.

Đình công do nhập nhằng về lương, thưởng

.

(ĐNĐT) – Chưa đầy 1 tuần qua, tại KCN Hòa Khánh (quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) xảy ra hai cuộc đình công của công nhân mà nguyên nhân chủ yếu do bức xúc về vấn đề tiền lương thưởng, về đơn giá tính theo sản phẩm quá thấp.


Mô tả ảnh.
Các công nhân may thuộc Công ty TNHH MTV Con đường xanh Quảng Nam (The Blues), địa chỉ tại đường số 2 KCN Hòa Khánh tập trung trước cổng để đình công sáng 12-10.

 

Đình công vì tiền lương, tiền sản phẩm thấp

Chị Nguyễn Thị Hồng (quê Quảng Bình), công nhân may thuộc Công ty TNHH MTV Con đường xanh Quảng Nam (The Blues), địa chỉ tại đường số 2 KCN Hòa Khánh (quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng), cho biết chị đã làm được 4 tháng ở đây. Mức lương lúc ký hợp đồng ban đầu là 2,5 triệu/tháng theo hình thức khoán theo sản phẩm. Do đó các khoản tăng ca, phụ cấp, chế độ… đều nằm gọn trong mức này.

“Nhưng từ 1-10-2011 đã có quy định tăng lương cơ bản mà chưa thấy công ty tăng lương và vào khoảng ngày 10 hàng tháng công ty trả lương trong thẻ ATM nhưng tháng này đã qua 2 ngày vẫn chưa có, mà công ty không nói lý do”, chị Hồng nói.

“Tiền công theo sản phẩm ở mức 6.500 đồng/sản phẩm áo thì quá thấp nên ảnh hưởng tới thu nhập của công nhân. Mà thời gian làm thêm mỗi ngày bọn em vượt 1,5 tiếng nhưng cũng không được tính tiền công”, một nhóm công nhân khác nói thêm.
 
Đó là lý do khiến cho khoảng 1.200 công nhân may thuộc The Blues đình công trong tuần này để phản đối các chính sách đối với người lao động. Nguyên nhân chính của đình công vẫn là lương thấp, chế độ đãi ngộ không rõ ràng.

Cần sự thỏa ước lao động rõ ràng

Theo ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng, nếu năm trước đa số các vụ đình công đều xảy ra do chủ lao động vi phạm luật, thì nguyên nhân đình công của công nhân đợt này chủ yếu là do có sự thiếu rõ ràng về chế độ của công ty với công nhân.
 
Mô tả ảnh.
Nếu DN và công nhân có sự thỏa ước lao động rõ ràng, hài hòa lợi ích của hai bên thì đình công không xảy ra. Ảnh: Một nam công nhân may của Công ty TNHH ITG Phong Phú (KCN Hòa Khánh) đại diện cho hơn 500 công nhân trình bày những bức xúc với lãnh đạo công ty, sáng 6-10.

“Công nhân đình công chủ yếu để đòi hỏi về quyền lợi của mình về lương, phụ cấp bởi họ cho rằng lương hiện tại quá thấp so với vật giá bên ngoài, họ không đủ sống. Với lại một số công ty không rõ ràng trong chính sách lương, thưởng nên dẫn tới sự hiểu lầm”, ông An nói.

Ông An phân tích, các công ty trả lương 2,5 triệu/tháng cho công nhân may là tương đối so với mặt bằng chung. Tuy nhiên, các công ty này không giải thích hay thông báo cụ thể cho công nhân hiểu là trong số lương này có cả phụ cấp xăng xe, nhà ở… nên họ cứ nghĩ là không có. Còn công nhân làm thêm mỗi ngày 1,5 tiếng là đúng luật, nhưng việc công ty không tính tiền công về thời gian ngoài giờ này lại là sai.
 
"Còn về tiền đơn giá sản phẩm thấp, công nhân phản ánh là đúng theo bức xúc, vì giá định mức đã thay đổi mà họ vẫn tính theo mức cũ là không phù hợp. Chúng tôi đã yêu cầu các công ty này phải tính toán lại định mức và báo cáo cho Sở trong vòng 30 ngày. Theo tôi, lãnh đạo các DN sử dụng lao động cần có sự thỏa ước lao động rõ ràng để hài hòa lợi ích của hai bên thì đình công không xảy ra”, ông An nói.

Còn theo bà Đàm Thị Thanh Xuân, Chủ tịch Công đoàn các KCN và Chế xuất Đà Nẵng, để không tiếp tục xảy ra các cuộc đình công của công nhân, thì vai trò của các cán bộ Công đoàn cơ sở (CBCĐCS) là rất quan trọng, bởi họ là cầu nối giữa công nhân và lãnh đạo DN. Nhưng khi CBCĐCS chưa phát huy hết khả năng, trách nhiệm thì sẽ không có tiếng nói chung dẫn tới xảy ra đình công.

“Như ở Công ty The Blues vừa qua là do BCH Công đoàn lâm thời chưa ra mắt nên không có tiếng nói chung. Còn CBCĐCS của Công ty Phong Phú thì chưa làm tốt vai trò của mình dẫn tới đình công”, bà Xuân cho biết.

Về giải pháp để hạn chế sự việc này, theo bà Xuân, các cơ quan chức năng cũng như đại diện các ngành sẽ tổ chức các buổi tiếp xúc, đối thoại với các BQL, các DN trong các KCN và Chế xuất trên địa bàn. "Chúng tôi mong muốn gặp gỡ các DN và công nhân để lắng nghe ý kiến, trên cơ sở đó sẽ có biện pháp giải quyết những quyền lợi hợp pháp chính đáng cho các bên’, bà Xuân nói.

Về lâu dài, ông An và bà Xuân đều cho rằng, các cơ quan chức năng sẽ tạo điều kiện cho công nhân học Luật lao động, Luật Công đoàn để họ có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình. Liên đoàn Lao động sẽ tăng cường tập huấn cho ban chấp hành công đoàn cơ sở về phương cách hoạt động, kỹ năng lãnh đạo công nhân. Từ đó, công đoàn cơ sở có thể tham gia giải quyết kịp thời những vướng mắc của công nhân, đối thoại trực tiếp với người sử dụng lao động.
 

Hiện Đà Nẵng có 6 KCN với trên 320 doanh nghiệp (DN), với hơn 63.000 lao động. Trong đó riêng KCN Hòa Khánh có 33.000 lao động (chiếm hơn 52%), chủ yếu là công ngành may mặc và sản xuất đồ chơi trẻ em.

Kể từ đầu năm 2011 tới nay, tại Đà Nẵng xảy ra 3 cuộc đình công, với sự tham gia của hơn 2.500 công nhân.

Hiện nay có khoảng trên 70% các CBCĐCS của các DN đã thực hiện tốt vai trò và nhiệm vụ cầu nối của mình giữa DN và công nhân. Số còn lại do chưa phát huy hết trách nhiệm nên không thông báo rõ ràng cho công nhân các chế độ, chính sách của DN khiến công nhân không nắm rõ các quyền lợi của mình.

 
Bài và ảnh: Đắc Mạnh
;
.
.
.
.
.