.

Quảng Nam: Cầu Đen gãy, dân khốn đốn

.

(ĐNĐT) - Chiều 3-12, cầu Đen trên tuyến ĐT610B – tuyến độc đạo nối Quốc lộ 1A với 3 xã Gò Nổi của huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam bị gãy và đổ ập xuống sông sau khi vừa được cho thông tuyến tạm thời. Cầu gãy không chỉ chia cắt 3 xã Điện Trung, Điện Phong và Điện Quang với bên ngoài mà còn khiến giá cả các mặt hàng thiết yếu nơi đây trở nên đắt đỏ. 

Cau den 9.jpg

Cầu Đen gãy, đổ sụp xuống sông


Cầu gãy… giá tăng

Như ĐNĐT ngày 16-11 đã đưa tin, cầu Đen nối 3 xã Gò Nổi với quốc lộ 1A bị sụt nhịp và nứt mặt cầu do lũ làm hỏng chân cầu. Để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt, Sở Giao thông Vận tải Quảng Nam giao cho Xí nghiệp quản lý đường bộ số 4 lắp dầm bai-ley nối trên cầu cũ để làm cầu tạm. Sáng 3-12, sau một thời gian dài cấm lưu thông, cầu đã chính thức thông trở lại đối với xe máy, xe đạp và người đi bộ. Tuy nhiên, tại điểm nối giữa mặt cầu cũ và cầu tạm quá dốc nên việc đi lại của nhân dân gặp khó và đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông.

Chiều cùng ngày, đơn vị thi công đã cho xe tải đổ 2 xe đá trên mặt cầu để giảm độ dốc thì xảy ra sự cố gãy nhịp, toàn bộ mặt cầu rơi tõm xuống sông. Rất may, khi sự cố gãy cầu xảy ra có nhiều công nhân đang làm trên mặt cầu đã kịp thời chạy thoát.

Tại hiện trường, nhiều trụ cầu bằng bê-tông bị gãy gập, mặt cầu bị đứt và rơi một đầu xuống sông. Sự cố không những cắt đứt giao thông trên tuyến mà còn làm đứt cáp viễn thông, cáp quang và đường ống dẫn nước sinh hoạt. Dọc đường dẫn từ QL1A đến đầu cầu Đen trở thành những bãi tập kết hàng hóa, dọc triền sông bất cứ chỗ nào cũng trở thành bến đò, rất đông người dân chờ đợi và chen chúc xuống đò… 

Cầu Đen gãy, tuyến giao thông độc đạo nối 3 xã Gò Nổi với bên ngoài bị cắt đứt, hàng hóa vào – ra Gò Nổi cũng “đứt” theo. Điều đáng nói, hiện nay 3 xã Gò Nổi đang vào mùa gieo sạ, việc sập cầu Đen khiến 3 xã này thiếu giống, phân bón cũng như những mặt hàng thiết yếu trở nên khan hiếm và tăng giá với mỗi tấn tăng 100 ngàn đồng. Không những thế, cầu Đen gãy đã khiến hàng ngàn người dân, học sinh và công nhân không có đường để đi lại, ách tắc giao thông nghiêm trọng. Hiện có ít nhất 60 xe tải bị mắc kẹt ở 3 xã Gò Nổi.

Thấp thỏm qua sông

Cau den 7.jpg

Cau den 12.jpg

Cầu gãy, người dân Gò Nổi đi lại bằng ghe chèo, ghe máy trong điều kiện thiếu an toàn

Do nhu cầu đi lại của người dân Gò Nổi quá cao, người dân đưa ghe chèo, ghe máy ra đưa khách qua sông trong tình trạng thiếu thốn nghiêm trọng phương tiện bảo hộ. Tại khu vực đầu cầu Đen, hàng chục chiếc ghe chèo hoàn toàn không có áo phao vẫn đưa khách qua lại.

Tại khu vực Bến Sạn, nhiều ghe máy hoạt động vận chuyển người và phương tiện qua lại trong tình trạng thiếu áo phao. Mặc dù có đò máy, ghe chèo nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân nên lúc nào tại các bến đò “giả chiến” cũng đông người chờ đợi.

Ông Phạm Hát, người lái đò máy thuộc HTX thủy bộ Duy Xuyên, cho biết: Ông và 2 đò máy khác phải chạy liên tục từ 4 giờ sáng cho đến 7 giờ đêm nhưng vẫn không chở hết người. Trong giờ cao điểm, khi công nhân đi làm, học sinh đi học… thì đò không còn chỗ để chen. 

Cau den 3.jpg

Giá phân bón tăng cao do chi phí bốc vác và tăng-bo

Trước tình trạng vật giá leo thang, nhất là phân bón tăng cao do chi phí bốc vác và tăng-bo đúng trong thời điểm xuống giống, ông Thân Đức Sửu, Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn, cho biết sẽ nghiên cứu trợ giá vận chuyển phân bón cho dân để đảm bảo mùa vụ. Trước mắt, chính quyền địa phương phối hợp với huyện Duy Xuyên để tăng cường đò máy đưa dân đi lại trong khi chờ khắc phục cầu.

Ông Trương Văn Cận, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Nam, cho biết, trước mắt Sở chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường đò máy đảm bảo an toàn và phương tiện bảo hộ để giải quyết giao thông cho dân. Hiện Sở Giao thông Vận tải Quảng Nam đã tính xong phương án xây dựng cầu tạm để vừa đảm bảo giao thông trên tuyến cũng như giữ an toàn cho các nhịp cầu còn lại. Tuy nhiên, việc xây cầu tạm nhanh nhất cũng mất 1 tháng.

Bài và ảnh: Thanh Tuyền

;
.
.
.
.
.