Như nhiều giáo xứ khác trong Giáo phận Đà Nẵng, trong những ngày này, Ban đại diện giáo xứ Cẩm Lệ đã hoàn tất việc trang trí nhà thờ kịp làm lễ Giáng sinh và đón mừng năm mới 2011. Tiếp chúng tôi, linh mục quản xứ Trần Kim Thượng vui mừng cho biết: Đến Giáng sinh năm 2010, giáo xứ Cẩm Lệ tròn 3 tuổi. Giáo xứ trẻ nhất trong Giáo phận Đà Nẵng đang ngày càng phát triển.
Linh mục Trần Kim Thượng (bên phải) tiếp Đoàn Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố đến thăm nhân dịp Giáng sinh 2010. |
Giáo xứ Cẩm Lệ ở phường Khuê Trung (Cẩm Lệ) được thành lập từ năm 2007 từ một giáo họ sinh hoạt tín ngưỡng trong giáo xứ Cồn Dầu, hiện có 800 giáo dân. Linh mục Trần Kim Thượng cho biết: Được về làm quản xứ giáo sứ Cẩm Lệ là cơ duyên của mình bởi cách đây 51 năm, linh mục là một trong những người đầu tiên tham gia xây dựng nên nhà nguyện của giáo họ này và nay là nhà thờ giáo xứ. Điều này khẳng định cộng đồng Công giáo ngày càng phát triển.
Trở về giáo xứ sau nhiều năm, linh mục rất phấn khởi vì đời sống giáo dân đã thay đổi nhiều, nhất là từ khi thành lập quận Cẩm Lệ đến nay. Những giáo dân xưa kia là nông dân nay đã thành người thành thị. Hơn 50% gia đình giáo dân có mức sống khá trở lên. Hơn chục hộ nghèo còn lại cũng đang được chính quyền hỗ trợ nỗ lực để thoát nghèo. Theo linh mục Thượng, đời sống vật chất, dân trí đã cải thiện nhiều. Đây là điều kiện thuận lợi khi giáo họ trở thành giáo xứ thì việc sinh hoạt tôn giáo đi vào quy củ hơn. Giáo xứ Cẩm Lệ đã ngang hàng với các giáo xứ khác trong giáo phận.
Trưởng thành lên giáo xứ là có những quyền lợi nhất định và đồng thời có trách nhiệm đi kèm. Theo linh mục Thượng, đó là trách nhiệm phải phát huy tinh thần sống “tốt đời, đẹp đạo” trong cộng đồng giáo dân trong toàn giáo xứ. Người Công giáo phải làm tròn hai phận sự đạo và đời. Linh mục cho biết: Trong các buổi giảng đạo tại nhà thờ, linh mục luôn nhắc nhở giáo dân phải chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước, chủ trương của thành phố. Thực hiện đúng tinh thần Thư Chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 1980: “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”.
Linh mục đã yêu cầu đối với giáo dân: Ai phát hiện đối tượng phạm tội thì phải báo với chính quyền. Nếu ngại thì báo với linh mục để ông báo chính quyền xử lý. Linh mục Thượng có một quy định đối với giáo dân rằng: Thứ nhất, ông sẽ không tiến hành nghi thức xức dầu và không cho phép cử hành lễ tại nhà thờ trước khi đưa đi an táng đối với giáo dân nào chết vì đánh nhau, mắc tệ nạn xã hội. Thứ hai, linh mục sẽ không đến thăm nhà nếu giáo dân nào tổ chức ăn uống đình đám, mời đông người sau tang lễ. Tổ chức ăn uống linh đình sau đám tang là hủ tục, làm cho những gia đình giáo dân nghèo có người chết càng nghèo hơn vì phải đi vay mượn để đãi khách.
Linh mục Thượng cho biết khi còn làm quản xứ giáo xứ An Ngãi ở xã Hòa Sơn (Hòa Vang), linh mục đã từ chối không thực hiện nghi lễ tôn giáo cho một giáo dân gây gổ đánh nhau và bị đâm chết. Mặc dù gia đình đến xin tha thứ và cả chính quyền cũng động lòng mà vận động ông bỏ qua nhưng ông kiên quyết giữ đúng nguyên tắc của mình. Từ đó, trong giáo xứ không còn xảy ra việc tương tự. Mỗi lần thuyên chuyển đến làm quản xứ ở bất cứ giáo xứ nào ông cũng áp dụng quy định này. Việc không được linh mục quản xứ làm lễ sau khi chết là một sự trừng phạt nặng đối với người Công giáo. Phải tuân thủ cả pháp luật và giáo luật là trách nhiệm song hành đối với đạo và đời của người Công giáo.
Mới đây theo quy hoạch của thành phố, một phần diện tích của nhà thờ phải giải tỏa để mở rộng đường. Khi tiếp nhận chủ trương của thành phố, linh mục và Ban đại diện giáo xứ đồng tình và thực hiện ngay. Lãnh đạo thành phố đã quan tâm bố trí mở rộng thêm diện tích đất của nhà thờ. Linh mục cho biết, diện tích cũ của nhà thờ chỉ có 774 m² nay tăng lên 917m². Như vậy đường được mở rộng, diện tích khuôn viên nhà thờ cũng được mở rộng hơn. “Đường đẹp, khuôn viên nhà thờ rộng hơn, chủ trương của thành phố được bà con lương-giáo ở đây đều rất đồng tình. Mình chấp hành tốt thì chính quyền sẽ quan tâm tạo điều kiện thuận lợi”, linh mục nói.
Bài và ảnh: Đoàn Sơn