(ĐNĐT)- Hàng nghìn hecta đất trồng lúa của địa bàn huyện Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng) tới nay đã được cày ải và một số đã được gieo sạ, nhưng vẫn còn không ít diện tích đang bị thiếu nước trầm trọng. Người dân lo lắng bởi việc này sẽ khiến cho vụ lúa Hè thu năm nay trễ nãi, ảnh hưởng lớn đến năng suất.
Đồng khô nứt nẻ chờ nước
Cánh đồng trồng lúa của thôn Dương Sơn (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) vẫn đang khô trắng chờ nước mặc dù chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc vụ Hè thu theo lịch sản xuất. (Ảnh chụp chiều 22-5). |
Trưa 22-5, chạy dọc một số cánh đồng thuộc các xã Hòa Tiến, Hòa Phong (huyện Hòa Vang), chúng tôi vẫn thấy nhiều nơi trơ những đám ruộng với từng tảng đất cục đã được cày lật lên một màu trắng toát vì khô hạn. Các cánh đồng thưa vắng bóng người.
Ông Đặng Văn Quang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Tiến, cho biết hiện toàn xã mới có 150/500 hecta có nước đổ ải và gieo sạ. Riêng thôn Dương Sơn và Cẩm Nê là hai nơi ở xa kênh nên đến nay chưa có một giọt nước nào. “Người dân nơi đây có nguy cơ bị trễ cả một tuần so với lịch thời vụ”, ông Quang nói.
Dẫn chúng tôi đi quanh khu đồng thuộc thôn Dương Sơn, ông Nguyễn Viết Lò, Chi Hội trưởng Hội Nông dân thôn Dương Sơn, lắc đầu ngao ngán: “Toàn thôn có 38 mẫu ruộng đang trong tình trạng khô hạn, thiếu nước trầm trọng vì cánh đồng nằm ở cuối kênh. Nếu không có nước để gieo sạ cho kịp thời vụ thì sẽ kéo theo nhiều nỗi lo khác nữa”.
Cái lo kéo theo mà ông Lò nói, là việc gieo sạ bị muộn thời vụ thì chắc chắn năng suất sẽ giảm, sau đó đến khi được thu hoạch cũng bị rơi vào dịp mưa bão, ngập lụt; lúa gặt về không có chỗ phơi, lên mầm hết thì chỉ còn nước bỏ đi, vì theo ông “có cho heo ăn hắn cũng ngán”. Cũng theo lời ông Lò, không chỉ riêng vụ Hè thu này thiếu nước, mà ngay cả vụ Đông xuân ở đây cũng vẫn bị thiếu. Điều này không chỉ làm cho lúa cháy khô, mà ngay cả hoa màu cũng ảnh hưởng lớn.
Ngay cả khu vực được coi là thấp nhất của thôn Dương Sơn là hồ sen (nằm ngay cạnh cánh đồng trồng lúa của thôn) cũng bị nứt nẻ vì không có một giọt nước (Ảnh: Đắc Mạnh) |
Sự lo lắng nói trên không phải của riêng ông Lò, mà đó là nỗi lo chung của tất cả các hộ dân nơi đây.
Lúi húi dắt con trâu mộng giữa cánh đồng khô cháy nắng, lão nông Nguyễn Xuân Tàu (thôn Dương Sơn) buồn bã: “Như mọi năm vào dịp này là tui với hắn (con trâu–PV) đang phải làm cật lực chứ làm chi được rảnh rang như ri. Năm ni không hiểu răng nước thiếu quá, chắc lúa lại kém năng suất rồi. Nhà có 5 sào mà tới giờ chưa gieo sạ được hạt nào”.
Sở dĩ lão nông nói làm cật lực mỗi khi vào vụ, là vì cả thôn Dương Sơn chỉ có mình lão nuôi được một con trâu mộng dùng để cày bừa thuê. Lão nói, vụ Hè thu này đất khô và cứng quá nên nhà nào cũng phải thuê máy cày ải, còn con trâu của lão chỉ cho thuê bừa. Nhưng tới giờ, cả cánh đồng của thôn vẫn khô khốc một màu trắng như muối rang nên lão thảnh thơi cho trâu tranh thủ đi gặm miếng cỏ tươi trong khi chờ nước về. “Nếu mấy cánh đồng phía dưới họ làm xong thì may ra nước mới tới nơi, mà chắc có nhanh cũng phải chừng hơn 10 ngày nữa”, lão Tàu nói.
Cũng như lão nông Tàu, mọi người trong gia đình bà Đặng Thị Ba (thôn Dương Sơn) cũng đang đứng ngồi trên lửa, bởi nhà bà có 6 sào lúa mà tới giờ vẫn chưa gieo sạ được một hạt nào. “Những năm trước độ này là tui gieo sạ gần xong cả rồi, mà không hiểu năm ni làm răng mà hạn hán nặng quá. Chờ nước mãi mà chưa tới nơi để làm, nóng hết cả ruột gan”, bà Ba thở dài.
Bà Ba nói tiếp: “Công làm đất, tiền phân bón… cái gì cũng tăng giá, nhưng hạt lúa làm ra bao khó khăn nhưng cũng chẳng tăng lên đồng nào. Chỉ nông dân là khổ cực đủ đường”.
Ông Bùi Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Phong, cho hay đến nay toàn xã đã có hơn 70% diện tích được đổ ải. Nhiều nơi đã đưa nước về phục vụ cho gieo sạ nhưng vẫn còn chậm, đặc biệt là ở thôn Bồ Bản và thôn Cẩm Toại vì đây là hai thôn nằm cuối kênh nên khó lấy nước.
