.

Xây dựng lộ trình thu hẹp đầu tư công

.

(ĐNĐT) - Cắt giảm đầu tư công, cải thiện tình hình cung ứng điện, cơ cấu các bộ ngành... là những vấn đề được các đại biểu đề cập trên nghị trường Quốc hội chiều 26-3.

Mô tả ảnh.
Các đại biểu đóng góp ý kiến về phát triển KT-XH tại phiên thảo luận

Cắt giảm đầu tư công: Không ứng vốn, chuyển vốn từ năm trước

Liên quan đến giảm đầu tư công, đại biểu Quách Cao Yềm (Kon Tum) cho rằng, đây là một giải pháp mạnh của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, việc cắt giảm cũng phải thực sự linh hoạt và xem xét từ thực tế để chỉ đạo cho phù hợp và kịp thời, phát huy hiệu quả.

Về cắt giảm đầu tư công, đặc biệt các dự án chưa cần thiết, đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (ĐB TP.HCM) nêu ý kiến nên giao chỉ tiêu cụ thể cho mỗi ngành, mỗi địa phương và tiến hành khẩn trương.

Giải trình một phần băn khoăn của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc (ĐB Thanh Hóa) cho biết, đầu tư công có từ 4 nguồn chính là ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, tín dụng đầu tư của Nhà nước và nguồn đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước.

Với nguồn đầu tư công 197 tỷ đồng theo chỉ tiêu đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội chúng ta không cắt giảm, chỉ cắt giảm đầu tư từ tín dụng Nhà nước và của doanh nghiệp Nhà nước.

Trong nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, sẽ tiến hành sắp xếp lại các dự án đầu tư trên cơ sở lựa chọn các dự án đầu tư hiệu quả với các tiêu chí cụ thể mà Chính phủ đã ban hành. Bên cạnh đó, không cho ứng trước vốn của năm 2012 và không cho điều chuyển vốn của năm 2010 sang năm 2011. Thực hiện biện pháp này cũng là cắt giảm vốn đầu tư công rất lớn.

“Đầu tư từ ngân sách là 243 ngàn tỷ đồng, trong đó từ ngân sách là 177 ngàn tỷ đồng và từ trái phiếu Chính phủ là 66 ngàn tỷ đồng, nhưng trong 243 ngàn tỷ đồng này thì đã có khoảng một lượng rất lớn là ứng trước và điều chuyển”, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nêu rõ.

Bộ trưởng cũng cho biết, thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về cắt giảm đầu tư công, 10 đoàn kiểm tra đã được cử đến 8 vùng và 2 doanh nghiệp Nhà nước. Kết quả các tỉnh, thành phố chấp hành tốt Nghị quyết của Chính phủ. Các Tập đoàn, Tổng Công ty cũng đang tiến hành triển khai sắp xếp lại đầu tư.

Cũng theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, hiện nay Chính phủ xây dựng cơ sở pháp lý để chuyển đổi cơ cấu đầu tư theo phương thức công - tư kết hợp, tức là nhà nước và tư nhân cùng tham gia đầu tư để phát triển các công trình về cơ sở hạ tầng là chủ yếu. Lĩnh vực xã hội, những cơ sở hạ tầng mà tư nhân không đầu tư được thì Chính phủ sẽ đầu tư.

“Chính phủ đang có một lộ trình để chuyển đổi, cơ cấu lại đầu tư và sẽ thu hẹp đầu tư công”, Bộ trưởng nói.

Cải thiện tình hình cung ứng điện

Khái quát về tình hình cung ứng điện trong nước, Bộ Trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, thời gian qua tình hình cung ứng điện có được cải thiện nhưng sẽ vẫn có khó khăn.

Đặc thù của Việt Nam là tỷ trọng thủy điện lớn mà hiện nay các hồ lớn mực nước đều thấp hơn các năm. Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt cho ngành điện, đảm bảo cung ứng điện ở mức cao nhất đáp ứng sinh hoạt của nhân dân và sản xuất của doanh nghiệp.

