.

Cuộc sống mới, cơ hội mới

.
Sau các lớp dạy nấu ăn, sẽ còn nhiều hình thức hỗ trợ khác giúp chị em phụ nữ ở khu vực di dời giải tỏa phường Hòa Xuân sớm ổn định cuộc sống. Đó là lời khẳng định của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) quận Cẩm Lệ.
 
Muốn học nâng cao hơn nữa
 
Mô tả ảnh.
Phụ nữ Hòa Xuân trong buổi học nấu ăn.
 
Thêm một lớp học nấu ăn nữa vừa kết thúc, như vậy tại Hòa Xuân đã có 140 chị từ độ tuổi 35 trở lên thuộc khu vực di dời giải tỏa được học nghề. Nếu trước đây chị em hằng ngày làm nông và đợi lúc nông nhàn để làm những công việc thời vụ, thì đến Hòa Xuân thời điểm này, mọi người sẽ cảm nhận một không khí khác. Các chị tất bật đi học để chuẩn bị chuyển đổi ngành nghề.

Chị Tôn Nữ Ngọc Lệ vừa làm nông vừa nhận giữ trẻ tại gia đình, bây giờ cũng hăng hái tham gia các lớp học nghề do Trung tâm Dịch vụ việc làm phụ nữ thành phố phối hợp với Hội LHPN quận tổ chức. Chị Lệ cho biết: “Có thể một trong số chúng tôi không biến những bài học này thành công việc cụ thể, nhưng học thêm nghề nào vẫn tốt nghề nấy”. Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Tình ngoài việc học nấu ăn còn mong muốn học thêm nhiều nghề khác bởi lý do: “Nếu mình không áp dụng được nghề này, còn nghề khác “lận lưng”.

Hầu hết các chị đều tỏ ra hào hứng với những ngày cắp vở đến lớp. Có lẽ đã lâu lắm rồi các chị mới trở lại thời đi học nên tỏ ra hồi hộp, rộn ràng với bạn bè và thầy cô. Không chỉ được miễn học phí, có “học bổng” (100 nghìn đồng/người), được cung cấp nhiều tài liệu liên quan, các chị tham gia lớp học còn có dịp đi thực tế tại những quán ăn, nhà hàng trong thành phố để học hỏi kinh nghiệm.
Với những gì đã học tập thời gian qua, các chị cho rằng vẫn chưa thực sự khiến họ tự tin để mở quán ăn lớn hay nhà hàng sang trọng, nhưng vừa đủ để kiếm sống qua ngày với một cửa hàng nhỏ ngay tại khu phố, vì vậy, nhiều chị em vẫn muốn học nâng cao hơn nữa...

Cuộc sống mới,cơ hội mới

Hiện tại Hòa Xuân có 2.950 hội viên phụ nữ, trong đó có 1.140 chị em ở độ tuổi từ 35-40. Đây là những đối tượng được đặc biệt lưu ý trong việc chuyển đổi ngành nghề, bởi gần như các chị không có “cửa” để vào các khu công nghiệp vì đã quá tuổi. Tuy vậy, số lượng chị em đã được học nghề để tự xây dựng mô hình phát triển kinh tế vẫn còn khiêm tốn. Theo bà Phạm Thị Nhàn, Chủ tịch Hội LHPN quận Cẩm Lệ, việc mở lớp dạy nấu ăn chỉ là giải pháp trước mắt, đợi các chị ổn định chỗ ở, Hội sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục hỗ trợ họ. Bà Nhàn cho biết, với những người cần vốn làm ăn, Hội sẽ khảo sát đáp ứng vốn vay.
 
Với những đối tượng phụ nữ trẻ tuổi thì không chỉ học nghề nấu ăn mà nhiều ngành nghề khác cũng sẽ được tổ chức tại địa phương, nhằm giúp chị em có thêm sự lựa chọn công việc thích hợp. “Chúng tôi tin tưởng trong thời gian tới, khi chỗ ở đã ổn định, cuộc sống của các chị theo đó cũng sẽ khấm khá hơn”, bà Nhàn cho biết.

Bài và ảnh: THU HOA
;
.
.
.
.
.