Khuyến cáo nông dân dùng giống ngắn ngày
Theo báo cáo tiến độ triển khai sản xuất vụ Hè thu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Hòa Vang, tính đến ngày 21-5 toàn huyện đã giải phóng được 2.399,3/2.598,3 hecta đất (đạt tỷ lệ 92,3%), trong đó diện tích đã gieo sạ là 644 hecta.
Lão nông Nguyễn Xuân Tàu cùng con trâu duy nhất của thôn Dương Sơn giữa cánh đồng khô hạn chờ nước về để gieo sạ vụ Hè thu (Ảnh: Đắc Mạnh) |
Về nguồn nước tưới, theo chỉ đạo của Sở NN&PTNN, lịch mở nước bắt đầu từ ngày 12-5. Tuy nhiên, theo ông Lê Đình Ca, Phó Phòng NN&PTNT huyện Hòa Vang, do nắng nóng kéo dài, cường độ bốc hơi lớn nên nước xuống chậm.
Thời vụ gieo sạ của vụ Hè thu bắt đầu từ ngày 15-5 và kết thúc là ngày 31-5. Tính đến ngày 21-5, hiện còn các thôn Dương Sơn (xã Hòa Tiến), các thôn Quan Nam 4, Vân Dương 2, Trường Định (xã Hòa Liên) còn thiếu nước; Hợp tác xã Hòa Nhơn 3 (xã Hòa Nhơn) nước về chậm nên gặp nhiều khó khăn trong sản xuất vụ Hè thu.
Theo ông Ca, hiện nay Hội Nông dân huyện cũng đã có khuyến cáo người dân nên đưa giống ngắn ngày như TBR45, SH2, HT1… vào gieo sạ để đảm bảo kịp thời vụ. Hiện Trung tâm khuyến ngư-nông-lâm đã hỗ trợ 1.800kg giống lúa TBR45 và 1.000kg giống SH2 cho các địa phương và các Hợp tác xã sản xuất vụ Hè thu.
Phòng NN&PTNT huyện Hòa Vang cũng cho biết, Phòng cũng đã có đề nghị Sở NN&PTNT chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi Đà Nẵng tăng cường công tác tưới tiêu đảm bảo cho các địa phương tổ chức gieo sạ kết thúc đúng lịch thời vụ. Đồng thời đề nghị các địa phương chỉ đạo thôn, tổ thủy nông tăng cường công tác quản lý, phân phối hợp lý nước ở các vùng, đảm bảo tưới tiết kiệm.
Thủy điện đang "bức tử" dòng sông
Trao đổi với chúng tôi ngày 24-5, ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng, cho biết ngoài nguyên nhân thời tiết đang khô hạn trên diện rộng, thủy điện Đăk Mi 4 là một nguyên nhân chính khiến sông Vu Gia, sông chính đổ nước về Đà Nẵng, đang thiếu nước nghiêm trọng.
Ông Thắng cho biết, thành phố Đà Nẵng đang đấu tranh quyết liệt với Công ty Phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO), chủ đầu tư thủy điện Đăk Mi 4, yêu cầu nhanh chóng xả nước về sông Vu Gia để cứu những cánh đồng đang khô hạn ở Đà Nẵng.
"Chúng tôi quyết liệt đấu tranh đến cùng với IDICO để đảm bảo trả nước về sông Vu Gia. Chủ đầu tư thủy điện Đăk Mi 4 phải xây dựng cống thoát nước qua thân đập chính để xả nước ra sông Đăk Mi (còn gọi là sông Cái-PV), nhánh sông chính của sông Vu Gia để trả nước về vùng hạ du. Đồng thời, yêu cầu thủy điện Đăk Mi 4 phải thực hiện xả nước về sông Vu Gia ít nhất đạt 23m3/giây theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải", ông Thắng nói.
Khi xây dựng thủy điện Đăk Mi 4, chủ đầu tư đã không thực hiện nguyên tắc trả nước về về sông cũ như như các thủy điện khác ở vùng thượng lưu sông Vu Gia mà lại chuyển nước về sông Thu Bồn để phát điện nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Chính cách làm đặt lợi nhuận lên trên hết này đã khiến cho vùng hạ du sông Vu Gia thiếu nước nghiêm trọng trong mùa hạn hán, có thể dẫn tới thảm họa môi trường và bất ổn xã hội.
Đề nghị 4 thủy điện xả nước Trước tình hình mực nước vùng hạ du hai hệ thống sông Vu Gia, Thu Bồn xuống thấp khiến nước mặn xâm nhập sâu, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam đã đề nghị 4 thủy điện Sông Tranh 2, A Vương, Đắk Mi 4 và Sông Côn phải tiến hành xả nước giải hạn.
Theo đó, hồ thủy điện A Vương phát điện 1 tổ máy với lưu lượng xả từ 30-39 m3/s, thời gian chạy máy phải liên tục trên 16 giờ/mỗi ngày; hồ thủy điện Sông Tranh 2 phát điện 1 tổ máy với lưu lượng xả từ 80-120 m3/s, thời gian chạy máy phải liên tục 24 giờ/mỗi ngày; hồ thủy điện Sông Côn phát điện 2 tổ máy với lưu lượng xả từ 16-20 m3/s, thời gian chạy máy phải liên tục trên 8 giờ/mỗi ngày; hồ thủy điện Đăk Mi 4 phát điện 1 tổ máy với lưu lượng từ 40-50 m3/s, thời gian chạy máy phải liên tục trên 16 giờ/ngày. Ngoài ra, đối với hồ thủy điện ĐăkMi 4, chủ đầu tư phải thực hiện xả qua cống xả sâu tại đập chính bổ sung nước về sông Vu Gia với lưu lượng xả phải lớn hơn hoặc bằng lưu lượng nước về hồ tương ứng thời điểm xả nước. |
Đắc Mạnh - Thảo Đà Nam