Với 44,83% đại biểu có mặt (221 đại biểu) không tán thành và chỉ có 177 vị nhấn nút đồng ý (chiếm 35,9%), dự thảo Luật Thủ đô đã không được Quốc hội thông qua tại phiên họp chiều nay (29-3).
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận đọc báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi đại biểu bấm nút. |
Đây cũng không phải là kết quả quá bất ngờ, bởi Luật Thủ đô là dự án luật khá hiếm hoi được tranh cãi khá "căng" đến phút chót với nhiều ý kiến phản biện có sức nặng.
Tại phiên thảo luận gần đây nhất vào chiều 22-3, một số vị đại biểu đã đề nghị chưa vội thông qua dự án luật này vì chất lượng chưa đảm bảo, những vấn đề cơ bản chưa giải quyết được, từ nội dung đến câu chữ đều ngổn ngang.
Khi mục tiêu xây dựng Thủ đô chưa rõ ràng, cứ thay chữ "Thủ đô" thành chữ "đô thị" thì các đặc trưng mục tiêu này đều giống nhau. Và tất cả những quy định của một đô thị đặc thù, đủ điều kiện mà đang cho làm thì được đưa cả vào Luật Thủ đô. Bên cạnh đó các cơ chế đặc thù riêng cho Thủ đô lại chưa thuyết phục.
Tại dự thảo luật đã được hoàn thiện để để trình ra Quốc hội chiều nay, điều kiện đăng ký thường trú tại nội thành Thủ đô vẫn được quy định theo hướng chặt chẽ hơn để "siết" nhập cư, dù ban soạn thảo đã bỏ đi quy định “phải có việc làm hợp pháp, ổn định ở Thủ đô”, do không thể làm rõ thế nào là khái niệm “việc làm hợp pháp”.
Dự thảo luật cũng quy định áp dụng mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm hành chính ở nội thành cao hơn so với quy định chung cho cả nước trong lĩnh vực trật tự và an toàn xã hội, văn hóa, đất đai, môi trường, xây dựng, giao thông vận tải.
Về quản lý quy hoạch Thủ đô có quy định trong nội thành không mở rộng diện tích sử dụng đất, quy mô giường bệnh của các bệnh viện hiện có, không xây dựng mới khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, trường trung cấp chuyên nghiệp, trường cao đẳng, đại học, trường đại học, học viện.
Luật Thủ đô là một dự án luật khá “long đong” sau nhiều lần lùi, hoãn. Và cũng là dự án luật hiếm hoi được cơ quan thẩm tra chỉ ra nhiều quy định chưa phù hợp với quy định của hệ thống pháp luật hiện hành cũng như khó khả thi trong thực tiễn ngay từ lần thẩm tra đầu tiên. Bởi vậy đã không tạo được sự đồng thuận cao trong tất cả các phiên thảo luận của Quốc hội từ kỳ họp trước đến kỳ họp này.
Tại báo cáo tiếp thu giải trình trước khi đại biểu bấm nút , Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết đã tiếp thu ý kiến đại biểu để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật. Song, ngay từ khi biểu quyết một số nội dung trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ, kết quả cho thấy những nội dung chính của dự thảo luật chưa nhận dược sự đồng thuận cao của Quốc hội. Trong đó, chính sách, cơ chế về tài chính và quản lý đất đai chỉ được trên 43% số đại biểu có mặt tán thành.
Có lẽ, đây cũng là môt dự án luật hiếm hoi có đến 54 đại biểu, chiếm 10,95% đại biểu có mặt không biểu quyết.
VnEconomy