(ĐNĐT) - Vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường, giá cả gia tăng... là những vấn đề cử tri bức xúc đã được các đại biểu đưa ra tại phiên chất vấn HĐND thành phố.
ĐB HĐND thành phố chất vấn tại hội trường ngày 3-12 (Ảnh: M.H) |
Ngày 3-12, kỳ họp thứ 17, HĐND thành phố khóa VII tiếp tục với phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Trước giờ chất vấn, 11 đại biểu (ĐB) đã gửi về Thường trực HĐND thành phố 26 phiếu chất vấn với 37 ý kiến chất vấn. Các ý kiến chất vấn chủ yếu tập trung vào các vấn đề chưa kiểm soát, kiềm chế có hiệu quả việc tăng giá các mặt hàng tiêu dùng, giá thuốc tây, dịch sốt xuất huyết, ô nhiễm ở các khu công nghiệp kéo dài, quy hoạch treo, quản lý đối tượng nghiện ma túy có HIV và Game online.
Báo cáo nhiều nhưng không thấy trách nhiệm ở đâu
Trả lời chất vấn của các ĐB Nguyễn Thị Thu Hương về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), Giám đốc Sở Y tế Đặng Hùng Chiến, nêu ra hàng loạt biện pháp tổ chức kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm; đã xử phạt tiền 820 cơ sở vi phạm với số tiền 207 triệu đồng. Hiện nay, Sở đã cấp chứng nhận cho 92% cơ sở chế biến trên địa bàn thành phố.
Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh so sánh số tiền xử phạt với số lượng cơ sở chế biến thực phẩm vi phạm ATVSTP, tính ra mức phạt chỉ khoảng 252 ngàn đồng/cơ sở. Điều này cho thấy việc xử lý vi phạm về ATVSTP vẫn giơ cao đánh khẽ, công tác kiểm tra, giám sát vẫn qua loa đại khái.
Trả lời chất vấn của ĐB Đoàn Võ Kim Ánh về biện pháp kiểm soát giá thuốc tây đang tăng vọt gây khó khăn cho bệnh nhân nghèo, ông Chiến cho biết, tất cả thuốc trong hệ thống bệnh viện công đều được kiểm soát, giá có tăng nhưng ổn định. Theo ông Chiến, có loại thuốc tăng 4% nhưng cũng có loại biệt dược tăng đến 150%.
Ông Nguyễn Bá Thanh không đồng tình với cách lý giải lấy loại thuốc tăng giá ít để bù trừ vào loại tăng giá đến hơn 100% mà cho rằng giá thuốc tây ổn định. Chính loại thuốc tăng giá cao nhất là loại cần kiểm soát. Trách nhiệm của ngành y tế không chỉ quản lý các cơ sở y tế, cơ sở kinh doanh dược phẩm của nhà nước mà cả khu vực tư nhân.
Trả lời ĐB Ánh về nguyên nhân dịch sốt xuất huyết năm 2010 bùng phát, ông Chiến tiếp tục báo cáo các biện pháp phòng, chống dịch đã triển khai. Nguyên nhân bùng phát dịch là thời tiết thất thường, năm nay là đỉnh điểm của chu kỳ bùng phát dịch. Bên cạnh đó là do thành phố đang chỉnh trang đô thị(?!).
Không hài lòng với câu trả lời, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh nhận xét: Chỉnh trang đô thị, thành phố làm đã hơn 10 năm nay rồi, không thể nói thành phố đang chỉnh trang đô thị là một trong những nguyên nhân gây bùng phát dịch sốt xuất huyết. Sở Y tế báo cáo nhiều nhưng chẳng thấy trách nhiệm của sở ở đâu.
Trả lời ý kiến chất vấn của các ĐB HĐND thành phố về quản lý Game online, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Phạm Kim Sơn cho biết, cùng với chế tài cắt đường truyền, Sở sẽ phạt tiền cao hơn mức quy định của Bộ nếu HĐND thành phố ra nghị quyết về mức phạt. Mức phạt quy định cao nhất hiện nay chỉ đến 4 triệu đồng. |
Trong phần trả lời ý kiến chất vấn về giải pháp bình ổn giá cả hàng hóa, Giám đốc Sở Công thương Phan Văn Kha nêu 5 nguyên nhân khiến giá tiêu dùng tăng và các biện pháp bình ổn giá của Sở cũng như kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp dự trữ hàng phục vụ tết. Tuy nhiên, giải pháp chủ yếu để kiềm chế tăng giá của Sở là kiểm tra việc niêm yết giá công khai. Ông Kha cho rằng, cứ mỗi tuần doanh nghiệp tăng giá từ 5-7% thì không có lý gì mà phạt họ. "Sở cũng xót xa cho dân khi thấy giá cả tăng nhưng đã làm hết trách nhiệm rồi", ông Kha nói.
