Cán bộ, nhân dân xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang đang rất lo ngại trước tình trạng cầu treo bắc qua sông Cu Đê, niềm tự hào và là biểu tượng về phát triển cơ sở hạ tầng ở xã miền núi này bị xuống cấp nghiêm trọng. Hiện tại, 2 trụ tháp đã hư hỏng, các dầm ngang, dọc có dấu hiệu không bảo đảm an toàn, đường dẫn 2 đầu cầu bị lún sụt.
Công ty Quản lý cầu đường Đà Nẵng vừa lập trạm chốt kiểm tra giám sát tải trọng xe cộ lưu thông qua cầu theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”. Chính quyền, nhân dân địa phương cho rằng, thời gian gần đây do xây dựng Khu tái định cư ở thôn Nam Yên và Trung tâm 05-06 ở thôn Lộc Mỹ, lưu lượng xe cộ qua cầu lớn, trong đó có cả xe vượt tải trọng cho phép, ảnh hưởng không nhỏ đến sự an toàn cầu, song nguyên nhân cơ bản vẫn là chất lượng cầu không bảo đảm yêu cầu đặt ra. Mới hơn 8 năm đưa vào sử dụng, vốn đầu tư 4,5 tỷ đồng, cầu treo Hòa Bắc xuống cấp, quả là chất lượng công trình rất đáng lo ngại.
Bị xuống cấp nghiêm trọng, song dẫu sao cầu treo Hòa Bắc chưa bị đứt nhịp dẫn tới cắt đứt hoàn toàn việc lưu thông như cầu Đen trên tỉnh lộ 610B ở Quảng Nam. Chiều 3-12 vừa qua, sau hơn 9 năm đưa vào sử dụng, chiếc cầu có kết cấu bê-tông cốt thép vĩnh cửu này, 2 nhịp đã đổ sụp xuống lòng sông. Lún sụt trụ móng đỡ dầm cầu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Cầu gãy, con đường huyết mạch nối 3 xã vùng Gò Nổi đến quốc lộ 1A bị cắt đứt hoàn toàn. Nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa lớn, ngày nối ngày, từ tờ mờ sáng đến tối mịt, thậm chí cả đêm khuya, tại bến sông sát chân cầu này những chuyến đò ngang đầy ắp người, xe cộ, hàng hóa rời bến trong nỗi lo âu về an toàn tính mạng của biết bao người.
Ở Đà Nẵng, không ít công trình hư hỏng gây nên tổn thất không nhỏ cho ngân sách và đời sống xã hội, nguyên nhân chủ yếu vẫn do chất lượng công trình không bảo đảm yêu cầu thiết kế. Bể chứa nước thải tại Trung tâm Xử lý chất thải của Khu Công nghiệp Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng bị vỡ toác chỉ 2 ngày sau khi đưa vào vận hành là một ví dụ. Trước đó, kè bờ biển dọc đường Nguyễn Tất Thành bị sóng trong bão số 9 năm ngoái đánh gãy tơi tả. Đa số chung cư vừa đưa vào sử dụng thời gian ngắn là xuống cấp.
Nghiêm trọng nhất là hệ thống giao thông. Hầu như tuyến đường nào cũng hư hỏng nhanh hơn so thiết kế. Đường 601 ngược Hòa Bắc mới nâng cấp, thâm nhập nhựa năm 2007, nay đã bong tróc, tạo vô số ổ gà, ổ trâu trên toàn tuyến. Đường tránh nam Hải Vân vừa đưa vào sử dụng vài ba năm, nay đã phải gia cố nhiều đoạn. Đường 602 ngược Bà Nà, vừa thảm nhựa cách đây 9 tháng, nay nhiều đoạn đã rạn nứt... Giao thông nông thôn, kiệt hẻm càng tệ hơn. Xe cộ lưu thông trên các tuyến đường này cứ như phi ngựa, bởi lớp bê-tông trên cùng đã bong tróc, trơ lớp đá sỏi nham nhở.
Ai cũng biết rằng, một công trình hoàn thành đưa vào sử dụng phải trải qua rất nhiều công đoạn, do nhiều đơn vị chịu trách nhiệm. Trước hết là khảo sát, tiếp đến là thiết kế. Các khâu này, không thể bỏ qua các yếu tố về địa chất, môi trường, khí hậu, thủy văn... Sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thiết kế, đơn vị thi công được chọn, đa số qua đấu thầu. Quá trình thi công có sự giám sát của chủ đầu tư và đơn vị tư vấn giám sát. Thế nhưng, rất ít công trình bảo đảm độ bền vững theo yêu cầu đặt ra.
Nguyên nhân chủ yếu do đơn vị thi công bớt xén nguyên vật liệu, làm dối, làm ẩu, giám sát thi công không đến nơi đến chốn, thậm chí đồng lõa với kiểu làm dối, làm ẩu để trục lợi; chạy đua với tiến độ, coi nhẹ đến chất lượng. Thiệt hại nặng nhất từ các công trình xuống cấp hư hỏng này là Nhà nước và nhân dân. Nhà nước phải đầu tư thêm kinh phí để khắc phục, sửa chữa. Nhân dân gánh chịu biết bao nỗi khổ sở thiệt thòi, thậm chí thiệt hại về tài sản, tính mạng do công trình hư hỏng gây nên.
Thực tế khá phổ biến đó là, cho dù công trình bị xuống cấp, hư hỏng do chất lượng không bảo đảm gây nên nhưng rất ít cá nhân, tập thể phải chịu trách nhiệm về những tổn thất do chính họ gây ra. Không thể để những kẻ làm dối làm ẩu, ăn cắp nguyên vật liệu, trục lợi từ các công trình công cộng trốn tránh trách nhiệm. Dư luận đòi hỏi cần phải đổi mới trong việc giám sát, kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình đến nơi đến chốn và quy trách nhiệm cụ thể khi công trình bị xuống cấp, hư hỏng. Có như vậy, ngân sách Nhà nước mới không bị thất thoát, lãng phí từ thói vô trách nhiệm của một số người gây nên và nhân dân mới đỡ khổ sở, thiệt thòi.
Nguyễn Cầu