.

Bộ Công thương nói an toàn, tỉnh Quảng Nam vẫn lo lắng

.

(ĐNĐT) - Sau ban quản lý dự án, chủ đầu tư, EVN, đến lượt Bộ Công thương khẳng định đập thủy điện Sông Tranh 2 an toàn, trong khi tỉnh Quảng Nam vẫn bày tỏ lo lắng.

Nước chảy bên trong đường hầm đập thủy điện
Nước chảy bên trong đường hầm đập thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: Thanh Tuyền/ĐNĐT

Bộ Công thương nói an toàn

Tại cuộc họp báo diễn ra chiều tối 28-3 về công trình Thuỷ điện Sông Tranh 2, Bộ Công Thương cho biết, sau một thời gian khắc phục thì đến sáng 28-3 lượng nước chảy về hạ lưu đã giảm đáng kể từ mức 30ml/s xuống còn 8ml/s và chứng tỏ các biện pháp xử lý thời gian qua đã tỏ ra hữu hiệu.

Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định hiện không thấy các vết nứt trên đập thủy điện và đập Sông Tranh 2 vẫn an toàn, cũng như không ảnh hưởng đến tài sản của người dân sống ở hạ lưu.

Thứ trưởng Vượng nhấn mạnh, khi xảy ra sự việc thì chủ đầu tư và nhà thầu thi công phải xem xét để xử lý, tiếp đến sẽ làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan.

"Mặc dù mức độ thấm chưa ảnh hưởng đến chất lượng công trình nhưng điều đó là không được phép theo thiết kế và Bộ Công Thương sẽ làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong thời gian tới," Thứ trưởng Vượng cho hay.

Bộ Công Thương yêu cầu EVN  khẩn trương khắc phục triệt để việc thấm qua các khe nhiệt ra hạ lưu phải hoàn thành trước 15-4-2012 và đặt an toàn của người dân lên trên hết.

Việc nghi ngờ chất lượng là do bêtông được ông Lê Văn Hùng, thường trực Hội đồng nghiệm thu nhà nước về các dự án đầu tư xây dựng giải thích, công nghệ  bêtông được sử dụng trong công trình thủy điện Sông Tranh 2 được áp dụng tiêu chuẩn Mỹ và là tính pháp lý khi triển khai dự án và toàn bộ bêtông này đã được kiểm tra trong quá trình thi công. "Nếu như chỉ thấm qua khe nhiệt thì cường độ bêtông chưa có vấn đề," ông Hùng nói.

Làm rõ hơn điều này, ông Nguyễn Cảnh Sơn, giám đốc tư vấn điện 1 cho rằng, từ năm 50-60 đến nay trên các nước có nhiều sự cố về thủy điện, nhưng với thủy điện Sông Tranh 2 dung trọng đập khi nghiệm thu đều vượt các chỉ tiêu thiết kế và trọng lượng không có vấn đề gì.

Khiếm khuyết ở thủy điện Sông Tranh 2 là lượng nước thấm hơi lớn nhưng việc khắc phục thời gian qua chưa đúng nên gây ra tràn qua hạ lưu.

"Trong trường hợp tràn qua hạ lưu thì vẫn có thể an toàn, nhưng lượng nước thấm không cho phép và phải mất hàng chục năm mới có thể ảnh hưởng đến chất lượng của đập," ông Sơn cho hay.

Quảng Nam vẫn lo

Trong cuộc họp báo, lãnh đạo Bộ Công Thương liên tục khẳng định đập an toàn, song ông Đoàn Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam vẫn còn nhiều lo lắng. "Nhân dân, chính quyền Quảng Nam vẫn còn nhiều lo lắng, nhất là các việc liên quan vừa qua như động đất rồi lại thấm nước. Lo lắng của người dân là đúng vì nó liên quan tới khoa học".

Theo ông Thu, các chuyên gia, nhà khoa học và EVN chưa có sự thống nhất. "Hôm nay ngồi đây, chúng ta nói thế này, nhưng các nhà khoa học lại nói khác. Chúng tôi mong rằng, cần sớm có đánh giá chính thức bằng văn bản của cơ quan chịu trách nhiệm về việc này để tỉnh Quảng Nam tuyên truyền cho nhân dân hiểu vấn đề”.

Cũng theo mong muốn của vị lãnh đạo địa phương này, "Cần có đánh giá một cách tổng thể lại, xem xét lại toàn bộ công trình đập sông Tranh 2 để có một giải pháp căn cơ hơn, xử lý các tình huống liên quan, trong đó có vấn đề động đất, làm sao đảm bảo công trình an toàn chắc chắn".

Ngoài ra, khi trả lời câu hỏi của phóng viên về độ an toàn tuyệt đối của đập, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng chưa thực sự tỏ ra chắc chắn vấn đề này: “Khi xây dựng một công trình, trong mọi trường hợp, chúng tôi đều nói phải đảm bảo độ an toàn cao nhất theo quy định. Tất nhiên, đòi hỏi đảm bảo độ an toàn tuyệt đối thì không ai dám nói. Đối với nhà máy điện hạt nhân là loại công trình đòi hỏi sự an toàn cao nhất nhưng không ai dám nói là đảm bảo an toàn tuyệt đối cả”.

Từ thực tế sự cố của Thủy điện Sông Tranh 2, ông Hoàng Xuân Hồng - Trưởng ban KHCN - Hội đập lớn và phát triển nguồn nước cho rằng, EVN cần nghiêm túc kiểm tra tất cả các hồ, đập thủy điện hiện có. Nếu có sự cố phải kịp thời cho xử lý, khắc phục. Cần có hội đồng tư vấn độc lập để đánh giá. Bởi trên thực tế, ngay cả Hội đồng nghiệm thu Nhà nước cũng bao gồm rất nhiều thành phần, trong đó, có cả những người không có chuyên môn về đập, về thủy lợi…

Ông Hoàng Xuân Hồng nêu quan điểm: “Với một cái đập lớn như thế này xảy ra các sự cố như vừa qua thì không có khả năng vỡ đập ngay được… Cho nên chưa vội tính chuyện sơ tán dân ở dưới. Nhưng nếu đảm bảo an toàn 100% thì cũng chưa thể khẳng định được bởi vì rất nhiều yếu tố kỹ thuật ở đây chưa được thẩm tra xem xét cẩn thận...”.

Theo TTXVN, VOV

;
.
.
.
.
.