Không phục cách trả lời của ông Kha, ĐB Nguyễn Hoàng Sơn cho rằng, hiện nay dân vẫn rất bức xúc vì giá cả tiêu dùng tăng cao gấp nhiều nhiều lần tỷ lệ tăng giá vàng. Như vậy, trách nhiệm của Sở Công thương là kiểm soát, kiềm chế không để giá tăng bất hợp lý. Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh đồng tình: Sở Công thương làm chưa hết trách nhiệm. Kiểm soát giá không chỉ kiểm tra việc niêm yết giá mà phải xem doanh nghiệp, hộ kinh doanh tăng giá bất hợp lý để yêu cầu điều chỉnh lại. Khi cần thiết có thể đề nghị UBND thành phố tăng thuế đối với các doanh nghiệp tăng giá bất hợp lý.
Ô nhiễm môi trường vẫn bức xúc
Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) nhận được 10 ý kiến chất vấn xoay quan vấn đề ô nhiễm môi trường vẫn chưa giải quyết triệt để, gây bức xúc cho nhân dân. Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Điểu cho biết, hiện vẫn còn 38 doanh nghiệp xả chất thải chưa được đấu nối với hệ thống thu gom xử lý của Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh. Tại KCN Liên Chiểu, hệ thống xử lý chất thải tập trung đang triển khai xây dựng.
ĐB Nguyễn Quang Nga: Doanh nghiệp phải đền bù theo lợi nhuận nông dân thu được trên mỗi ha ruộng trong thời gian 4 năm bị ô nhiễm nước thải. |
Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Quang Nga, ông Điểu cho biết, các hộ dân ở thôn Trung Sơn (xã Hòa Liên) và khu vực Hồng Phước (phường Hòa Khánh Bắc) có 12 ha đất nông nghiệp bị ô nhiễm do nước thải KCN Hòa Khánh đã được các doanh nghiệp hỗ trợ 100 triệu đồng. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Quang Nga không đồng tình doanh nghiệp chỉ hỗ trợ mà phải đền bù theo lợi nhuận nông dân thu được trên mỗi ha ruộng trong thời gian 4 năm bị ô nhiễm nước thải.
ĐB Trương Phước Ánh chất vấn việc nhân dân ở thôn Vân Dương 2 (xã Hòa Liên) rất bức xúc vì tiếng ồn, bụi, khói thải của Công ty cổ phần thép DANA-Ý, Công ty cổ phần thép Thái Bình Dương và các doanh nghiệp sản xuất thép quanh đó. Ông Điểu cho biết, Sở đã kiểm tra, quan trắc khí thải của Công ty cổ phần thép DANA-Ý đạt yêu cầu. ĐB Ánh không đồng tình vì "chỉ nhìn bằng mắt thường đã thấy ô nhiễm nặng. Người dân chỉ đem con nhỏ về vào giờ ăn rồi đem gửi nơi khác. Sở đánh giá đạt yêu cầu về khí thải nhưng dân vẫn không chịu nổi ô nhiễm không khí".
Trả lời chất vấn của các ĐB HĐND thành phố về việc giá đền bù đất nông nghiệp 35 ngàn đồng/m² thấp, trong khi mọi thứ đều tăng giá, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương cho biết, mức đền bù này thực hiện theo đúng tinh thần Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13-8-2009 của Chính phủ. Ngoài ra, thành phố còn hỗ trợ ổn định đời sống, chuyển đổi ngành nghề.
Về ý kiến người dân nợ tiền đất quy ra vàng lo lắng vì vàng tăng giá, ông Khương cho biết, thành phố đã có chính sách giảm 40% nợ quy vàng cho các hộ nhận đất tái định cư trước 31-12-2005, đồng thời giảm thêm 2% cho mỗi năm trả trước hạn. Giảm 10% cho hộ nhận đất tái định cư từ 1-1-2006. Mới đây nhất, thành phố cũng gia hạn thời gian nợ từ 10 năm lên 15 năm. Về việc các hộ dân ở tổ 44 phường Thuận Phước bị quy hoạch treo từ năm 1999, UBND thành phố đã giao quy hoạch để bố trí tái định cư cho các hộ này nhưng hiện chưa đủ đất bố trí. UBND thành phố đã giao các ngành lập phương án triển khai bố trí tái định cư cho các hộ vào đầu quý 1-2011.
Sơn Trung-Mỹ Hạnh