Sau khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và được Chính phủ công nhận đô thị loại 1, các đơn vị sự nghiệp công tại thành phố Đà Nẵng không ngừng được củng cố và mở rộng, đáp ứng nhu cầu phát triển dịch vụ ngày càng cao trong thời kỳ hội nhập. Thông qua hoạt động dịch vụ, các đơn vị sự nghiệp công không những góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hành chính của chính quyền địa phương, phục vụ người dân và xã hội mà còn tạo ra một khoản thu đáng kể cho ngân sách thành phố phục vụ hoạt động bộ máy và cho đầu tư phát triển.
Cấp phát ngân sách ở Kho bạc Nhà nước thành phố. |
Sau ba năm thực hiện Nghị định 43/2006/NĐ-CP về quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, toàn thành phố có 332 đơn vị sự nghiệp công lập, hoạt động trên các lĩnh vực công cộng phục vụ kinh tế-xã hội của thành phố. Trong đó, 1 đơn vị đang tiếp tục triển khai xã hội hóa, 2 đơn vị đang xây dựng phương án thực hiện theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập, 23 đơn vị tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động, đồng thời tạo ra khoảng 137 tỷ đồng tiết kiệm cho ngân sách địa phương.
Những thành công ban đầu về việc chuyển đổi cơ chế quản lý mới cho thấy: Thành phố đã chủ động giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, biên chế đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, kể cả các đơn vị không có nguồn thu. Qua đó đã phát huy được khả năng hoạt động của đơn vị theo chức năng được giao cao hơn một bước, tạo ra cho xã hội sản phẩm dịch vụ công ngày một chất lượng hơn, đã huy động được các nguồn lực ngoài ngân sách để phát triển hoạt động sự nghiệp phù hợp với tình hình mới.
100% đơn vị sự nghiệp đến nay đã xây dựng được quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế được lập trên cơ sở bảo đảm dân chủ, công khai, có sự bàn bạc, thống nhất của cán bộ, công chức (CBCC) và người lao động. Các nội dung được chi tiết hóa trong quy chế đã khá xác thực và gần với từng bộ phận, phòng ban công tác như: Biên chế lao động từng phòng, nguồn kinh phí, phương tiện, thiết bị, tài sản, định mức chi phí thường xuyên... Qua đó, ý thức tiết kiệm được nâng lên rõ rệt, tập trung được con người, kinh phí phục vụ cho hoạt động chuyên môn, mở rộng dịch vụ, tạo điều kiện nâng cao chất lượng phục vụ và cải thiện đời sống cán bộ, nhân viên trong các đơn vị sự nghiệp.
Việc thực hiện các chính sách, chế độ tài chính Nhà nước thông qua định mức chi tiêu thường xuyên quy định tại quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị dưới sự chỉ đạo của cơ quan chủ quản, sự lãnh đạo của thủ trưởng đơn vị, hướng dẫn của cơ quan tài chính các cấp và chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Kho bạc Nhà nước (KBNN) được thực hiện một cách triệt để, nghiêm túc và đã có tác động mạnh mẽ, góp phần vào kết quả thực hiện của đơn vị. Các đơn vị có hoạt động dịch vụ đã tích cực hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao, tạo thêm việc làm tăng thu nhập cho người lao động.
Các đơn vị sự nghiệp cũng đã tăng cường cải cách hành chính, có kế hoạch thu, chi tài chính hợp lý được xây dựng hằng quý, tháng, do đó chủ động trong chi tiêu tài chính và tiết kiệm được nguồn kinh phí thường xuyên.
Bước đầu các đơn vị đã tự xây dựng cơ chế tự kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế tại các bộ phận của mình, tăng cường trách nhiệm cá nhân gắn với trách nhiệm, nhiệm vụ được giao, do đó đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả lao động.
Đánh giá kết quả tăng thu nhập qua thực hiện Nghị định 43/CP của UBND thành phố Đà Nẵng cho thấy: Năm 2006, có 49/92 đơn vị đã tăng thu nhập cho cán bộ, lao động với mức dưới 1 lần lương/tháng, có 8/92 đơn vị có hệ số tăng thu nhập từ 2 – 2,5 lần lương/tháng, cao nhất như Trung tâm Công nghệ phần mềm Đà Nẵng đạt 3,6 triệu đồng/tháng. Năm 2007, có 271/332 đơn vị có thu nhập dưới 1 lần lương/tháng và 6/332 đơn vị có thu nhập tăng thêm 2 – 3 lần lương/tháng và điển hình là Bệnh viện Đà Nẵng tăng thu nhập 5,2 triệu đồng/tháng.
Đây thực sự là một bước tiến quan trọng trong tiến trình cải cách tài chính công, mở ra một cơ chế mới để các đơn vị sự nghiệp được tự chủ, tự chịu trách nhiệm, đồng thời tích cực khai thác các nguồn thu sự nghiệp, mở rộng và đa dạng hóa các loại hình cung ứng dịch vụ, bảo đảm chi tiêu ngân sách hiệu quả hơn và nâng cao mức thu nhập cho người lao động, mức bình quân tăng thêm vào khoảng 10 – 15% tiền lương. Thành công này một lần nữa cho thấy tác động tích cực của cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
Bài và ảnh: Phương Uyên- Phan Quảng Thống