Trong 3 ngày qua (từ 16 đến 18-10), ở khu vực Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to, lượng mưa đo được phổ biến từ 200-300mm.
Mưa to ở khu vực đầu nguồn đã làm nhiều xã ở huyện Hòa Vang nước lên nhanh, gây ngập trên diện rộng; ở các hồ chứa, mực nước đạt đỉnh so các năm gần đây. Tại hồ Hòa Trung vào 9 giờ ngày 17-10, mực nước lên mức 42,90m, chảy qua tràn với độ cao 1,8m và mấp mé tràn sự cố. Ở hồ Đồng Nghệ mực nước 34,09m, cao hơn đỉnh tràn 0,79m. Để bảo đảm an toàn cho 2 hồ chứa lớn này, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đà Nẵng đã tiến hành mở cửa xả tràn sâu với khẩu độ 1,2m tại hồ Đồng Nghệ, chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị và nhân lực sẵn sàng ứng phó khi tình huống xấu xảy ra. Ngày 18-10, mưa ngớt, mực nước trên 2 hồ Đồng Nghệ và Hòa Trung đã giảm.
Mưa lũ gây sạt lở hệ thống kênh chính của hồ Hòa Trung. Đến trưa 18-10, 4 điểm bị sạt lở nặng là tại Km 3+500 kênh nam thuộc địa bàn thôn Hiền Phước, xã Hòa Liên bị cắt đứt đoạn dài 15m, sâu 5m, khối lượng đất đá bị trôi ước 250m3. Điểm sạt lở này cũng cắt đứt hoàn toàn đường giao thông nội bộ đã bê-tông hóa trên mặt kênh của thôn Hiền Phước, gây khó khăn trong đi lại của khoảng 60 hộ dân. Điểm sạt lở thứ 2 là tại Km 4+700 bị cắt đứt đoạn dài 25m, hơn 300m3 đất đá bị trôi. Trên tuyến kênh bắc tại cống tiêu Lò Vôi sạt lở 500m3, tại cầu máng Thủy Tinh mái kênh sạt lở khoảng 250m3…
Tính đến trưa 18-10, trên địa bàn huyện có 3.412 nhà dân tại 60 thôn bị ngập. Theo số liệu từ Phòng NN&PTNT huyện, 18 hộ sinh sống dọc bờ sông Túy Loan thuộc địa bàn xã Hòa Phong, lũ gây sạt lở vào tận móng nhà, phải di dời đến nơi an toàn. Lũ đã làm gần 10ha nuôi trồng thủy sản bị mất trắng, 6ha rau màu bị hư hại, 4,5 tấn thóc giống bị ướt, hàng trăm con gia súc, gia cầm bị chết, trôi. Hàng chục điểm trên các tuyến giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi bị sạt lở với khối lượng lên đến hàng nghìn m3. Ước tính sơ bộ ban đầu trong đợt mưa lũ này gây thiệt hại về tài sản cho huyện Hòa Vang khoảng 4,2 tỷ đồng. Huyện đã cùng các đơn vị liên quan, các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân. (N.C)
* Sáng 18-10, tại các khu vực ngập nặng do mưa lớn trong những ngày qua trên địa bàn quận Liên Chiểu, người dân đã trở về nhà dọn dẹp đồ đạc sau khi nước rút. Tổ 61, thôn Hồng Phước (phường Hòa Khánh Bắc), tổ 10, 11, 22, 23 (phường Hòa Khánh Nam) là những khu vực bị ngập nặng, nước đã rút bớt ở những nơi thấp, nước vẫn còn đọng lại trong nhà. Người dân cho biết, khó khăn hiện nay là thiếu nước sạch cho sinh hoạt, nhiều gia đình không có nước máy buộc phải dùng nước giếng nhưng bị ô nhiễm do rác thải chảy tràn vào. Khu vực nhà ở ẩm thấp, rác thải trôi dạt là điều kiện để muỗi phát sinh, nguy cơ sốt xuất huyết rất lớn, chân tay bị lở ngứa do lội trong nước bẩn. Một số điểm trong khu dân cư trên tuyến đường Nguyễn Khuyến (phường Hòa Khánh Nam) đi lại còn khó khăn, có những đoạn phải đi ghe.
Chính quyền các cấp đã chỉ đạo lực lượng hỗ trợ người dân thông nước, kiểm tra các đường dây điện phòng tránh tai nạn điện giật, ngành y tế chuẩn bị cấp thuốc khử trùng... Công tác khắc phục hậu quả do mưa lụt về cơ bản đã ổn định. (Trọng Hùng – Duyên Anh)
* Ông Hồ Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ cho biết, trong ngày 18-10, tình hình ngập úng trên địa bàn quận Cẩm Lệ cơ bản đã được xử lý. Quận đã huy động lực lượng thi công các công trình và lực lượng xung kích phòng chống lụt bão tiến hành khơi thông dòng chảy. Đời sống và sinh hoạt của người dân tại các khu vực bị ngập ở phường Hòa Xuân, Hòa Thọ Đông, Hòa An và Hòa Thọ Tây đã trở lại bình thường. (N.P)