Ông Huỳnh Ba ở tổ 40, phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) là một trong 6 thuyền viên đầu tiên dùng thuyền gỗ chở vũ khí từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường khu 5. Ông đã kể lại chuyến dùng thuyền gỗ chở vũ khí đầy gian nan, trắc trở năm xưa...
...Trong kháng chiến chống Pháp, tôi là chiến sĩ của Tiểu đoàn 248 Liên khu 5 và đã nhiều lần chèo thuyền đưa vũ khí từ Huế vào tiếp tế cho các mặt trận ở Quảng Nam. Sau Hiệp định Giơnevơ, tôi được tổ chức phân công ở lại hoạt động tại cánh bắc Hòa Vang, đến tháng 9-1959 thì được điều ra Bắc nhận nhiệm vụ mới. Tôi và hơn 100 đồng chí khác được biên chế vào Tiểu đoàn 603, với tên công khai là “Tập đoàn đánh cá sông Gianh”, đóng quân ở Bố Trạch, Quảng Bình. Đơn vị khẩn trương đóng thuyền đánh cá hai đáy và các ngư lưới cụ đều được mua sắm từ trong Nam chuyển ra.
Ông Ba kể tiếp: Từ đầu tháng 5-1959, Ban Chỉ huy tiểu đoàn cử một bộ phận thông tin, do đồng chí Nguyễn Nam phụ trách, theo đường bộ vào Khu 5 để lo việc thông tin liên lạc. Đến tháng 10-1959, đồng chí Nam từ đèo Hải Vân báo ra cho biết, đã xác định được điểm đổ hàng tại bến Hố Chuối, dưới chân đèo Hải Vân. Nhiều đội thuyền cùng háo hức xin đi chuyến đầu tiên, nhưng cuối cùng, thuyền của chúng tôi đã được giao nhiệm vụ này.
Thuyền chúng tôi chèo bằng tay, có 6 thuyền viên, do đồng chí Nguyễn Bất làm thuyền trưởng. Thuyền chở hơn 5 tấn vũ khí, thuốc men cùng với khá nhiều đá và dây buộc, đồng thời được cài sẵn 100kg thuốc nổ TNT dưới các khoang thuyền. Các cấp lãnh đạo quán triệt kỹ 2 phương án: Nếu đưa được hàng vào bến thì bí mật hủy thuyền và đi đường bộ trở về đơn vị; nếu bị lạc thì thả hàng xuống biển để giữ bí mật con đường chiến lược và trường hợp nguy cấp thì cho nổ hủy thuyền.
Đêm 30 Tết Canh Tý 1960, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam nhận được điện từ hậu phương lớn cho biết, có thuyền chở 5 tấn vũ khí, thuốc men đã xuất phát và sẽ cập bến Hố Chuối, dưới chân đèo Hải Vân. Lập tức, Thường trực Tỉnh ủy cử đồng chí Nguyễn Chơn, cán bộ phụ trách quân sự tổ chức đón. Đồng chí Nguyễn Chơn khẩn trương đưa một đơn vị bộ đội ra Hố Chuối đón đợi suốt một tháng liền, nhưng sau đó đành quay lại khu căn cứ... |
Tối ngày 27-1-1960, tức đêm 30 Tết Canh Tý, thuyền chúng tôi rời cửa sông Gianh và tiến theo hướng đông nam. Chúng tôi ngụy trang y như những ngư dân làm nghề giã cào và cố chèo ra khơi xa, vì ven bờ thường có địch tuần tiễu. Đêm đầu tiên, thuyền đi đúng tuyến. Nhưng đến ngày hôm sau, biển động dữ dội, thuyền cứ chao đảo liên hồi. Sóng mạnh làm nước liên tục tràn qua be thuyền. 6 anh em gồng sức chèo chống, cố giữ cho thuyền khỏi lật và thay nhau múc nước trong thuyền đổ ra ngoài. Cứ vậy, thuyền bị sóng xô đẩy, trôi dạt về phía nam và làm gãy mất tay lái. Chúng tôi thay tay lái phụ, nhưng đến đêm thứ 3 cũng bị gãy nốt và sau đó thì gió lặng dần.
Mờ sáng ngày 30-1-1960 (tức mồng 3 Tết Canh Tý), chúng tôi nhận thấy thuyền ở gần một hòn đảo, nhìn kỹ thì đó là đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) và thấy trên đảo có nhiều lính ngụy đi lại. Chi bộ họp khẩn, nhận thấy không thể nào chèo vào bến được nữa, sớm muộn cũng sẽ bị địch phát hiện và quyết định phải nhanh chóng thả hàng xuống biển. Dù đã mệt lã sau mấy ngày đêm chống chọi với sóng gió, nhưng chúng tôi vẫn động viên nhau gắng sức thả hàng xuống biển. Những thùng hàng nặng thì thả xuống dễ. Những thùng nhẹ thì phải buộc thật chặt vào đá rồi mới thả xuống để hàng khỏi nổi trên mặt nước. Cả những đồ dùng cá nhân, chúng tôi cũng buộc vào đá để thả xuống biển. 6 anh em thả hết hàng khi trời vừa sáng rõ và bàn bạc thống nhất lời khai khi bị địch bắt.
Ông Huỳnh Ba là thương binh hạng 2/4, hội viên Hội Tù yêu nước, nhưng gia đình còn rất nghèo. Ông vừa được Bộ Tư lệnh Hải quân và Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tặng một ngôi nhà tình nghĩa, với tổng số tiền xây dựng 60 triệu đồng. Rất mong muốn nhận được sự hỗ trợ của chính quyền, đoàn thể, các nhà hảo tâm để trang bị thêm đồ dùng và làm trần cho ngôi nhà ông Ba. |
Quả nhiên, ngay trong ngày hôm đó, bọn địch trên đảo đã túa ra bắt chúng tôi. Chúng tra tấn, đánh đập và dùng nhiều thủ đoạn khảo cung tinh vi, nhưng 6 anh em đều khai như nhau là ngư dân làm giã cào, ra biển gặp sóng to gió lớn, thuyền bị gãy lái, trôi dạt vào đây. Mặc dù vậy, kẻ thù vẫn giam cầm, đày đọa chúng tôi suốt hàng chục năm ròng. Tôi bị giam ở nhà tù Côn Đảo, mãi đến năm 1974 mới được trả tự do. Ra tù, tôi về Đà Nẵng, lại bị địch bắt giam ở lao xá Hội An và tiếp tục bị chúng hành hạ, tra khảo hơn một tháng trời.
“6 anh em trên chiếc thuyền ngày ấy, bây giờ 5 người đã mất, chỉ còn lại mình tôi”. Ông Ba buồn buồn nói như vậy, ánh mắt trầm tư, u hoài, như đang nhớ lại những đồng đội năm xưa.
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM