Thời gian qua, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn không còn đất sản xuất được triển khai đến từng quận, huyện trên địa bàn thành phố. Nhiều lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề, giới thiệu tìm việc làm, ổn định cuộc sống...
Theo thống kê, thành phố hiện có khoảng 60.000-70.000 lao động thuộc diện mất đất sản xuất, di dời giải tỏa. Để giúp số nông dân này ổn định cuộc sống, nhiều địa phương đã quan tâm đến vấn đề chuyển đổi ngành nghề, tạo việc làm ổn định, phù hợp với kinh tế từng địa phương.
Các lớp đào tạo nghề được luân phiên tổ chức cho những nông dân không còn đất sản xuất. |
Hòa Vang là huyện có đến 40.000 lao động chưa qua đào tạo, lại có số dân thuộc diện di dời giải tỏa nhiều, số lao động chưa có việc làm cùng với số lao động tăng mới và số lao động mất việc phát sinh với nhiều lý do khác nhau, làm cho áp lực việc làm trở thành vấn đề bức xúc cần được tập trung giải quyết trên địa bàn. Thực tế, với những lao động trong độ tuổi từ 18 đến 35, được đào tạo nghề, thì việc giới thiệu, giải quyết việc làm tương đối thuận lợi. Riêng đối với những lao động từ 35 tuổi trở lên, việc giới thiệu việc làm ở các doanh nghiệp rất khó khăn. Do vậy, nhằm giúp những nông dân này sản xuất để ổn định cuộc sống, huyện đã phối hợp với Hội Nông dân thành phố cùng các sở, ban ngành tổ chức các lớp dạy nghề luân phiên về tăng năng suất bằng những mô hình cụ thể, như mô hình trồng rau sạch, chăn nuôi, phát triển kinh tế vườn, trồng hoa, cây cảnh, trồng nấm... bước đầu đã mang lại những hiệu quả đáng kể.
Ông Lê Duy Cửu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hòa Vang cho biết: Một trong ba giải pháp mà Hội triển khai nhằm giúp nông dân là tập huấn chuyển giao kỹ thuật, giới thiệu đào tạo nghề, hỗ trợ vay vốn. Đối với những hộ buôn bán nhỏ ở nông thôn, nếu không có vốn, Hội sẽ vận động và hỗ trợ về vốn. Đối với những hộ nông dân nghèo sẽ hỗ trợ về cây, con giống để họ có thể chuyển đổi ngành nghề, tùy theo điều kiện phát triển của từng vùng.
Nhiều mô hình về trồng hoa, cây cảnh, cơ khí, mây tre, chế biến nông sản, đá trang trí, làm nấm, dịch vụ nông nghiệp… từng bước được nhân rộng trên địa bàn huyện. Nhiều sản phẩm được tham gia hội chợ, tiêu thụ rộng rãi trên địa bàn thành phố… Theo ông Cửu, định hướng năm 2011, Hội sẽ thành lập thí điểm các hợp tác xã, tổ hợp tác về rau, cá… nhằm tiêu thụ sản phẩm của nông dân, tạo chỗ đứng cho các sản phẩm ổn định ở thị trường.
Về hiệu quả của những mô hình tăng năng suất sản xuất, cũng như giải quyết việc làm cho nông dân và tận dụng được thời gian nhàn rỗi của những lao động dư thừa trong gia đình, ông Phạm Đức Cấn, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) cho hay: Hiện phường có 3.800 hộ thuộc diện di dời, giải tỏa, thu hồi đất sản xuất. Do vậy, để người dân ổn định đời sống, tái định cư, chính quyền phường đã tìm ra các hướng dịch vụ thương mại phù hợp với từng lứa tuổi của những gia đình nông dân mất đất sản xuất. Đồng thời phối hợp với Hội Nông dân thành phố, cùng các doanh nghiệp tổ chức các lớp dạy nghề miễn phí như may, hàn, điện dân dụng, công nghiệp… cho những lao động trong độ tuổi từ 18 đến 35. Riêng đối với lao động từ 35 tuổi trở lên, Hội Nông dân phường phối hợp với Hội Nông dân thành phố tổ chức đào tạo nghề trồng hoa, cây cảnh, sản xuất nấm bào ngư, nấm ăn… luân phiên 4 tháng 1 lần để người dân học nghề, chuyển đổi cơ cấu kinh tế.
Đến nay, tuy việc tổ chức sản xuất còn nhỏ lẻ, nhưng người nông dân đã có thể giải quyết được phần nào kinh tế của gia đình, có công ăn việc làm, tuy thu nhập chưa cao nhưng đã tận dụng thời gian của lao động nhàn rỗi trong gia đình tham gia sản xuất.
Anh Phạm Đình Phú, nông dân trong diện giải tỏa cho biết: Nhờ Hội Nông dân quan tâm đào tạo nghề cho những nông dân không còn đất sản xuất, anh đã học nghề trồng hoa, cây cảnh, hằng năm vào dịp Tết, anh đầu tư trồng các loại hoa ly ly, bát tiên, hoa lan… giúp gia đình thu lợi nhuận trên 30 triệu đồng, tạo việc làm cho các con khi rảnh rỗi,…
Với những học viên tham gia các lớp học trồng nấm và sau đó tổ chức sản xuất, hiện thu nhập của họ đạt 2 triệu đến 2,5 triệu đồng/tháng.
Sự phát triển ngành nghề bằng những mô hình tăng năng suất trong nông dân đã góp phần thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nhất là lao động vùng nông nghiệp đã không còn đất sản xuất trong tiến trình đô thị hóa.
Bài và ảnh: Kim Oanh