Thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường tại Đà Nẵng cho thấy hoạt động của chính quyền thông suốt, nhanh chóng hơn. Quyền đại diện và quyền dân chủ, quyền được tiếp nhận thông tin của nhân dân vẫn được bảo đảm tốt. Thời gian trả lời và giải quyết những bức xúc của nhân dân nhanh hơn. Chính vì vậy mà thành phố Đà Nẵng ủng hộ triển khai không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trên toàn quốc.
Không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, quyền dân chủ đại diện của nhân dân vẫn được bảo đảm. Trong ảnh: Cử tri quận Hải Châu phát biểu tại buổi tiếp xúc với Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố. |
Vấn đề được dư luận quan tâm nhất là nhân dân phát huy quyền dân chủ đại diện như thế nào khi không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Thực tế tại Đà Nẵng cho thấy quyền dân chủ, quyền đại diện của người dân tiếp tục được duy trì và phát huy qua nhiều tổ chức: Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND thành phố, các Ban, Tổ đại biểu HĐND thành phố, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức đoàn thể các cấp. Người dân có thể phản ánh ý kiến thông qua tổ dân phố hoặc trực tiếp phản ánh tại các cuộc tiếp dân định kỳ của các cấp chính quyền, thông tin trực tiếp đến số điện thoại đường dây nóng của Thường trực HĐND thành phố. Mọi thông tin của người dân đều được tiếp nhận, trả lời, giải quyết theo thẩm quyền, cũng như tạo điều kiện để nhân dân phản ánh thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp.
Các chủ trương, chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước được thực hiện công khai đến toàn dân thông qua công tác tuyên truyền, qua tổ chức chính trị, chính trị-xã hội, qua họp tổ dân phố. UBND huyện, quận, phường thường xuyên cập nhật, niêm yết công khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của cơ quan hành chính cấp trên và địa phương. Hình thức công khai là niêm yết văn bản tại trụ sở UBND, thông báo trên hệ thống loa truyền thanh, phổ biến trong cuộc họp tổ dân phố.
Việc thực hiện Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố ngày càng đi vào nền nếp, phát huy tốt vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng hạ tầng cơ sở, chỉnh trang đô thị, bảo vệ môi trường, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội.
UBND đã tạo điều kiện để người dân tham gia xây dựng chính quyền như: phân công ủy viên UBND phường đứng điểm khu vực tham gia họp tổ dân phố để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân. Nhiều phường tổ chức hội nghị nhân dân định kỳ ở tổ dân phố để lấy ý kiến góp ý của dân. Một số việc lớn được UBND phường thông qua tổ dân phố, Ủy ban MTTQ Việt Nam để nhân dân tham gia ý kiến trước khi quyết định. Thành phố đã có quy chế tiếp dân đối với lãnh đạo UBND các cấp theo định kỳ hằng tuần. Đối với những trường hợp có bức xúc được bố trí lịch riêng để lãnh đạo UBND huyện, quận, phường kịp thời giải quyết. Khi thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, mức độ hài lòng của nhân dân đối với chính quyền tiếp tục giữ ở mức cao. Năm 2009, kết quả khảo sát mức độ hài lòng của công dân, tổ chức đối với dịch vụ công của 69 cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố đều đạt từ 95% trở lên.
Hoạt động của UBND thông suốt và hiệu quả
Sau khi không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, thành phố thực hiện bổ nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND đã thể hiện quan điểm đổi mới trong công tác cán bộ, phát huy, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Các cơ quan hành chính huyện, quận, phường vẫn bảo đảm hoạt động điều hành thông suốt, đạt hiệu quả. UBND các quận, huyện đã ban hành quy chế làm việc phù hợp với tình hình khi không tổ chức HĐND. Theo đó, Chủ tịch UBND quận, huyện cũng phân công thẩm quyền, trách nhiệm cụ thể, rõ ràng đối với từng chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên UBND theo cơ chế mới. UBND phường đã phát huy vai trò chủ động trong điều hành nhiệm vụ được giao, không dựa dẫm, chờ đợi đến kỳ họp HĐND như trước.
Đội ngũ cán bộ, công chức cũng chủ động tham mưu giải quyết công việc tích cực, hiệu quả, đồng thời phát huy vai trò của người đứng đầu cơ quan hành chính. Đây là ưu điểm của mô hình tổ chức Nhà nước không có HĐND huyện, quận, phường. Trước đây để quyết định vấn đề trọng đại của địa phương cần phải xin ý kiến của HĐND cùng cấp và UBND cấp trên. Nay chỉ báo cáo với UBND cấp trên, giảm được một khâu. Do vậy thời gian thực hiện nhanh hơn, giải quyết công việc hiệu quả hơn và trách nhiệm cụ thể hơn. Công tác chỉ đạo, phối hợp chuyên môn được rút ngắn, việc điều hành quản lý giữa các cấp được chặt chẽ, kịp thời.
Phần lớn các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2009 đã được quyết nghị tại kỳ họp HĐND cuối năm 2008, trước khi tổ chức thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường nên kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội tiếp tục thực hiện theo chương trình HĐND. Tuy vậy, thu ngân sách trên địa bàn các quận, huyện đều vượt từ 1% đến 39% chỉ tiêu giao. Riêng 6 tháng đầu năm 2010, thu ngân sách của thành phố ước đạt 57,67% dự toán của HĐND thành phố.
Với kết quả đạt được, thành phố Đà Nẵng tiếp tục ủng hộ việc nhân rộng không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Riêng với thành phố Đà Nẵng, để tạo sự thống nhất trong điều hành của chính quyền, thành phố đề nghị không tổ chức HĐND ở 11 xã thuộc huyện Hòa Vang. Mô hình mới này góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, tổ chức hợp lý chính quyền địa phương, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính Nhà nước và đặc biệt tiếp tục duy trì, mở rộng và phát huy dân chủ trực tiếp ở cơ sở.
Bài và ảnh: Đoàn Sơn