Trong phiên thảo luận chiều 26-3, Quốc hội nhất trí với phương án sử dụng 3.500 tỷ đồng từ tiền lãi dầu khí để tái đầu tư cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, bảo đảm đúng quy trình, thủ tục, sử dụng đúng mục đích và hiệu quả đầu tư, tăng cường kiểm tra, thanh tra trong quá trình thực hiện.

Bộ sẽ tính toán nhanh chóng đưa vào một số nguồn phát điện mới, cố gắng từ nay đến cuối năm cung ứng điện ở mức cao nhất đảm bảo các điều kiện cho sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân.

Bộ Trưởng Vũ Huy Hoàng cũng cho biết thời gian qua, một số nhà máy thủy điện nhỏ có tình trạng hoàn thành nhưng chưa thể phát điện lên lưới quốc gia do chưa có đường dây nối từ nhà máy lên lưới điện quốc gia.

Bộ trưởng lý giải, hệ thống lưới điện quốc gia được thiết kế để đảm bảo việc chuyển tải một công suất nhất định, nếu không có tính toán trước từ khâu quy hoạch thì nếu có nhiều nhà máy cùng hòa vào lưới sẽ dẫn đến tình trạng đường dây quá tải.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị chức năng nghiên cứu nâng công suất đường dây tải điện lưới với các nhà máy thuỷ điện nhỏ để đảm bảo hòa với lưới điện quốc gia an toàn.

 Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực đáp ứng đòi hỏi của thực tế

Vấn đề quản lý nhà nước về đa ngành, đa lĩnh vực được nhiều đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn (ĐB Nam Định) khẳng định, mô hình bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực là chủ trương đúng đắn về cải cách tổ chức bộ máy. Điều này không chỉ đáp ứng yêu cầu thực tế đòi hỏi làm cho bộ máy Chính phủ và các cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh, cấp huyện được tinh gọn hợp lý hơn mà còn khắc phục được đáng kể tình trạng chồng chéo, trùng lắp chức năng, nhiệm vụ, của các bộ, ngành và nâng cao được hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong tình hình phát triển mới của đất nước.

Về vấn đề cơ cấu bộ ngành sắp tới, Bộ trưởng Trần Văn Tuấn cho biết, tiếp tục điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan.

Quy chế hóa việc phối hợp giữa các bộ đang có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ và phân định cụ thể thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan cụ thể để xây dựng các thông tư liên tịch trong đó quy định rõ bộ chủ trì chịu trách nhiệm chính và các bộ có liên quan cùng thực hiện.

Bên cạnh đó là áp dụng giải pháp tổ chức đối với những vấn đề không thể xử lý được bằng quy chế phối hợp được bằng cách chuyển giao chức năng, nhiệm vụ và hợp nhất tổ chức để thống nhất đổi mới thực hiện cho bộ đảm bảo để khắc phục sự chồng chéo.

Rút kinh nghiệm trong việc tìm hiểu tình hình thị trường xuất khẩu lao động

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đến thời điểm này có thể khẳng định 10.000 lao động Việt Nam đã được đưa về nước an toàn. Trong vòng hai ngày nữa, tàu chở 1.049 lao động sẽ cập cảng Đình Vũ, Hải Phòng, hoàn tất chiến dịch đưa toàn bộ người lao động Việt Nam về nước.

Qua biến cố ở Libya khiến lao động Việt Nam phải về nước, Bộ rút ra kinh nghiệm là phải tìm được thị trường tốt và an toàn để người lao động có thu nhập tốt và công việc ổn định. Tuy nhiên, sự cố ở Libya là khách quan, ngay chính quốc gia đó cũng không thể dự đoán họ sẽ lâm vào tình trạng chiến tranh. Bộ sẽ phải dựa phải vào các cơ quan ngoại giao để tìm hiểu tình hình ở các thị trường lao động.

Hiện rất nhiều doanh nghiệp trong Nam ngoài Bắc muốn nhận số lao động vào làm việc, họ cũng nhận bảo lãnh nợ ngân hàng cho người lao động. Bộ sẽ không để những người lao động trở về từ Libya lâm vào tình trạng khó khăn, nữ Bộ trưởng nói.

 Chinhphu.vn, TTXVN

;
.
.
.
.
.