Trả lời phỏng vấn Báo Đà Nẵng về công tác xử lý ô nhiễm môi trường tại các điểm “nóng” trên địa bàn thành phố, ông Nguyễn Điểu (ảnh), Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho biết: “Nhìn lại kết quả trong 2 năm thực hiện giai đoạn một của Đề án xây dựng “Đà Nẵng -Thành phố môi trường”, đến thời điểm này, chúng tôi có thể khẳng định, những điểm ô nhiễm tồn tại dai dẳng hiện đã được xử lý tốt”.
* P.V: Cụ thể là những điểm nào, thưa ông?
- Ông Nguyễn Điểu: Đối với khu vực Âu thuyền Thọ Quang, đến nay Trạm xử lý nước thải tập trung (XLNTTT) ở khu công nghiệp (KCN) Dịch vụ thủy sản đã cơ bản hoàn thành, đã có 12/17 cơ sở thực hiện đấu nối vào Trạm XLNTTT, 4 cơ sở không có nước thải và 1 cơ sở chưa thể đấu nối do hệ thống thu gom chưa hoàn chỉnh. Lượng nước thải được thu gom và xử lý trung bình khoảng 1.000 - 1.200m3/ngày đêm. Ngoài ra, Sở đã chỉ đạo các đơn vị phun chế phẩm enchoice tại các cửa cổng xả nước thải, cầu cảng… ở khu vực Âu thuyền Thọ Quang, đồng thời tiến hành bơm bùn thải từ khu vực Âu thuyền Thọ Quang ra gần chân cầu Mân Quang để giảm mùi hôi tại khu vực này.
Đối với khu vực bãi rác Khánh Sơn, đã đầu tư hoàn chỉnh và đưa vào vận hành lò đốt công suất 200kg/giờ, bảo đảm tiêu hủy nhanh và triệt để toàn bộ lượng chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh từ các bệnh viện. Bên cạnh đó, hệ thống xử lý nước rỉ rác do Công ty TNHH Khoa học - Công nghệ và Môi trường Quốc Việt đầu tư đã đưa vào hoạt động từ tháng 4-2010, công suất 1.000m3/ngày đêm. Đến nay, lượng nước rỉ rác được xử lý gần 90.000m3, trung bình khoảng 350m3/ngày đêm, qua kiểm tra, nguồn nước rỉ rác được xử lý đạt tiêu chuẩn cho phép trước khi thải ra bên ngoài.
Việc xử lý nước thải từ các cống tại bãi biển Mỹ Khê, đường Hoàng Sa-Trường Sa, Sở đã tăng cường thanh tra, kiểm tra và yêu cầu xây dựng, đưa vào vận hành hệ thống thu gom, xử lý nước thải các nhà hàng cuối tuyến đường Phạm Văn Đồng trước khi thải vào cống chung. Hoàn thành đầu tư xây dựng cống và trạm bơm để bơm nước thải về trạm bơm SPS3 Mỹ Khê và bàn giao Công ty Môi trường đô thị vận hành trạm bơm từ cuối năm 2008, toàn bộ nước thải được thu gom và đưa về xử lý tại Trạm xử lý nước thải Ngũ Hành Sơn. Hiện tại, các hệ thống này hoạt động ổn định, mùi hôi và nước thải khu vực này được xử lý triệt để.
* P.V: Vậy việc xử lý nước thải ở các KCN thì sao, thưa ông?
Đoàn viên thanh niên Đà Nẵng ra quân dọn vệ sinh môi trường tại khu vực Âu thuyền Thọ Quang.Ảnh: TRỌNG HÙNG |
- Ông Nguyễn Điểu: Với tổng diện tích gần 1.400ha, 6 KCN trên địa bàn Đà Nẵng (không tính KCN Công nghệ cao) về cơ bản đã được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật như: điện, nước, giao thông, thông tin… và hiện 2 KCN đã được lấp đầy các dự án đầu tư. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài ở một số KCN trong thời gian qua, một phần là do không ít doanh nghiệp chưa chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường, mặt khác, một số KCN chưa có Trạm XLNTTT. Hiện chỉ 2 KCN có Trạm XLNTTT, một KCN đang xây dựng và còn lại vẫn đổ chất thải trực tiếp ra môi trường.
Trong thời gian tới, sở sẽ yêu cầu tất cả các đơn vị hoạt động tại KCN Hòa Khánh phải thực hiện việc đấu nối hệ thống xử lý nước thải đến trạm xử lý. Đối với KCN Thanh Vinh mở rộng, hiện có 14 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng lượng nước thải khoảng 360m3/ngày đêm, đã xây dựng xong hệ thống thu gom nước thải và đang chờ đấu nối vào Trạm XLNTTT của KCN Hòa Khánh. Về KCN Hòa Khánh mở rộng, Công ty TNHH Nhà nước MTV Môi trường đô thị Hà Nội đang lập dự án đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải để trình UBND thành phố phê duyệt. Còn KCN Liên Chiểu, hiện Công ty TNHH Khoa học - Công nghệ và Môi trường Quốc Việt đang triển khai xây dựng Trạm XLNTTT, theo dự kiến sẽ hoàn thành trong cuối năm nay.
* P.V: Vậy trong năm 2010, các điểm “nóng” ô nhiễm môi trường liệu có được xử lý triệt để?
- Ông Nguyễn Điểu: Thực hiện Đề án xây dựng “Đà Nẵng - Thành phố môi trường”, theo đó mục tiêu đến năm hết 2010 sẽ giải quyết dứt điểm những điểm “nóng” về ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố, nên từ giữa năm 2008 đến nay, Sở TN-MT đã chủ trì phối hợp với các ngành, địa phương triển khai xử lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các điểm nóng trên địa bàn. Và đến thời điểm này, chúng tôi có thể khẳng định rằng, những điểm “nóng” về ô nhiễm cơ bản đã được xử lý khá tốt. Tuy nhiên, hiện một số KCN trên địa bàn vẫn xảy ra tình trạng xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, gây ô nhiễm cho các vùng lân cận. Để xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường tại các KCN, song song việc kiểm tra, rà soát và yêu cầu các doanh nghiệp chấp hành thực hiện tốt việc xử lý nước thải, thành phố cũng đang triển khai dự án quản lý Nhà nước về môi trường cấp tỉnh (VPEG) giai đoạn 2009-2013 do Canada tài trợ.
Và theo dự kiến, đến tháng 12-2010, các KCN tập trung phải hoàn thiện đấu nối và đưa vào vận hành hệ thống xử lý chất thải, các doanh nghiệp bên ngoài KCN phải hoàn tất hệ thống xử lý môi trường đạt quy chuẩn Việt Nam. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần phải đôn đốc các doanh nghiệp đầu tư giảm thiểu ô nhiễm khí thải và đưa các hệ thống xử lý nước thải đi vào vận hành từ tháng 12-2010.
* P.V: Xin cảm ơn ông!
Trọng Hùng (Thực hiện)