.

Cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp

.

Trong những năm gần đây, phong trào “4 đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp” đã trở thành một nội dung quan trọng trong công tác Đoàn ở các cấp, bước đầu góp phần giải quyết cho hàng ngàn thanh niên thành phố những vướng mắc về nghề nghiệp, việc làm...

Lập nghiệp từ vốn vay của Đoàn...

 

Mô tả ảnh.
Các học viên tham gia học nghề theo định hướng thị trường Labs.

Những ai đã từng đến trang trại nuôi ếch, cá của anh Nguyễn Bá Lộc ở thôn Dương Lâm, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang mới thấy được con đường lập nghiệp của những thanh niên nông thôn rất cần đến sự hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể. Năm 2005, từ hai bàn tay trắng, anh Lộc mạnh dạn đứng ra vay gần 10 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ thanh niên tạo việc làm do Chi đoàn xã Hòa Phong quản lý. Đến nay, anh đã trở thành ông chủ trẻ, có trang trại nuôi ếch rộng hơn 1.200m2 với thu nhập hàng trăm triệu đồng một năm. Một trường hợp khác cũng vươn lên thoát nghèo nhờ vay vốn sản xuất ban đầu từ tổ chức Đoàn là anh Lê Cao Phong, ở xã Hòa Khương (Hòa Vang) – người từng được Trung ương Đoàn trao tặng giải thưởng Lương Định Của vào năm 2008, vì có thành tích xuất sắc trong việc tạo dựng cơ ngơi sản xuất đạt hiệu quả cao và tạo việc làm cho 3 lao động trong địa phương.

 

Từ hiệu quả trong sản xuất, anh Lộc và anh Phong không chỉ giúp bản thân, gia đình có việc làm và thu nhập ổn định mà còn đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội. Ngoài anh Lộc và anh Phong, huyện Hòa Vang hiện còn có hơn 50 cơ sở sản xuất đạt hiệu quả cao do đoàn viên, thanh niên làm chủ. Huyện Đoàn Hòa Vang cũng thành lập CLB Thanh niên làm kinh tế giỏi, thu hút sự tham gia của 25 hội viên. CLB là một trong những địa chỉ tin cậy để đoàn viên, thanh niên giao lưu, trao đổi, đề xuất về mô hình kinh doanh, sản xuất, vốn vay...

Trong nhiều năm qua, tổ chức Đoàn đã có vai trò không nhỏ trong việc tư vấn, định hướng và giới thiệu việc làm cho đoàn viên, thanh niên trên địa bàn thành phố. Đoàn Thanh niên cũng giữ vai trò là đơn vị trực tiếp tham gia quản lý và thực hiện các chương trình, dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo và việc làm cho thanh niên. Hiện tổ chức Đoàn đang quản lý nguồn vốn ủy thác hơn 60 tỷ đồng, với 3 kênh vay vốn: cho đoàn viên, thanh niên; học sinh-sinh viên; hộ gia đình thanh niên nghèo vay; duy trì hoạt động của gần 100 tổ quản lý vốn vay ở các cấp Đoàn cơ sở.

Đến cuối năm 2010 đã cho 3.000 hộ vay vốn Thành Đoàn Đà Nẵng cũng chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện đề án 103 về hỗ trợ, tư vấn việc làm cho thanh niên, làm việc với UBND thành phố và các ngành liên quan để tạo điều kiện cho thanh niên học nghề, lập nghiệp. Cùng Hội LHTN thành phố duy trì thường xuyên các lớp dạy nghề và giới thiệu việc làm miễn phí cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn do Tổ chức Plan International tài trợ với việc đào tạo nghề theo định hướng thị trường như đồ họa trên máy vi tính, sửa chữa thiết bị điện tử, phục vụ quầy bar - nhà hàng - khách sạn…

Trung tâm Giới thiệu việc làm thanh niên thành phố được củng cố, phối hợp chặt chẽ với ngành LĐ-TB&XH trong đào tạo nghề, giải quyết, giới thiệu việc làm cho thanh niên. Trung tâm hỗ trợ sinh viên các trường ĐH, CĐ (hiện 90% các trường đã có) hoạt động hiệu quả. Xúc tiến thành lập Trung tâm hỗ trợ sinh viên thành phố. Duy trì hiệu quả hoạt động của 1 vườn ươm tri thức và 10 điểm truy cập Internet, tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học công nghệ cho thanh niên tại huyện Hòa Vang, quận Liên Chiểu.

Đa dạng hóa các mô hình hoạt động

 

Trong năm 2010, tổ chức Đoàn các cấp đã giúp 3.473 đoàn viên, thanh niên có việc làm, với  tổng số vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 43,2 tỷ đồng. Đoàn các trường chỉ đạo và triển khai tốt việc hướng dẫn sinh viên vay vốn tín dụng hỗ trợ học tập với kinh phí hơn 27,3 tỷ đồng. Tư vấn kiến thức và định hướng nghề nghiệp, việc làm cho 34.200 thanh niên, giới thiệu 5.375 chỗ làm việc các ngành nghề, dạy nghề cho 1.752 thanh niên, tổ chức được 29 lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật, ngành nghề mới cho 730 thanh niên.

Một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để tổ chức Đoàn thực sự đồng hành cùng đoàn viên, thanh niên trên đường lập thân, lập nghiệp hiện nay, đó là việc đa dạng hóa các mô hình hiệu quả, giúp thanh niên tạo việc làm trên cơ sở phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại, doanh nghiệp nhỏ và vừa… Đồng thời, đẩy mạnh, linh hoạt hơn nữa hoạt động tư vấn, giới thiệu nghề nghiệp, việc làm. Phân loại đối tượng thanh niên để xây dựng chương trình tư vấn về định hướng việc làm cho phù hợp với từng đối tượng như: thanh niên trong trường phổ thông; thanh niên chưa có việc làm khi tốt nghiệp và thanh niên là sinh viên theo học trung cấp, cao đẳng, đại học. Đẩy mạnh hơn nữa việc đào tạo nghề theo định hướng thị trường.

 

Một thực tế cho thấy, đa số TN bước đầu tham gia phát triển sản xuất, kinh doanh đều dựa theo kinh nghiệm, chưa có kế hoạch đầu tư cụ thể, nên nếu gặp rủi ro phải chịu thiệt hại khá lớn. Trong quá trình sản xuất, TN được vay vốn hỗ trợ, tuy nhiên nguồn hỗ trợ chưa mang tính chất lâu dài, số vốn cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của TN. Việc lo đầu ra cho sản phẩm cũng gặp nhiều khó khăn.

Chính vì vậy tổ chức Đoàn cần có chiến lược hỗ trợ thanh niên lâu dài trên bước đường lập thân, lập nghiệp của họ, nhằm tạo niềm tin và tâm lý vững vàng trong thanh niên. Anh Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng cho biết: “Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương Đảng khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh CNH – HĐH đã xác định: “Thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người”. Đào tạo, dạy nghề, lập nghiệp là mối quan tâm hàng đầu của tuổi trẻ. Để thực hiện tốt điều này, tổ chức Đoàn phải có những giải pháp hiệu quả trong việc định hướng, giới thiệu nghề nghiệp, việc làm cho thanh niên. Đồng thời, chúng tôi rất cần đến sự hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước, sự giúp sức của thành phố, của các ban, ngành, đoàn thể”.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.