳnh Nghĩa cho rằng, đối chiếu quy định trên đây của dự thảo Luật Trọng tài thương mại với các quy định pháp luật hiện hành về vấn đề này thì thấy: Tại khoản 2 Điều 85 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) quy định: Trong trường hợp đương sự không thể tự mình thu thập được chứng cứ và có yêu cầu thì Thẩm phán có thể tiến hành thu thập chứng cứ. Đồng thời, tại Phần IV Nghị quyết số 04 ngày 17-9-2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn: Tòa án chỉ tiến hành thu thập chứng cứ trong các trường hợp do BLTTDS quy định; cụ thể là chỉ khi đương sự có yêu cầu, thì Tòa án mới tiến hành một hoặc một số biện pháp thu thập chứng cứ…
Theo ĐB, căn cứ các quy định vừa viện dẫn trên thì chỉ có đương sự trong vụ án mà Tòa án đang thụ lý, giải quyết mới có quyền yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ. Và Tòa án chỉ thu thập chứng cứ đúng đối tượng quy định tại Điều 85 BLTTDS. Ngoài ra, không có bất kỳ cơ quan, tổ chức nào có quyền yêu cầu tòa án thu thập chứng cứ. Trong thực tế, nếu các cơ quan, tổ chức yêu cầu tòa án thu thập chứng cứ thì Tòa án đều có quyền căn cứ quy định tại Điều 85 BLTTDS để từ chối. Do đó, nếu Luật Trọng tài thương mại quy định Hội đồng trọng tài cũng có thẩm quyền yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ thì cần thiết phải xem xét, sửa đổi khoản 2 Điều 85 BLTTDS hiện hành, nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật nước ta và bảo đảm tính khả thi của Luật Trọng tài thương mại sau khi ban hành. Về thẩm quyền, trình tự, thủ tục của Tòa án áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Khoản 1 Điều 54 dự thảo luật quy định: Sau khi nộp đơn khởi kiện và trước khi thành lập Hội đồng trọng tài, một bên có quyền làm đơn gửi đến Tòa án có thẩm quyền yêu cầu áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời. Trong trường hợp này trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 99 BLTTDS.
Nhưng ĐB cho rằng, theo quy định tại khoản 2 Điều 99 BLTTDS thì Tòa án chỉ ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong một trường hợp duy nhất là: Khi đương sự đồng thời vừa nộp đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, vừa nộp đơn khởi kiện tại Tòa án. Trong khi đó, theo khoản 1 Điều 54 dự thảo Luật Trọng tài thương mại thì đương sự nộp đơn khởi kiện tại Trọng tài chứ không phải Tòa án, mà điều luật này lại dẫn chiếu đến khoản 2 Điều 99 BLTTDS là không phù hợp, do đó, ĐB đề nghị Ban soạn thảo xem xét, điều chỉnh lại quy định này.
PHẠM HỮU HOA