.

Người Anh hùng liệt sĩ và con tàu 235

Để kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, tàu 235 (Đoàn tàu không số - Đoàn 125 Hải quân), do Trung úy, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh chỉ huy nhận nhiệm vụ vận chuyển vũ khí cho chiến trường Khu 6.

Sau hai ngày đêm hành trình trên vùng biển quốc tế, vượt qua sự phong tỏa, canh phòng cẩn mật của địch và những đợt gió mùa, đến 18 giờ ngày 29-2-1968, tàu 235 đã đến phía đông cách bờ biển Nha Trang 10 hải lý. Phát hiện có một máy bay trinh sát địch lượn vòng qua, cấp ủy, chỉ huy tàu hội ý thống nhất nhận định: Khả năng tàu đã bị lộ, nhưng cần lợi dụng trời tối, cứ cho tàu đi vào khu vực bến và lệnh cho toàn tàu sẵn sàng chiến đấu cao, đối phó với mọi tình huống xấu có thể xảy ra.

Chấp hành mệnh lệnh của chỉ huy tàu, cán bộ, chiến sĩ khẩn trương kiểm tra lại súng đạn và di chuyển hàng lên boong tàu, sẵn sàng xuống biển. Đến 23 giờ, khi tàu cách Hòn Hèo khoảng 6 hải lý thì bị 5 tàu tuần tiễu ven bờ có tốc độ cao của địch dàn hàng ngang chặn lại. Khi phát hiện tàu 235, đội hình tàu địch chuyển sang thế bao vây nhằm ép tàu ta vào bờ để bắt sống.

Trong giây phút hiểm nguy đó, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh đã mưu trí cho tàu lách qua giữa đội hình tàu địch và tăng tốc độ, xả khói mù đưa tàu vào khu vực bến. Đến 0 giờ 30 phút ngày 1-3-1968, tàu đã vào đến bến nhưng không gặp “bến” đón. Nguyễn Phan Vinh lệnh cho tàu khẩn trương thả hàng xuống nước, với ý định  “bến” sẽ đến vớt sau. Các bao hàng được đóng gói  đặc biệt lần lượt thả xuống nước. Khi bao hàng cuối cùng vừa thả xong, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh lệnh cho tàu nổ máy quay mũi hướng ra biển. Cùng lúc đó, có ba tàu loại lớn và bốn tàu loại nhỏ của địch đã vây chặt ở phía ngoài quyết không để cho tàu 235 thoát. Nguyễn Phan Vinh cho tàu chạy sát vào ben bờ xuôi xuống Ninh Vân 10 hải lý nhằm đánh lạc hướng địch, không để lộ vị trí thả hàng.
 
Các tàu chiến địch lập tức cho bật hết đèn pha bám đuổi theo và nã pháo như mưa về phía tàu 235. Một cuộc chiến đấu không cân sức giữa tàu 235 và tàu địch diễn ra quyết liệt. Trong làn đạn pháo địch, trên đài chỉ huy, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh vẫn bình tĩnh điều khiển tàu tránh đạn, luồn lách qua bãi đá ngầm, bãi cạn và mở rộng góc mạn cho các pháo thủ ta phát huy hỏa lực đánh trả địch; đồng thời tìm cơ hội phá vây ra biển. Pháo thủ Nguyễn Văn Phong cùng đồng đội đã sử dụng súng ĐKZ và 14,5mm cùng các loại vũ khí khác bắn trả quyết liệt, buộc tàu địch phải lùi ra xa. Cuộc chiến đấu diễn ra mỗi lúc một quyết liệt. 5 chiến sĩ bị thương nặng, 7 đồng chí bị thương nhẹ, trong đó có thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh; máy động lực hỏng, một số khoang tàu bị trúng đạn, nước bắt đầu chảy vào.

Biết không thể phá được thế bao vây của tàu địch, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh cho tàu chạy sát vào bờ để cho anh em thương binh rời tàu bơi vào bờ. Khi tàu vào cách bờ khoảng 100 mét, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh phát một bức điện ngắn về trung tâm và lệnh cho anh em thương binh rời tàu dưới sự chỉ huy của thuyền phó Đoàn Văn Nhị. Còn thuyền trưởng và thượng sĩ cơ điện Ngô Văn Thứ nhận trách nhiệm ở lại tàu thực hiện kế hoạch cho nổ phá hủy con tàu. Khi biết chắc chắn đồng đội đã vào đến gần bờ, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và Ngô Văn Thứ đã châm ngòi nổ hủy con tàu rồi nhảy xuống nước bơi vào bờ. Một cột lửa bùng lên, tiếp đến là một tiếng nổ dữ dội làm rung chuyển cả vùng núi Hòn Hèo. Tàu 235 nổ tung với khối thuốc nổ 2 tấn làm đứt đôi con tàu. Toàn bộ đài chỉ huy con tàu văng lên sườn núi Bà Nam, còn thân tàu nằm lại dưới đáy biển. Lúc đó là 2 giờ 40 phút.

Rạng sáng ngày 1-3-1968, pháo tàu, pháo tầm xa từ Ninh Hòa và từ máy bay địch bắn như đổ đạn vào Hòn Hèo. Tiếng pháo vừa dứt thì hai Liên đoàn biệt động Mỹ-ngụy được máy bay trực thăng yểm trợ đổ bộ xuống. Nguyễn Phan Vinh cùng đồng đội đã dùng súng tiểu liên chống trả quyết liệt các đợt tấn công của địch. Trong cuộc chiến đấu không cân sức ấy, 14 cán bộ, chiến sĩ của tàu 235 đã anh dũng hy sinh, trong đó có thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh.

Để ghi nhớ chiến công, sự hy sinh anh dũng của người thuyền trưởng tàu 235, Đảng, Nhà nước ta đã truy tặng anh Huân chương Chiến công hạng nhất, Huân chương Quân công hạng ba, danh hiệu Anh hùng LLVTND và lấy tên anh đặt tên cho một hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa: đảo Phan Vinh.

Ngày 30-4-1993, tại sườn núi Bà Nam thuộc xã Ninh Vân, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 125 Hải quân và chính quyền, nhân dân xã Ninh Vân đã xây dựng tại đây (nơi các anh đã chiến đấu và hy sinh) một bia tưởng niệm, khắc ghi lên đó tên tuổi người thuyền trưởng của con tàu 235 (người con của quê hương xã Điện Nam, Điện Bàn, Quảng Nam) cùng đồng đội của anh, như một biểu tượng cho mọi thế hệ noi gương, học tập để nhớ về những chiến công hào hùng, về một quá khứ oanh liệt của cha anh, của dân tộc trên con đường biển mang tên Bác: “Đường Hồ Chí Minh trên biển Đông”.

TRƯƠNG VĂN TIỀN
;
.
.
.
.
.