.
DẠY NGHỀ CHO NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Hướng mở để hòa nhập cộng đồng

.

Nạn nhân chất độc da cam đang học may.
Mới  đây, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của các tổ chức từ thiện, 10 nạn nhân chất độc da cam của thành phố Đà Nẵng được học may cơ bản trong 6 tháng. Đây là lớp dạy may thứ 4 kể từ năm 2007 đến nay, với hy vọng trang bị một nghề phù hợp cho những người mang di chứng chất độc da cam, để họ có thể tự đứng lên kiếm sống...

Thêu, may, kết cườm, làm hương

Ở Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam, cơ sở 1, trên đường Nguyễn Như Hạnh, nhìn Lê Hoàng Thủy, 17 tuổi với đôi tay búp măng điêu luyện kết cườm khiến cho nhiều người lần đầu gặp em cứ nghĩ rằng cô bé này là người bình thường, không phải là nạn nhân chất độc da cam. Trong số hơn 50 nạn nhân chất độc da cam đang được nuôi dưỡng tập trung tại trung tâm thì Thủy là người có khuôn mặt hồn nhiên, “lành” tính và chỉn chu nhất. Điều đặc biệt là Thủy không nói được, do em bị câm từ nhỏ, nhưng trong quá trình học việc, em rất siêng năng và tỏ ra có khiếu kết dây cườm dùng làm trang sức đeo cổ, đeo tay cho khách du lịch. Những sản phẩm từ chính những bàn tay của nạn nhân chất độc da cam như Thủy không có sự khác biệt nhiều so với những sản phẩm cùng loại bán ở các điểm tham quan du lịch. Chị Thanh, người quản lý trung tâm này cho biết, những sản phẩm mà nhóm của Thủy làm ra được Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố Đà Nẵng giới thiệu để cho nhiều du khách khi ghé thăm trung tâm có thể mua làm vật lưu niệm mang về nước.

Phạm Thị Hồng Vân, 19 tuổi, trú tại xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang cũng có một hoàn cảnh đặc biệt khác. Gia đình rất nghèo nên em được gửi đến Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam trên đường Nguyễn Như Hạnh sống gần một năm nay. Vân cho biết, ban đầu được sự động viên của nhiều cán bộ chăm sóc tại trung tâm nên em đã làm quen với việc gia công làm hương cho một cơ sở sản xuất hương gần đó. Từ chỗ lóng ngóng không biết điều chỉnh máy nhồi hương, đến nay, tự em có thể đạp máy nhồi với mỗi ngày cho ra khoảng 5kg hương thành phẩm. Nhưng người làm hương giỏi nhất ở trung tâm chính là Nguyễn Văn Dũng. Do say mê và chú tâm với nghề vừa được các cô giáo ở trung tâm chỉ dẫn, nên mỗi ngày số hương thành phẩm Dũng làm ra  thường gấp đôi những người khác ở trung tâm.

Phải cần thêm thời gian

Cho đến nay, bằng sự cố gắng của những cán bộ Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố và Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi, đã có 40 nạn nhân chất độc da cam được học nghề. Trong đó chủ yếu là may, thêu, kết cườm, làm hương. Đây là con số khiêm tốn so với con số 5.000 nạn nhân chất độc da cam, trong đó có 1.500 trẻ em đang sống trên địa bàn thành phố. Tuy vậy, có thể thấy việc vận động người mắc di chứng chất độc da cam học nghề, tự làm việc và sống bằng chính nghề của mình là nỗ lực rất lớn của các cán bộ Hội. Bởi hầu hết những người không may mang di chứng này đều giảm thiểu khả năng lao động, khả năng học tập cũng rất hạn chế.

Chị Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố Đà Nẵng cho biết, nếu như người bình thường trải qua 4 đến 6 tháng học nghề may đã có thể làm việc ở các xí nghiệp may, thì đối với những nạn nhân chất độc da cam, thời gian để học nghề thường kéo dài từ 1 năm đến hai năm. “Chúng tôi đã liên hệ với một số doanh nghiệp tiếp nhận các em vào làm việc, tuy vậy sự hòa đồng của các em rất chậm, có em lại bỏ việc giữa chừng để về lại trung tâm. Do vậy, những em này đang may gia công cho những cơ sở may tại quận Liên Chiểu.

“Khó khăn lớn nhất của việc dạy nghề cho các em nằm ở đầu ra. Cũng có nhiều doanh nghiệp có lòng hảo tâm, sẵn sàng nhận các em vào làm việc. Nhưng, sự mặc cảm là “trở lực” lớn nhất khiến các em không gắn bó lâu dài với doanh nghiệp” - chị Hiền cho hay. Tuy vậy, với sự nỗ lực của Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố và Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi nên trong những năm qua, một số em đã có thể tự làm việc và sống với tiền lương do bản thân làm ra. Đây là điều rất trân trọng và cần được nhân rộng trên quy mô toàn thành phố. Theo kế hoạch, trong năm 2011, Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố sẽ mở lớp dạy vi tính. Đây được xem như là nghề phù hợp với thể trạng, sức khỏe của những người mang di chứng chất độc da cam và đó cũng là tin vui cho những con người bất hạnh này.

Bài và ảnh: VIỆT DŨNG

;
.
.
.
.
.