.

Nhất thiết phải kiểm tra toàn bộ công trình thủy điện Sông Tranh 2

.

(ĐNĐT) - "Để có kết luận chính xác, khách quan thì phải mời đơn vị tư vấn độc lập, nếu cần thiết thì mời đơn vị tư vấn nước ngoài đưa máy móc hiện đại vào kiểm tra, quan trắc", Chánh văn phòng BCH PCLB&TKCN Quảng Nam nói về sự cố đập thủy điện Sông Tranh 2 .

27-3 ong Nguyen Minh Tuan 1.jpg
Ông Nguyễn Minh Tuấn

Đập thủy điện Sông Tranh 2 (Bắc Trà My, Quảng Nam) xảy ra sự cố rò rỉ nước ngoài thân đập từ nhiều ngày qua khiến dư luận rất quan tâm. Chủ đầu tư là EVN cho rằng, lưu lượng nước chảy 30l/s là cho phép, không ảnh hưởng đến an toàn đập. Hội đồng nghiệm thu Nhà nước về các công trình xây dựng lại cho rằng, lưu lượng như vậy là quá lớn, cần xử lý sớm. Các nhà khoa học lại cho rằng nước thẩm lậu qua thân đập và về hạ lưu là “có vấn đề”, đe dọa đến sự an toàn của đập. Trong khi đó, người dân Quảng Nam thì lo lắng, nếu sự cố vỡ đập xảy ra, họ phải làm gì?

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với kỹ sư thủy lợi Nguyễn Minh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, liên quan vấn đề này.

* Thưa ông, đập thủy điện Sông Tranh 2 thì đang chảy nước, trong khi chủ đầu tư là EVN vẫn lạc quan khi cho rằng công trình vẫn hoàn toàn “bình thường” và “an toàn”. Ông đánh giá vấn đề này như thế nào?

- An toàn hay không khó mà nói chính xác vì chưa có số liệu quan trắc đầy đủ. Tôi nghĩ rằng, để kết luận chính xác và khách quan, nhất thiết phải kiểm tra toàn bộ công trình bằng máy móc hiện đại xem có khuyết tật gì không, nước thẩm lậu và chảy ra phía hạ lưu từ đâu… chứ không thể kiểm tra bằng mắt thường rồi đưa ra kết luận được.

Khi chưa xác định được nước thẩm lậu từ đâu mà EVN kết luận như vậy là hơi vội vàng, chưa thuyết phục. Vì vậy, để có kết luận chính xác, khách quan thì phải mời đơn vị tư vấn độc lập, nếu cần thiết thì mời đơn vị tư vấn nước ngoài đưa máy móc hiện đại vào kiểm tra, quan trắc.

Chủ đầu tư quá chủ quan khi đánh giá tác động của động đất cũng như sự cố rò rỉ nước ở thân đập đối với đập thủy điện Sông Tranh 2. Theo lý thuyết, đập được thiết kế chịu đựng được động đất cấp 7 (5,9 độ richter), nhưng sau khi thi công thực tế, chất lượng công trình có đảm bảo, có chịu được ngưỡng động đất theo đúng thiết kế đó không? Muốn đánh giá được thì phải có máy móc hiện đại kiểm tra toàn diện.

* Trước đây là động đất đe dọa, giờ đây là đập thủy điện thẩm lậu chảy nước ở đập thủy điện Sông Tranh 2, tỉnh Quảng Nam đã tính đến điều xấu nhất xảy ra?

- Trước khi có động đất kích thích và hiện tượng rò rỉ nước qua thân đập, chưa ai nghĩ đến sự cố vỡ đập vì ai cũng nghĩ đây là công trình vĩnh cửu. Tuy nhiên, bây giờ người ta bắt đầu nghĩ đến việc đó.

Cần nhanh chóng xây dựng kịch bản ứng phó sự cố vỡ đập

* Trên thế giới, mỗi công trình nhà máy điện, kể cả nhà máy điện hạt nhân, có độ an toàn gần như là tuyệt đối, người ta vẫn xây dựng kịch bản ứng phó với sự cố vỡ (nổ). Ở Quảng Nam hiện có 43 dự án thủy điện được bố trí theo hệ bậc thang trên hai hệ thống sông Vu Gia và Thu Bồn, trong đó có nhiều thủy điện lớn đã đi vào hoạt động, vậy đã có kịch bản ứng phó nào được xây dựng?

- Hiện nay, Quảng Nam chưa có một kịch bản ứng phó sự cố vỡ đập thủy điện nào được xây dựng vì trước đây người ta không nghĩ đến việc đó. Muốn xây dựng kịch bản ứng phó sự cố cần phải có chuyên gia nghiên cứu, phải thí nghiệm mô hình thủy lực để tính, nếu vỡ đập chứa bao nhiêu khối nước thì ngập đến đâu, ảnh hưởng như thế nào, di dân ra làm sao,… Việc ấy chủ đầu tư cần phải chủ động thuê các đơn vị tư vấn xây dựng kịch bản chứ tầm tỉnh thì không đủ khả năng thực hiện.

