.

Chính trị viên Tàu 43 và chuyến đi vào Quảng Ngãi

.
Trong cuộc gặp mặt các cựu chiến binh Đoàn tàu không số do Quân chủng Hải quân tổ chức tại Đà Nẵng vừa qua, tôi có dịp gặp ông Trần Ngọc Tuấn (SN 1933, quê Quảng Nam, thành viên của Đoàn tàu không số, nguyên Chính trị viên Tàu 43, nay sống tại thành phố Nha Trang) và được nghe ông kể lại những hồi ức về những năm tháng sống, chiến đấu ở Đoàn tàu không số…

Mô tả ảnh.
Sau khi tập kết ra Bắc, năm 1964 ông được cấp trên điều về công tác tại Đoàn tàu không số, rồi lần lượt được giao nhiệm vụ Chính trị viên, Bí thư chi bộ các Tàu 43, 55, 56. Trong nhiều chuyến “hành quân” trên biển, ông Tuấn nhớ mãi một kỷ niệm vào năm 1968. Ông kể: “Đầu năm 1968, Đoàn tàu không số được lệnh xuất phát chở hàng vào 4 bến khác nhau ở miền Nam. Tàu 43 do Thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng và tôi (Chính trị viên) chỉ huy, được lệnh chở vũ khí vào huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Trên đường đi, máy bay và tàu chiến địch đã phát hiện, theo dõi các hoạt động của Tàu 43.
 
Anh em giả vờ đánh bắt cá, lòng vòng mãi trên biển, đêm thứ ba tàu đến vùng biển Quảng Ngãi. Khi cách bến khoảng 15 hải lý thì hai tàu chiến địch xuất hiện. Chúng đánh tín hiệu hỏi: “Anh là ai?”. Chúng tôi trả lời là tàu đánh cá, rồi nhằm hướng Ba Làng An thẳng tiến. Tuy nhiên, đi chưa được bao lâu thì phía trước đã xuất hiện pháo sáng của địch. Sau đó pháo nã tới tấp vào Tàu 43, tàu địch khép dần vòng vây quyết bắt sống con tàu 43. Thuyền trưởng Thắng hạ lệnh chiến đấu. Cán bộ, chiến sĩ trên tàu đồng loạt nổ súng chống trả địch, 1 máy bay HU-1A trúng đạn, bốc cháy đâm sầm xuống biển. Cuộc chiến đấu không cân sức khiến 3 chiến sĩ hy sinh, 11 đồng chí bị thương, tàu bị mắc cạn. Trong tình thế nguy kịch, thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng hạ lệnh khiêng tử sĩ, thương binh lên bờ và hủy tàu...

… Chúng tôi vào bờ và được quần chúng cơ sở đưa vào các hầm bí mật tại thôn Quy Thiện, xã Phổ Hiệp. Lúc này quân Mỹ cũng tiến vào làng. Tiếng la hét khui hầm bí mật inh ỏi. Mười ngày đêm nằm hầm trong tình trạng bị thương, nếu không có sự đùm bọc, che chở của nhân dân, chắc chúng tôi khó mà qua được. Rồi chúng tôi được du kích cáng lên bệnh xá của chị Đặng Thùy Trâm. Hai lần đi đều gặp địch, phải quay lại, đến đêm thứ ba mới trót lọt. Những ngày nằm điều trị ở đây, bác sĩ Đặng Thùy Trâm và các y tá, hộ lý đã động viên, tận tình cứu chữa cho anh em thương binh. Đến ngày 10-4-1968, chúng tôi chia tay bệnh xá để vượt Trường Sơn trở lại đơn vị...”.

Hình ảnh vẫn đọng mãi trong ký ức người cựu chiến binh già ấy là lúc bác sĩ Đặng Thùy Trâm xúc động nắm chặt tay ông nhắn nhủ: “Nhớ và gửi lời tới hậu phương, hẹn gặp lại ngày thống nhất!”. “Tôi may mắn hơn rất nhiều đồng đội khác vì được nhìn thấy ngày đất nước thống nhất và thật sự hạnh phúc khi được sống một cuộc sống độc lập ngày hôm nay. Do đó, phải biết sống sao cho xứng đáng với những con người đã hy sinh vì Tổ quốc!”, ông Tuấn nhắn nhủ.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ
;
.
.
.
.
.