.

Cùng chồng giữ đảo

.

Lấy chồng là lính hải đảo, nhiều người vợ chấp nhận một cuộc sống xa chồng và nhớ nhung. Tuy nhiên, có những người vợ đã không quản ngại khó khăn gian khổ, vượt trùng khơi ra đảo lập nghiệp, giúp chồng yên tâm công tác, bảo vệ biển đảo quê hương.

Mô tả ảnh.
Vợ chồng anh Phúc và chị Hiệp hạnh phúc bên đứa con gái.
Hai chị em cùng “mê” lính đảo

Đến đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) hỏi về hai chị em Bùi Thị Bích Thuận (35 tuổi) và Bùi Thị Bích Hiệp (30 tuổi), quê xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi thì ai cũng biết. Bởi hai chị em họ cùng có chồng là lính hải quân, công tác tại Trạm ra-đa N50, Vùng C Hải quân.

Chị Bùi Thị Bích Thuận kể: Chị ra đảo Lý Sơn dạy học từ năm 1998. Điều kiện cuộc sống khó khăn, lại xa nhà nên rất buồn. Trong một lần giao lưu văn nghệ với lính đảo, chị đã có dịp làm quen với Trung úy Hoàng Đình Hinh (quê Nghệ An). Năm 2001, anh Hinh và chị Thuận cưới nhau. Một năm sau, đứa con trai của họ ra đời ngay trên đảo trong niềm vui mừng khôn tả .

Thấy chị mình có chồng là lính hải quân, chị Bùi Thị Bích Hiệp cũng sinh “mê” nên muốn kết bạn với bạn của anh rể là Thiếu úy Lê Quang Phúc (quê Thái Bình). Những cuộc gặp gỡ, hẹn hò, những lá thư vượt biển mang hơi ấm tình yêu vào đất liền mà anh Phúc gửi cho chị đã làm rung động trái tim của cô gái trẻ lúc đó chưa đầy 20 tuổi. Năm 2007, cả đơn vị Trạm ra-đa N50 nhận thiệp hồng của anh chị, một tiệc cưới gọn nhẹ được tổ chức tại hai quê nhà. Cả hai chị em làm dâu Trạm ra-đa N50. Trong những lần liên hoan, hội hè tại trạm, hai chị em đã miệt mài phục vụ như dâu mới về nhà chồng. Các chị đã thổi thêm sinh khí cho trạm ra-đa, giúp cho mỗi cán bộ, chiến sĩ (CBCS) yên tâm công tác.

Cùng chồng giữ đảo tiền tiêu

Trạm ra-đa N50 có gần 10 cán bộ lấy vợ tại đảo, hoặc đã đưa vợ từ quê ra đảo lập nghiệp.

Thiếu tá Trạm trưởng Nguyễn Sỹ Vượng là một trong những trường hợp như thế. Quen với chị Vũ Thị Vui từ thời học cấp 3. Sau khi học xong, anh đã nhập ngũ, công tác tại Vùng C Hải quân, mối tình học trò cũng nhạt nhòa theo năm tháng. Cứ tưởng chị Vui đã có chồng, thế mà năm 1998 khi anh ra Hà Nội học thì gặp lại chị. “Tình cũ không rủ cũng đến”, hai người đã nối lại tình xưa và trở thành vợ chồng từ năm 2000. Xa chồng một năm, chị gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, lúc sinh con, anh Vượng không ở bên cạnh, chị Vui cảm thấy buồn, tủi. Bất chấp khó khăn, gian khổ, chị Vui quyết chí theo chồng ra đảo Lý Sơn lập nghiệp. Chị Vui chia sẻ: Tôi đã xem đảo Lý Sơn như quê hương của mình. Dù khó khăn, gian khổ, chúng tôi cũng lập nghiệp ở đây để cùng chồng giữ biển, đảo.

Khác với các CBCS khác, Trung úy Lê Trọng Chung - cán bộ thông tin ra-đa (quê huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) đã lấy vợ là người tại đảo. Anh Chung tâm sự: Thấy anh em lính đảo có vợ con ở xa rất khó khăn, mỗi năm chỉ về quê một vài lần. Lúc vợ con ốm đau chỉ biết nhờ vả người khác. Vì vậy anh đã quyết tâm tìm một người con gái xứ đảo để lập gia đình. Trong một lần giao lưu văn nghệ tại trạm, anh gặp được chị Trần Thị Mai Hương và đem lòng yêu thương. Những lúc rảnh rỗi, anh tìm cách gặp gỡ để hai bên “tìm hiểu”. Cảm mến trước tình cảm của người lính đảo, chị Hương đã gật đầu chấp nhận. Năm 2007, một tiệc cưới nhỏ tổ chức ngay trên đảo Lý Sơn có đông đủ bà con hai họ, bạn bè đến chia vui. Từ ngày lấy vợ, anh càng vững chắc tay súng canh giữ đảo, góp phần cùng đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Đã có hàng chục, thậm chí hàng trăm người lính hải quân đóng trên các đảo đã lấy vợ là những người con gái xứ đảo hoặc chuyển vợ con từ quê nhà ra đảo sinh sống. Sự đồng lòng, chung sức của những đôi vợ chồng ấy đã góp phần giữ vững các vùng biển, đảo của Tổ quốc trong những năm qua…

Bài và ảnh: TRƯỜNG SƠN

;
.
.
.
.
.