.

Gặp nguyên mẫu chị Kha trong tiểu thuyết “Hồi đó ở Sa Kỳ” (tiếp theo)

.
Năm 1967, có một tiểu đội lính Mỹ thường xuyên phục kích, đánh phá phong trào cách mạng ở địa phương. Bọn lính Mỹ trong tiểu đội này rất hiếu chiến và được huấn luyện rất tinh nhuệ. Chúng tập kích vào anh em du kích ở các xã Điện Thọ, Điện Hòa và các xã khác thuộc huyện Điện Bàn gây cho ta nhiều tổn thất.
 
Mô tả ảnh.
Anh hùng LLVTND Trần Thị Chính-65 tuổi lần đầu tiên hạnh phúc được về thăm quê Bác.
 
Có giai đoạn, ta điều bộ đội R20 về nằm vùng suốt cả tháng trời ở địa bàn mà vẫn không tiêu diệt được tiểu đội lính Mỹ này. Một hôm, trong cuộc họp Đảng ủy xã, các đồng chí lãnh đạo đã cùng anh em bàn bạc nhiều đến việc đánh hạ tiểu đội lính Mỹ để giảm thiểu tổn thất cho lực lượng cách mạng. Với tư cách là một đảng ủy viên của Đảng ủy xã Điện Thọ, chị Chính đã xin được tham gia vào nhiệm vụ đánh tiểu đội lính Mỹ đang đóng quân trên địa bàn này.

Một buổi sáng cuối năm 1967, khi mọi người dân đang háo hức đổ dồn ra Đà Nẵng theo kế hoạch đã hợp đồng trên toàn tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, tập dượt để chuẩn bị cho việc nổi dậy vào dịp Tết Mậu Thân 1968. Chị Chính đang ngồi trong nhà thì nghe tiếng đồng chí Bí thư Đảng ủy xã nói lớn “Ai trong nhà nhắn giùm con Chính bắt con gà trống trả cho tui nghe…”. Nghe như vậy, chị Chính biết được rằng đang có lính Mỹ ở trên địa bàn xã. Chị vội vàng thay quần áo, rồi xách hai chiếc thùng đi ra theo hướng có lính Mỹ. Đi được một đoạn thì chị thấy có một lính Mỹ da đen đang ngồi ôm súng gác cạnh bụi tre trước nhà một người quen. Chị chủ động tiến lại gần để hỏi thăm tên lính Mỹ.
 
Chị xin thuốc lá Salem, rồi cùng hút với tên lính gác, sau đó chị nói vào trong nhà người quen để trả hai chiếc thùng gánh nước. Khi chị đi vào trong nhà thì thấy có đến gần 20 lính Mỹ đang đứng ngồi nhốn nháo, áo quần bê bết bùn lầy, chắc là chúng vừa trở về sau một cuộc hành quân mật phục. Thấy chị bước vào, cả đám xúm lại hỏi chuyện, chị cũng giả vờ vui vẻ, rồi tiến đến ngồi bên chiếc giường tre, nơi có một sĩ quan Mỹ đang nằm nghỉ. Thấy chị ngồi xuống, tên thiếu úy cũng ngồi dậy trò chuyện. Sau hơn 2 tiếng đồng hồ trò chuyện, chị quyết định mời tên sĩ quan Mỹ về nhà mình chơi, nhằm mục đích để cho tổ du kích đang ém quân phối hợp với chị tổ chức bắt sống.
 
Lúc đầu tên sĩ quan Mỹ không chịu đi nhưng sau một hồi thuyết phục khôn khéo của chị, cuối cùng gã cũng đi. Chị dẫn tên sĩ quan Mỹ đi trên đường làng, vừa đi, vừa trò chuyện. Đến đoạn đường vắng, chị nhận được tín hiệu của tổ du kích hỗ trợ thông báo an toàn để hành động. Chị vờ quàng tay qua ôm tên sĩ quan Mỹ, rồi nhanh tay tước khẩu súng ngắn gã đang đeo lủng lẳng bên mình. Thấy nhiều người xuất hiện đột ngột, tên sĩ quan Mỹ chỉ kịp hô lên mấy tiếng “Vi-xi”… “Vi-xi” rồi đành chấp nhận thúc thủ trước  đòn tấn công nhanh gọn của chị Chính và tổ du kích…

