.
KHAI MẠC TRỌNG THỂ ĐẠI HỘI LẦN THỨ XI CỦA ĐẢNG

Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới

.
Sáng ngày 12-1, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chính thức khai mạc trọng thể với chủ đề “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Mô tả ảnh.
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đọc Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về các văn kiện trình Đại hội XI. ẢNh:TTXVN
Đến dự phiên khai mạc, có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đồng chí nguyên Tổng Bí thư: Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu; nguyên Chủ tịch nước: Lê Đức Anh, Trần Đức Lương; nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cùng các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; các đại biểu lão thành cách mạng; đại diện Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhân sĩ, trí thức tiêu biểu, đại diện thế hệ trẻ Việt Nam, đại diện các tôn giáo; đại diện ngoại giao các nước và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam và 1.377 đảng viên tiêu biểu đại diện cho hơn 3,6 triệu đảng viên cả nước.

Đại hội đã nhận được 121 điện mừng của 103 đảng cánh tả, đảng cầm quyền, các đảng khác và 14 tổ chức của 69 nước trên toàn thế giới. Thay mặt Đoàn Chủ tịch Đại hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn tình cảm, sự hợp tác hữu nghị của các đảng và tổ chức đối với Đảng Cộng sản Việt Nam và cho rằng, đây là biểu hiện sinh động về quan hệ quốc tế của Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng thời khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam sẵn sàng mở rộng quan hệ với các chính đảng, đảng cánh tả và các đảng khác, các phong trào cách mạng và tiến bộ vì tình hữu nghị và hợp tác cùng phát triển.

Tại phiên khai mạc, thay mặt Đoàn Chủ tịch Đại hội, đồng chí Nguyễn Minh Triết, Ủy viên Bộ Chính trị khóa X, Chủ tịch nước đọc diễn văn khai mạc Đại hội. Diễn văn nhấn mạnh: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng có trách nhiệm lịch sử to lớn trước toàn dân tộc. Đại hội có trách nhiệm kiểm điểm, đánh giá khách quan, toàn diện những thành tựu và yếu kém, khuyết điểm, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm qua việc thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2006-2010), tổng kết Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2001-2010) và 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
 
Trên cơ sở đó, Đại hội quyết định việc bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991; xác định Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2011-2020); đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm (2011-2015)”. Về xây dựng Đảng, Đại hội có trọng trách kiểm điểm sâu sắc, toàn diện công tác xây dựng Đảng và sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X; xác định phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Đảng trong thời kỳ mới; bổ sung, sửa đổi một số điểm trong Điều lệ Đảng; bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI gồm những đồng chí thực sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, năng lực lãnh đạo, bản lĩnh và trí tuệ đủ sức đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới, đủ sức lãnh đạo hoàn thành những nhiệm vụ to lớn, nặng nề trong những năm tới.

Sau tuyên bố khai mạc của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, đồng chí Đào Văn Bình, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã dẫn đầu đoàn cán bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang, thiếu nhi và thay mặt đồng bào Thủ đô phát biểu chào mừng, bày tỏ quyết tâm thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, xây dựng Thủ đô văn hiến, hòa bình ngày càng văn minh, giàu đẹp, xứng đáng là trái tim của Tổ quốc.

Mô tả ảnh.
Đoàn Chủ tịch Đại hội. Ảnh:TTXVN
 
Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trình bày những nội dung chủ yếu các văn kiện của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X trình Đại hội XI của Đảng gồm: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020; Báo cáo chính trị; Báo cáo một số vấn đề bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng. Tại Báo cáo chính trị, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khẳng định: 5 năm qua, toàn Đảng, toàn dân ta đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội X đề ra.
 
Nền kinh tế vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, cơ bản giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa và các lĩnh vực xã hội có tiến bộ; bảo vệ tài nguyên, môi trường được chú trọng hơn; đời sống các tầng lớp nhân dân được cải thiện; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế được mở rộng, vị thế, uy tín quốc tế của nước ta được nâng cao; phát huy dân chủ có tiến bộ, khối đại đoàn kết dân tộc tiếp tục được củng cố; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được đẩy mạnh, hiệu lực, hiệu quả hoạt động được nâng lên; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được tăng cường, đạt một số kết quả tích cực.
 
Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đạt được một số kết quả bước đầu. Mặc dù còn một số hạn chế, yếu kém, nhưng những thành quả của 5 năm qua đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001 - 2010 và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong 20 năm qua. Mười năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010 đạt được những thành tựu to lớn, rất quan trọng với kinh tế tăng trưởng nhanh, đạt tốc độ bình quân 7,2%/năm; cơ cấu chuyển dịch tích cực; thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được hoàn thiện. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2010 theo giá thực tế gấp 3,4 lần so với năm 2000; thu ngân sách, kim ngạch xuất khẩu tăng gấp 5 lần so với năm 2000; GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 1.168 USD. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt thành tựu quan trọng trên nhiều mặt, chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh. Sau 20 năm thực hiện Cương lĩnh, Đảng và đất nước ta đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Về thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta, mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta được xác định là “xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”. Từ nay đến giữa thế kỷ thứ XXI, toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. 8 phương hướng cơ bản trên tất cả các lĩnh vực đã được xây dựng nhằm thực hiện tốt mục tiêu tổng quát đề ra. “So với Cương lĩnh năm 1991, Dự thảo Cương lĩnh lần này đã bổ sung, phát triển nhiều nội dung quan trọng về những định hướng lớn phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, về hệ thống chính trị và vai trò lãnh đạo của Đảng”- Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 được xác định là Chiến lược tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nhanh, bền vững; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, xây dựng nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo định hướng xã hội chủ nghĩa. 5 quan điểm phát triển cũng đã được đề ra là: Phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong Chiến lược. Đổi mới đồng bộ, phù hợp về kinh tế và chính trị vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Mở rộng dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển.
 
Phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất với trình độ khoa học, công nghệ ngày càng cao đồng thời hoàn thiện quan hệ sản xuất và thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Kiên trì xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là : Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị - xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương, đồng thuận; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau.

Mục tiêu tổng quát trong 5 năm tới (2011-2015) là: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát triển kinh tế nhanh, bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Báo cáo do Tổng Bí thư trình bày đã đề cập đến nội dung: Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã nhấn mạnh đây là tiền đề quan trọng thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, là một trong ba đột phá chiến lược trong 10 năm tới. Đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh, bền vững; phát triển văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; bảo vệ môi trường; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển; tăng cường quốc phòng-an ninh; mở rộng hoạt động đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế… với những vấn đề, nội dung cụ thể đã được đề cập trong báo cáo chính trị.

Trong nhiệm kỳ 2011-2015, công tác xây dựng Đảng được xác định tập trung vào những nội dung quan trọng là: Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng; nâng cao bản lĩnh chính trị và trình độ trí tuệ của Đảng; tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức, bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị; nâng cao chất lượng đảng viên; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ công tác cán bộ; thực hiện tốt Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, công tác dân vận của Đảng; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Những điểm chủ yếu đề nghị bổ sung, sửa đổi trong Điều lệ Đảng lần này là: Một số vấn đề về tiêu chuẩn đảng viên; giới thiệu người vào Đảng; quy định những điều đảng viên không được làm và quy định việc thí điểm một số chủ trương mới ghi trong Điều lệ; về tính tuổi Đảng; về thành lập TCCS Đảng; về chức năng, nhiệm vụ của Đảng đoàn, ban cán sự Đảng; về nhiệm kỳ của Đại hội Đảng ở những nơi thành lập mới, chia tách, hợp nhất; về thẩm quyền kỷ luật đảng viên và các hình thức kỷ luật trong Đảng; về giải quyết khiếu nại kỷ luật đối với đảng viên, tổ chức Đảng và một số vấn đề liên quan đến tổ chức Đảng, công tác Đảng trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân.

Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng do đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X trình bày, nêu rõ những ưu, khuyết điểm, thiếu sót, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu trong lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong nhiệm kỳ qua. “Đạt được những kết quả trong lãnh đạo, chỉ đạo có nguyên nhân quan trọng là do Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư kiên định, vững vàng về bản lĩnh chính trị, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết, thống nhất, nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm việc theo chương trình và quy chế hoạt động, nhạy bén trước những diễn biến mới của tình hình”, Báo cáo nhấn mạnh. Đồng thời, Báo cáo cũng chỉ rõ nguyên nhân của những thiếu sót, khuyết điểm là do việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đổi mới tổ chức và phong cách làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư còn hạn chế; việc đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo thực hiện chưa tập trung, quyết liệt; trách nhiệm cá nhân trên một số lĩnh vực chưa rõ...

* Chiều cùng ngày, Đại hội thảo luận tại tổ về những nội dung trong văn kiện trình Đại hội lần thứ XI của Đảng và những vấn đề quan trọng khác.

Tin và ảnh: NGUYỄN THÀNH
;
.
.
.
.
.