.

Những "chuồng cu" giữa lòng thành phố

.
Trạm dân phòng, hay còn gọi là chốt dân phòng đã cũ nát, xập xệ lâu nay vẫn tồn tại như một mâu thuẫn với bộ mặt thành phố không ngừng được chỉnh trang đẹp đẽ và hiện đại từng ngày.

Mô tả ảnh.
Trạm dân phòng An Trung 3 (ảnh trái) là một hộp container cũ nát với “nội thất” mốc meo (ảnh phải).
 
Chưa bàn đến điều kiện làm việc trong môi trường như trên sẽ tác động đến hiệu quả công việc ra sao, chỉ với hình thức này, có thể thấy ngay các chốt đã góp phần làm cho bộ mặt con đường nơi đó… xấu thêm một chút.

Nhếch nhác, tạm bợ

Chốt dân phòng (CDP) An Trung 3, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà được dựng bởi một… container cũ “mượn của người ta”! So với nhiều CDP khác, nơi đây có phần rộng rãi hơn, nhưng mức độ cũ kỹ thì khó chỗ nào sánh bằng. Toàn bộ phần đế container đã bị gỉ sét, cửa sổ không mái che nên mưa nắng cứ thế dội vào tả tơi. “Nội thất” là một bộ bàn nhựa và miếng thảm đỏ lót sàn bong tróc, mốc meo. Những người đang làm việc tại đây cho hay: “Nắng thì nóng khỏi chê, mưa cũng không đủ khô để trú”.

CDP khu vực 4, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê được coi là khá “bề thế” khi sở hữu hẳn một căn nhà (phòng 111, chung cư E, Thanh Lộc Đán). Nơi này người trực có thể ở lại và ngủ được (điều này không phải nơi nào cũng may mắn có được-P.V). Tuy nhiên, nhìn vào bên trong, dễ có cảm giác đây là căn nhà hoang với giường chiếu, bàn ghế thiếu ngăn nắp. Bàn cờ tướng chỏng chơ như lâu ngày chưa ai rờ tới. Một người dân sống gần đó cho hay: “Lễ, Tết làm việc, còn ngày thường thì lâu nay không thấy ai trực”.
Lý giải cho sự thiếu đẹp mắt của CDP An Trung 3, Trung tá Nguyễn Đình Tuấn, Phó trưởng Công an phường An Hải Tây cho biết: “Chốt này dựng lên tạm thời trong vài tháng nhằm giải quyết “điểm nóng” dưới chân cầu Nguyễn Văn Trỗi”.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, không riêng An Trung 3, nhiều chốt trên địa bàn thành phố hiện trong tình trạng cắm tạm, khi cần sẽ được “nhổ” đi. CDP khu vực 5, Thanh Khê Tây là một ví dụ. Khoảng một năm nay, chốt này đóng cửa im ỉm…

Mang dép thì chạy bắt cướp sao được?

Anh Phụng, trưởng CDP khu vực 5 cho biết: “Chốt đóng cửa vì không có điện. Trước đây, người ta cho câu nhờ. Nay không cho nữa nên anh em không thể tập trung tại chốt được”. Đồng đội của anh Phụng phải chọn giải pháp hằng ngày tập trung tại nhà một thành viên trong đội. Thời gian đi tuần tra theo đó cũng giảm. Thay vì giờ cao điểm của một ca trực bắt đầu từ 12 giờ đêm đến tầm 3 giờ sáng, thì buổi tối các anh tranh thủ làm việc đến chừng 1 giờ sáng rồi giải tán, ai về nhà nấy… ngủ.

Thêm vào đó, phương tiện làm việc của các anh không có gì thêm ngoài gậy, mũ, áo mưa. Anh Nguyễn Văn Thêm, thành viên tổ bảo vệ dân phố, đã làm 4 năm tại chốt An Trung nói: “Mang dép thì chạy bắt cướp sao được!”. Trung tá Nguyễn Đình Tuấn trăn trở: “Muốn trang bị áo giáp cho anh em làm ban đêm, nhưng chưa có kinh phí”. Ông Trần Trung Nam, Bí thư Đảng ủy phường Thanh Khê Tây kiến nghị: “Công việc của dân phòng thường xuyên đối mặt với hiểm nguy, nhưng hiện giờ anh em vẫn chưa có thẻ bảo hiểm y tế”. “Liệu với trang thiết bị tác nghiệp như thế có thể khiến đối tượng nguy hiểm sợ?” - Anh Lê Văn Vũ, Đội trưởng trạm An Trung 2, 3 trả lời bằng… sự im lặng.

Có dân phòng, đỡ ghê lắm!

Các cơ quan chức năng thừa nhận, dân phòng là lực lượng nòng cốt ở cơ sở. Sự góp mặt của đội ngũ này góp phần hạn chế tình trạng mất an ninh, trật tự tại địa phương. “Có lực lượng tuần tra hằng đêm, các đối tượng xấu phần nào e ngại. Thêm vào đó, trong lúc đi tuần, dân phòng có thể nhắc nhở bà con đóng cửa, hoặc thấy xe máy để nơi không an toàn thì yêu cầu chủ xe dắt vào nhà”, Trung tá Nguyễn Đình Tuấn nói. Riêng tại chốt An Trung 3, Trung tá Tuấn cho hay, hiện tượng gái mại dâm tụ tập quanh chân cầu đã giảm đáng kể từ khi xuất hiện chốt này.

Vừa qua, lực lượng dân phòng Thanh Khê Tây được Công an thành phố trao bằng khen vì đã phối hợp kịp thời cùng các lực lượng khác vây bắt đối tượng cướp xe đạp trước tiệm Internet. “Anh em đã giúp phát hiện và tố giác nhiều vụ trộm cắp vào ban đêm”, một người dân cho biết.

Anh em cần được quan tâm nhiều hơn nữa

Trung tá Nguyễn Đình Tuấn nói: An Trung 3 chỉ là chốt tạm, nằm trên khu vực giải tỏa. Vị trí chưa cố định nên chưa thể dựng chốt đàng hoàng. Chúng tôi sẽ đề xuất chính quyền có hướng hỗ trợ phương tiện,vật chất để lực lượng này làm việc tốt hơn vào mùa mưa bão. Với CDP Khu vực 5, anh Phụng cho hay, sắp tới, chốt sẽ được di dời sang vị trí khác thuận lợi hơn.

“Anh em làm bằng cơm nhà, áo vợ vì cái chung của phong trào. Mức hỗ trợ lực lượng dân phòng hiện chỉ đủ mua chai nước, thùng mì cho vui chứ trung bình mỗi người nhận 50 nghìn đồng/tháng thì có đáng là bao. Vật chất không có, nên động lực để anh em gắn bó là sự nhiệt tình và quan tâm của lãnh đạo cấp trên”, một người từng nhiều năm tham gia lực lượng dân phòng nói.

 
Bài và ảnh: Thu Hoa
;
.
.
.
.
.