Sau chiến công bắt sống tên sĩ quan Mỹ, chị Chính càng được tổ chức và các đồng chí lãnh đạo tin tưởng giao phụ trách nhiều công việc quan trọng khác. Bọn địch lồng lộn, điên tiết vì một sĩ quan Mỹ được đào tạo hết sức bài bản, chính quy lại bị một nữ Việt cộng bắt sống một cách dễ dàng. Người chủ căn nhà nơi đám lính Mỹ đóng quân đã bị chúng bắt và tra tấn hết sức dã man. Nhà chị cũng nhanh chóng bị bố ráp, lục soát, chị phải dạt ra địa điểm khác, ẩn náu trong hầm bí mật và bắt đầu một chặng đường mới là hoạt động bất hợp pháp trong lòng địch.
 
Truy lùng để bắt chị không được, ảnh chân dung của chị được bọn Mỹ-ngụy in ra rất nhiều, dán khắp nơi và treo giải thưởng cho ai phát hiện và bắt được chị. Trước tình hình căng thẳng như thế, nhưng chị vẫn kiên gan hoạt động, tổ chức phong trào phụ nữ ở địa phương, lập các tổ công tác cơ động để chuyển thư từ, công văn hỏa tốc đến với các cơ sở cách mạng; vận động binh lính ngụy rã ngũ.

Năm 1971, trong một chuyến vận chuyển tài liệu cho một cơ sở của ta, chị bị địch phục kích, bị thương nặng nên phải nằm chữa trị dài ngày dưới hầm bí mật. Vết thương quá nặng, mặc dù được bác sĩ Nhâm và các y sĩ, y tá ở trạm quân y nằm trong căn cứ thuộc xã Điện Phước tận tình chạy chữa, nhưng chị vẫn vĩnh viễn mất đi một con mắt, một chân và một cánh tay hoàn toàn bị tê liệt.

Từ năm 1966, nhà văn Bùi Minh Quốc đến hoạt động ở vùng Điện Thọ, đã biết rất nhiều về chị, về những hành động anh dũng của chị trong những năm tháng chiến tranh. Cảm kích trước tấm lòng vì cách mạng của một người con gái ở thôn Đông Hòa, sau này, nhà văn Bùi Minh Quốc đã khắc họa lại những chiến công của chị, những suy nghĩ, khát vọng lớn lao của chị về quê hương và Tổ quốc qua nhân vật chị Kha trong tiểu thuyết chiến tranh nổi tiếng “Hồi đó ở Sa Kỳ”.

Giờ đây, ở tuổi 65, với tấm thân đầy vết thương trong chiến tranh (chị là thương binh hạng 1/4), chị vẫn một mình lặng lẽ sống, lặng lẽ góp sức mình thông qua công tác từ thiện xã hội. Tàn tật là thế nhưng chị chưa hề bỏ lỡ một chuyến cứu trợ hay khám bệnh từ thiện nào mà những người quen của chị tổ chức. Hôm gặp tôi, chị khoe là vừa thực hiện xong ước mơ đi thắp hương dọc các nghĩa trang liệt sĩ ở các địa phương vùng Trung bộ; được ông Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh tạo điều kiện bằng tiền túi để ra Hà Nội vào Lăng viếng Bác Hồ, được tham gia giao lưu cùng đoàn Anh hùng và Bà mẹ Việt Nam anh hùng hành hương về thủ đô nhân đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội...
 
Chỉ tay về hướng bức tường nhà đã úa màu thời gian, chị nói: “Em nhìn đấy, cả cuộc đời của chị chỉ còn lại những thứ này”. Tôi bước lại gần để nhìn cho tường tận: Một giấy chứng nhận Chiến sĩ thi đua từ năm 1966; một Huân chương Chiến công; một bằng chứng nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân do Nhà nước phong tặng ngày 28 tháng 5 năm 2010 cho chị với tư cách là “Nguyên Phó ban Binh vận xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam” và một bức ảnh chân dung mà ngày xưa kẻ thù đã dùng để tầm nã chị.                                   
 
Bài và ảnh: PHAN BÙI BẢO THY
;
.
.
.
.
.