Thường thì sự cố đập không phải diễn ra tức thời mà phải có quá trình, nên việc quan trắc đập trong khi vận hành là thường xuyên, trong đó trong quy chuẩn phải kiểm tra chuyển vị ngang – dọc – lún, tình trạng nứt, thay đổi nhiệt độ thân đập, lưu lượng thấm…nên đập vỡ là chuyện hiếm xảy ra. Tuy nhiên, hiếm không có nghĩa là không bao giờ xảy ra. Trong việc này, chủ dự án phải có trách nhiệm mời chuyên gia nghiên cứu và xây dựng kịch bản ứng phó sự cố vỡ đập để từ đó Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh mới có cơ sở xây dựng phương án sơ tán dân nếu sự cố xảy ra. Nếu không có kịch bản thì không thể xây dựng được phương án di dân.

27-3 Thuy dien Song Tranh 2.jpg
Nước chảy tứ tung trong đường hầm trong thân đập thủy điện Sông Tranh 2 (Ảnh: Thanh Tuyền)

Lâu nay vấn đề xây dựng kịch bản ứng phó sự cố vỡ đập thủy điện chưa được quan tâm đúng mức. Do vậy, đơn vị quản lý, chủ đầu tư các công trình thủy điện phải nghiên cứu tác động xả lũ, xây dựng kịch bản sự cố vỡ đập, tác động nó với hạ du ra sao. Nếu không làm thì đây là thiếu sót lớn.

Hiện nay trên địa bàn Quảng Nam, chỉ duy nhất hồ thủy lợi Phú Ninh (có sức chứa 340 triệu m3 nước, chỉ chưa bằng ½ sức chứa hồ thủy điện Sông Tranh 2 - PV) đang được xây dựng kịch bản đập vỡ.

* Xin lỗi, cho hỏi một câu với tâm trạng không lạc quan như EVN, nếu điều xấu nhất xảy ra ở đập thủy điện Sông Tranh 2?

- Nếu thế thì là thảm họa! Các địa phương dọc sông Thu Bồn như Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An sẽ là các địa phương ảnh hưởng rất lớn nếu có sự cố xảy ra.

Bất kỳ công trình nào đều phải đặt vấn đề an toàn tính mạng con người vùng hạ du lên hàng đầu. Vì vậy, thời gian đến, Quảng Nam đề nghị các chủ đầu tư khi thiết kế xây dựng thủy điện ngoài đáp ứng các yêu cầu bắt buộc hiện nay cần phải đáp ứng thêm yêu cầu bắt buộc nữa là phải xây dựng kịch bản ứng phó sự cố vỡ đập để từ đó địa phương làm cơ sở xây dựng phương án PCLB&TKCN và di dân khi cần thiết.

Tuy nhiên, do thủy điện ở Quảng Nam bố trí theo bậc thang nên cần phải xây dựng kịch bản ứng phó sự cố vỡ đập liên hồ trên cùng một nhánh sông liên quan.

THANH TUYỀN (thực hiện)

Khẩn trương khắc phục triệt để nước thấm

Chiều 27-3, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về kết quả kiểm tra và giải pháp khắc phục việc thấm nước qua đập thủy điện Sông Tranh 2.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các đơn vị liên quan cần khẩn trương khắc phục triệt để hiện tượng này để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc xử lý lúng túng, thiếu chuyên nghiệp và không thông tin kịp thời, đầy đủ, rõ ràng cho các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian qua.

Để đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du, Phó Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, EVN cần huy động tối đa công suất của Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 để hạ mực nước hồ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xử lý thấm đạt hiệu quả.

EVN phải chỉ đạo các đơn vị có liên quan quan trắc thường xuyên, cập nhật và xử lý các số liệu đo đạc để phân tích đánh giá kịp thời, làm cơ sở cho công tác xử lý thấm và nghiệm thu.

Đồng thời, chỉ đạo Ban Quản lý dự án, Tư vấn thiết kế và Tổng thầu thi công khẩn trương khắc phục triệt để hiện tượng nước thấm tràn qua mái đập hạ lưu. Tiếp tục theo dõi, đánh giá nguyên nhân, tình trạng thấm để xây dựng các giải pháp xử lý tổng thể giảm lưu lượng thấm về mức tối thiểu, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình.

Trong quá trình xử lý thấm của đập thủy điện Sông Tranh 2, EVN và các đơn vị có liên quan phải thường xuyên báo cáo Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước, Bộ Công Thương để phối hợp chỉ đạo chặt chẽ.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước, EVN cử các chuyên gia có trách nhiệm vào hiện trường, trực tiếp chỉ đạo, giám sát việc thực hiện các giải pháp nêu trên. Chủ trì phối hợp với Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước, EVN tổ chức họp báo công bố kết quả kiểm tra và các giải pháp khắc phục việc thấm nước qua đập thủy điện Sông Tranh 2 để cung cấp đầy đủ thông tin cho toàn xã hội thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng sớm có kết luận về kết quả kiểm tra an toàn đập thủy điện Sông Tranh 2.

CHINHPHU.VN

 

;
.
.
.
.
.