.

Theo dấu những kỷ vật...

.
Những chiếc lược bằng đuy-ra, cái bình tông, tấm khăn rằn, la bàn đi biển hay đơn giản chỉ là một chiếc áo xanh đã bạc màu... gợi về cả một thời hào hùng của những con người đã làm nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển.

Mô tả ảnh.
Ông Lê Đình Kiến nâng niu chiếc áo như một báu vật. Ảnh: P.TRÀ
 
Chiếc áo thấm máu…

Đã hơn 35 năm, người cựu chiến binh già Lê Đình Kiến (tổ 27, phường An Khê, quận Thanh Khê) vẫn nâng niu chiếc áo xanh của người lính như một báu vật. Với ông, đó không chỉ là một chiếc áo mà còn chứa đựng cả một thời tuổi trẻ, một thời oanh liệt của ông và của cả dân tộc. Bàn tay khẳng khiu của ông vuốt từng nếp áo và cẩn thận đưa cho tôi xem. Chiếc áo tuy bạc màu nhưng được là phẳng phiu, từng mũi chỉ may vẫn còn nguyên vẹn và đều tăm tắp. Chuyện về chiếc áo đưa chúng tôi lội ngược dòng lịch sử trở về với những hồi ức. Ngày ấy chàng đại úy điển trai Lê Đình Kiến lãnh đạo một đội gồm 15 người với nhiệm vụ là đón những chuyến tàu Không số tại Vũng Rô (Phú Yên) rồi đến Hòn Hèo (Nha Trang), vận chuyển hàng về kho cất giấu và giao cho các đơn vị đến nhận.

Chiếc áo được ông làm vào năm 1967, tại căn cứ ở Hòn Hèo (Nha Trang). Khi ấy, địch đánh phá ác liệt nên mọi nguồn tiếp tế đều gần như không có, đơn vị dường như bị cô lập. Nhiệm vụ của đơn vị ông Kiến lúc ấy là nằm im chờ đợi, 4-5 ngày lại đánh điện ra Bộ Chỉ huy ở Hà Nội để biết là anh em vẫn an toàn. Rảnh rỗi, trong lúc quần áo bị sờn rách, ông và các đồng đội “tự thân vận động”, tận dụng vải để may áo. “Vậy mà, chiếc áo này đã theo tôi suốt chặng đường chiến đấu còn lại và đến tận bây giờ đó”, ông Kiến cười hiền. Chiếc áo xanh ấy đã bao lần nhuốm đỏ máu đồng đội của ông khi ngã xuống. Đơn vị của ông có 15 người thì hy sinh hết 7 do bị Việt gian chỉ điểm.
 
“Tôi đã ôm vào lòng anh Hường, anh Cơ, anh Tấn... và gạt nước mắt chôn cất các anh ấy. Anh Hường nhận nhiệm vụ đi cõng gạo, đến nửa đường thì bị địch phục kích bắn chết. Anh Tấn thì mang gạo về đến bìa rừng bị đạn địch bắn vào bụng, vết thương quá nặng nên không qua khỏi. Anh Tấn còn trẻ lắm, chỉ kịp trăng trối nhờ gửi thư và vài kỷ vật về cho mẹ ở quê nhà. Hôm ấy, trời mưa tầm tã, nước mắt, nước mưa hòa với máu tiễn đưa những người đồng đội của ông Kiến vĩnh viễn nằm lại nơi cánh rừng. Cũng chính trong túi chiếc áo này, ông Kiến đã ấp trong tim mình lá thư duy nhất mà ông có được của người vợ thân thương ở miền Bắc trong hơn 10 năm chiến đấu, dẫu tháng nào bà cũng đều đặn gửi thư cho ông.

…Và miếng đồng chữ nổi

Với cựu thủy thủ tàu không số Hồ Thăng Nhuận (phường Thọ Quang, Sơn Trà, Đà Nẵng), vật ông giữ mãi là miếng đồng chữ nổi có khắc tên HỒ THĂNG NHUẬN, HÒA QUÝ, HÒA VANG, ĐÀ NẴNG. “Ngày ấy, nhiệm vụ của tôi là chở cán bộ, chiến sĩ từ Quảng Đà theo đường sông, biển ra phía Cửa Tùng (Quảng Trị). Mỗi chiến sĩ trên tàu Không số khi bước xuống tàu đều đeo trên tay miếng đồng ghi tên tuổi, quê quán”, ông Nhuận nói. Kỷ vật ấy đã gắn bó với ông Nhuận suốt cả thời chiến đấu, chứng kiến những chiến công của ông và đồng đội như đợt chở 57 tấn thuốc nổ trên chuyến tàu không số đầu tiên ngày 14-5-1963, hay lúc giả tàu ngư dân để đánh lạc hướng địch... Mỗi khoảnh khắc vẫn còn vẹn nguyên, tươi mới trong ông để rồi mỗi lần mân mê trên cổ tay miếng đồng chữ nổi, ông lại nhớ về những đồng đội đã hy sinh, thấy mình may mắn và hạnh phúc còn được trở về, chứng kiến ngày hòa bình.

Chiến tranh đã lùi xa, có người còn, người mất, nhưng những chiến công của một thời máu lửa thì vẫn mãi trong những kỷ vật, những câu chuyện kể của người cựu chiến binh già và trong lòng các thế hệ mai sau.

Phương Trà
;
.
.
.
.
.