.
Hoạt động kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII

Đất đai, môi trường, Vinalines làm “nóng” diễn đàn Quốc hội

.

Vụ việc ở Tiên Lãng (Hải Phòng), Văn Giang (Hưng Yên), Vinalines thua lỗ và nguy cơ gây thất thoát hàng chục ngàn tỷ đồng là những vấn đề được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chất vấn.

“Vụ xảy ra ở Tiên Lãng là bài học rất sâu sắc”

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang trả lời chất vấn. Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang trả lời chất vấn. Ảnh: TTXVN

Là thành viên Chính phủ đầu tiên trả lời chất vấn vào sáng 13-6 về những bức xúc liên quan đến vụ việc thu hồi đất tại Tiên Lãng (Hải Phòng), Văn Giang (Hưng Yên) và vụ việc ở Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang nói: “Việc xảy ra ở Tiên Lãng là bài học rất sâu sắc với những người làm công tác quản lý đất đai chúng tôi, nhưng không lo sự việc sẽ lan tràn ra nhiều địa phương”.

ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho rằng, việc thu hồi đất thời gian qua có nhiều bất cập, gây nhiều bức xúc trong dân. Đây là vấn đề đã, đang và sẽ tiếp tục rất nóng trong khi các cố gắng, giải pháp tham mưu của Bộ Tài nguyên - Môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình thực tế. Theo ĐB Sơn, người đứng đầu ngành cần đưa ra một hướng giải quyết các bất cập.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang xác nhận: “Đất đai đúng là vấn đề đang đặt ra khá bức bách hiện nay đối với công tác quản lý trực tiếp tài nguyên này”. Bộ trưởng cho rằng, giải quyết những vấn đề phức tạp trong thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng không đơn giản vì đất đai trong thời kinh tế thị trường là hàng hóa có giá trị, rất nóng. Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, Bộ trưởng Quang phân tích: Việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư chưa bảo đảm dân chủ, công khai, bình đẳng khi tiến hành. Mặt khác, khi tiến hành thu hồi, giải phóng mặt bằng, chính quyền cũng chưa kiên quyết, chưa cân bằng giữa lợi ích Nhà nước với lợi ích người bị thu hồi đất. Giá đất bồi thường còn thấp. Hiện cũng chưa có quy định bắt buộc xây dựng khu tái định cư, tạo việc làm mới, chuyển nghề cho người bị thu hồi. Năng lực của lực lượng thực hiện việc thu hồi đất còn hạn chế…

ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đặt vấn đề: 70% đơn thư khiếu nại liên quan đến đất đai, chủ yếu là đền bù, giải phóng mặt bằng. Đó là những vấn đề bức xúc nhất dẫn đến nhiều cuộc khiếu kiện kéo dài. “Tại sao sau khi có kết quả giải quyết, hơn 90% người dân vẫn tiếp tục khiếu nại? Làm gì để tham mưu Chính phủ giải quyết những điểm nóng đất đai, nhất là những vụ kéo dài thời gian qua”, ĐB Kim Bé chất vấn. Bộ trưởng Quang thừa nhận: Số vụ khiếu kiện kéo dài còn nhiều, còn hơn 500 đơn và sắp tới cần tập trung các địa phương, cơ quan Trung ương để giải quyết dứt điểm những vụ việc kéo dài này.

 Đi vào một số vụ việc thu hồi đất gây bức xúc xảy ra vừa qua như vụ Tiên Lãng (Hải Phòng), vụ Văn Giang (Hưng Yên), vụ 2 mẹ con khỏa thân để phản ứng tại Cần Thơ, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) yêu cầu Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang khẳng định thời điểm cụ thể giải quyết xong vụ việc. ĐB An lo ngại những vụ việc kiểu này có thể lan ra, gây phức tạp tình hình cả nước.

Theo Bộ trưởng Quang, để xảy ra những vụ việc ở Tiên Lãng, Văn Giang, Cần Thơ… là rất đáng tiếc, việc giải quyết phải theo hướng làm rõ trách nhiệm của cơ quan chức năng cũng như người sử dụng đất.

Còn vụ việc tại Văn Giang, Bộ trưởng Quang cung cấp thông tin: Đây là dự án khu đô thị thương mại với diện tích khoảng 500ha, kế hoạch kéo dài đến năm 2020. Việc Hưng Yên tổ chức cưỡng chế thu hồi hơn 5ha đất của hơn 160 hộ dân vừa qua là thực thi pháp luật về đất đai. Bộ Tài nguyên - Môi trường đã cử đoàn cán bộ xuống xem xét, ghi nhận người dân không kêu ca về chính sách hỗ trợ mà đề nghị Thủ tướng Chính phủ thu hẹp diện tích dự án.

