Số lượng các dự án gặp khó khăn trả nợ không nhiều, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ trả lời chất vấn của đại biểu xung quanh các dự án được Chính phủ bảo lãnh vay vốn nước ngoài.
Theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, Chính phủ cấp bảo lãnh cho các doanh nghiệp là một nghiệp vụ thông thường, được thực hiện theo một quy trình thủ tục chặt chẽ và phù hợp với pháp luật hiện hành. |
Dẫn nhiều con số đáng lưu ý theo báo cáo kiểm toán năm 2011, đại biểu Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) nêu: đến ngày 31-12-2010 cả nước có 62 dự án được Chính phủ bảo lãnh vay vốn nước ngoài, trong đó có 35 dự án chưa có đăng ký tài sản thế chấp theo quy định, 39/62 dự án được bảo lãnh không có báo cáo, 26/62 dự án báo cáo nhưng không đầy đủ. Trong khi số tiền Bộ ứng trả nợ thay cho các doanh nghiệp ngày càng tăng qua các năm, kho bạc nhà nước chưa cung cấp được số liệu về tình hình vay, trả, dư nợ… về nợ trong nước của Chính phủ.
Việc bảo lãnh cho vay như vậy có đúng các quy định của nhà nước không? Bảo lãnh cho vay, ứng vốn trả nợ thay, quản lý cho vay như trên có sự rủi ro cho ngân sách nhà nước không? Và nếu rủi ro thiệt hại cho ngân sách nhà nước thì trách nhiệm thuộc về ai? Bộ trưởng có giải pháp gì khắc phục tình trạng trên?, đại biểu Huệ chất vấn.
Chính phủ cấp bảo lãnh cho các doanh nghiệp là một nghiệp vụ thông thường, được thực hiện theo một quy trình thủ tục chặt chẽ và phù hợp với pháp luật hiện hành, Bộ trưởng Vương Đình Huệ khẳng định.
Trong 62 dự án được đại biểu nêu, ông Huệ phân tích, có 27 dự án được cấp bảo lãnh Chính phủ trước khi có quy định về thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay được Chính phủ bảo lãnh nên chủ dự án không phải làm thủ tục thế chấp tài sản. 35 dự án còn lại có đến 34 dự án đang trong quá trình rút vốn hoặc đã rút hết vốn nhưng chưa nghiệm thu chính thức dự án, do đó chưa hoàn thiện danh mục tài sản hình thành từ vốn vay được Chính phủ bảo lãnh để thực hiện đăng ký tài sản đảm bảo.
Trên thực tế, Bộ trưởng cho biết, mặc dù đã có một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong thời gian qua (lĩnh vực xi măng và giấy) nhưng các khó khăn này là tạm thời. Chỉ có 7/107 dự án tương đương với gần 6,54% tổng số dự án được bảo lãnh gặp khó khăn trả nợ. Các doanh nghiệp vẫn trả nợ cho ngân sách nhà nước sau khi đã giải quyết được các khó khăn tài chính và ngân sách nhà nước chưa phải trả nợ thay cho bất cứ dự án nào.
Về trách nhiệm khi có rủi ro, ông Huệ trả lời trước hết thuộc về doanh nghiệp và chủ đầu tư, cơ quan chủ quản cũng có trách nhiệm trong khâu phê duyệt dự án. Các cơ quan liên quan cũng có phần trách nhiệm như Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành chính sách tỷ giá và cân đối ngoại tệ cho doanh nghiệp khi trả nợ, Bộ Tài chính là cơ quan thẩm định phương án trả nợ khi xem xét cấp bảo lãnh và thực hiện giám sát dự án được bảo lãnh…
Nhiều giải pháp để khắc phục rủi ro cũng được Bộ trưởng Huệ cho biết tại văn bản trả lời chất vấn. Như hàng năm Bộ Tài chính xây dựng hạn mức bảo lãnh trình Thủ tướng phê duyệt để đảm bảo việc bảo lãnh nằm trong giới hạn an toàn nợ quốc gia. Thực hiện nghiêm ngặt việc thẩm định hồ sơ cấp bảo lãnh và phương án trả nợ của doanh nghiệp, đặc biệt là xem xét chặt chẽ các yêu cầu về chỉ số tài chính của doanh nghiệp khi xem xét cấp bảo lãnh.
Bên cạnh phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp trong quá trình đàm phán hợp đồng vay vốn để đạt được điều kiện hợp lý trong từng thời điểm, Bộ định kỳ kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp trong việc báo cáo tình hình và trả nợ vay, Bộ trưởng Huệ trả lời.
Theo VnEconomy