“Không hy sinh môi trường vì mọi giá”

Cũng trong phiên chất vấn, Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường đã trả lời các câu hỏi về tình trạng ô nhiễm môi trường các lưu vực sông và làng nghề, khu công nghiệp. ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) hỏi: Bao giờ các dòng sông xanh trở lại? Bao giờ người dân được sống sạch sẽ, trong lành? Các giải pháp đột phá của Bộ đối với vấn đề này? Theo Bộ trưởng, đây là vấn đề bức bách, nan giải, nhưng trong bối cảnh nguồn lực cho lĩnh vực này có hạn; ý thức của người dân và doanh nghiệp có lúc có nơi còn hạn chế; việc xả thải lại liên quan đến nhiều đối tượng, quan điểm của Bộ là “không hy sinh môi trường vì mọi giá”. Vấn đề đặt ra hiện nay là phải làm tốt công tác thẩm định theo Luật Tài nguyên môi trường, xử phạt nghiêm vi phạm... Bộ sẽ tiếp tục kiểm tra và có biện pháp, nếu khu công nghiệp không có hệ thống xử lý nước thải, chất thải sẽ không cho hoạt động.

Về quản lý ô nhiễm môi trường làng nghề như chất vấn của đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), Bộ trưởng cho rằng, quá trình sản xuất tại các làng nghề mang tính tự phát, thực tế tổ chức thực hiện, giám sát, kiểm tra, xử phạt, hỗ trợ chưa được thực hiện tốt... nên đây vẫn là vấn đề hết sức khó khăn. Trách nhiệm là của UBND các cấp, trong đó trực tiếp là UBND cấp xã và chỉ đạo của tỉnh, của Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ liên quan.

Liên quan đến việc phục hồi các dòng sông chết, Bộ trưởng khẳng định quyết tâm “làm xanh lại” nhưng trong thời gian bao lâu thì chưa thể nói trước. Tuy nhiên, theo lộ trình, đến năm 2020, không thể không giải quyết các vấn đề cơ bản về bảo vệ môi trường. Theo Bộ trưởng, các vấn đề phục hồi các dòng sông chết, xả nước ở các công trình thủy điện làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái... cần được quan tâm, trong đó có phần trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường khi thẩm định, đánh giá tác động. Cùng với đó, trách nhiệm là của các địa phương, tăng cường ý thức của người dân và doanh nghiệp và công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Các tập đoàn không báo cáo nên Bộ không biết

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trả lời chất vấn. 		     Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trả lời chất vấn.                             Ảnh: TTXVN

Là thành viên thứ 2 của Chính phủ đăng đàn trong phiên chất vấn vào chiều 13-6, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhận được nhiều chất vấn xung quanh việc bảo đảm thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, tái cơ cấu nền kinh tế, việc giám sát các tập đoàn, tổng công ty cũng như quản lý các dự án sử dụng vốn ODA…

Trả lời thắc mắc của ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) xung quanh những sai phạm gần đây tại các tập đoàn, tổng công ty, Bộ trưởng Vinh cho rằng về nguyên tắc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các cơ quan khác của Chính phủ đều có trách nhiệm trong những vụ việc này. Theo giải thích của Bộ trưởng, về nguyên tắc có trách nhiệm của các Bộ. Nhưng theo quy định pháp luật, doanh nghiệp được quyền tự quyết định các dự án của mình cho nên tập đoàn, tổng công ty không báo cáo và thật sự Bộ Kế hoạch - Đầu tư không nắm được.

Cũng theo Bộ trưởng, vướng mắc lớn nhất hiện nay đối với giám sát các tập đoàn, tổng công ty là mâu thuẫn giữa việc thực hiện vai trò quản lý Nhà nước và chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp. Văn bản hướng dẫn thực tế đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành từ năm 2010 nhưng do còn nhiều ý kiến khác nhau nên tại thời điểm đó, Chính phủ đã cho dừng lại để nghiên cứu.

Cũng trả lời câu hỏi về trách nhiệm của Vinalines, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng, các kế hoạch của các tập đoàn kinh tế Nhà nước 5 năm đều được Thủ tướng phê duyệt. Và tương tự Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính cũng lúng túng trong vai trò quản lý Nhà nước với các doanh nghiệp. “Luật quy định chưa rõ ràng” - Bộ trưởng Huệ nói. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Huệ còn cho rằng, thiếu cơ quan đánh giá hiệu quả các tổng công ty Nhà nước và vai trò giám sát quản lý của Nhà nước còn quá lỏng lẻo nên mới xảy ra sai phạm.

Liên quan đến nghi vấn sai phạm 3 dự án ODA của Đan Mạch, trả lời chất vấn của ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thừa nhận rằng có thông tin về những sai phạm này tại dự án của Bộ Khoa học - Công nghệ và Bộ NN&PTNT, hiện Bộ cũng đang chấn chỉnh lại. Tuy nhiên, hiện nay Đại sứ quán Đan Mạch chỉ tạm ngưng dự án chứ không ngưng hẳn các dự án ODA. Bộ trưởng cam kết: “Vi phạm đến đâu sẽ xem xét và xử lý nghiêm”.

T.K tổng hợp

;
.
.
.
.
.