Bài 2: Liên minh chiến đấu
TIN LIÊN QUAN
Sau khi giành lại được chính quyền, Chính phủ 2 nước đã ký Hiệp ước tương trợ Lào - Việt (ngày 16-10-1945) và Hiệp định về tổ chức Liên quân Lào - Việt (ngày 30-10-1945), đặt cơ sở pháp lý đầu tiên cho sự hợp tác, giúp đỡ và liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung của hai dân tộc Việt Nam - Lào.
Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, rồi mở rộng chiến tranh ra toàn cõi Đông Dương. Trước nguy cơ tồn vong nền độc lập dân tộc của ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, ngày 25-11-1945, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc để chỉ đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc của 3 nước Đông Dương. Chỉ thị chủ trương “Thống nhất mặt trận Việt - Miên - Lào chống Pháp xâm lược”.
Trong những năm 1945 - 1948, liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào từng bước được hình thành, phát triển và thu được nhiều kết quả, góp phần thúc đẩy quan hệ đoàn kết chiến đấu Việt - Lào gắn bó mật thiết hơn. Ngày 30-10-1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định các lực lượng quân sự của Việt Nam được cử làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào tổ chức thành hệ thống riêng và lấy danh nghĩa là Quân tình nguyện.
Sau Đại hội lần thứ II Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 2-1951) thông qua Nghị quyết về đường lối, nhiệm vụ chung và đề ra chủ trương xây dựng ở mỗi nước một Đảng cách mạng, ngày 11-3-1951, Hội nghị liên minh nhân dân ba nước Đông Dương đã thảo luận và nhất trí thành lập khối liên minh nhân dân Việt Nam - Lào - Campuchia theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, tương trợ và tôn trọng chủ quyền của nhau, cùng nhau đánh đuổi thực dân, đế quốc xâm lược, giành độc lập thực sự cho nhân dân Đông Dương. Đây là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, tạo cơ sở nâng cao quan hệ đoàn kết và phối hợp chiến đấu giữa nhân dân 3 nước, là đòn giáng mạnh mẽ vào chính sách “chia để trị” của bọn thực dân, đế quốc.
Lần lượt sau chiến thắng Trung - Hạ Lào và chiến thắng lịch sử của Chiến dịch Điện Biên Phủ dẫn đến Hội nghị Giơ-ne-vơ (21-7-1954) về chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương, nước Pháp và các nước tham gia hội nghị cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Campuchia. Với việc ký kết này, cách mạng hai nước Việt Nam và Lào bước vào thời kỳ mới: thời kỳ tập trung xây dựng lực lượng, đẩy mạnh đấu tranh để giữ vững hòa bình và giành độc lập, thống nhất ở mỗi nước.
Tháng 6-1959, trước sự can thiệp trắng trợn của đế quốc Mỹ vào Lào, Hội nghị Trung ương Đảng Nhân dân Lào xác định cuộc đấu tranh chuyển sang giai đoạn đấu tranh vũ trang là chủ yếu, kết hợp với các hình thức đấu tranh khác. Thống nhất quan điểm này, tháng 7-1959, Đảng Lao động Việt Nam đề ra chủ trương chi viện cho cách mạng Lào và coi đây là nhiệm vụ quốc tế hết sức quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với cách mạng Việt Nam.
Do bị thất bại nặng nề và liên tiếp trên các mặt trận, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Viêng Chăn phải thành lập Chính phủ liên hiệp dân tộc lần thứ 2, có lực lượng Pathét Lào tham gia (ngày 12-6-1962) và ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ (23-7-1962) công nhận nền độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Lào.
Sau Hiệp định này, ngày 5-9-1962, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Chính phủ Vương quốc Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Ngày 22-6-1965, Đảng Lao động Việt Nam hội đàm với Đảng Nhân dân Lào thống nhất các nội dung phối hợp và giúp đỡ lẫn nhau, trong đó tập trung giúp Lào xây dựng vùng giải phóng về mọi mặt với quy mô một quốc gia, xây dựng lực lượng vũ trang.
Trên cơ sở đó, hai Đảng, hai Chính phủ cũng như nhân dân hai nước đã có sự phối hợp, hợp tác, giúp đỡ trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, toàn vẹn lãnh thổ.
Trước thắng lợi dồn dập, to lớn của nhân dân Việt Nam, Campuchia trong tháng 4-1975, nhất là Chiến thắng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (ngày 30-4-1975) của nhân dân Việt Nam, Đảng Nhân dân cách mạng Lào quyết định nổi dậy đoạt lấy chính quyền và giành thắng lợi hoàn toàn.
Việc nước Cộng hòa DCND Lào ra đời ngày 2-12-1975 là thắng lợi to lớn, triệt để của nhân dân các bộ tộc Lào, đồng thời cũng là thắng lợi quan trọng của mối quan hệ đặc biệt, liên minh đoàn kết chiến đấu, thủy chung, son sắt giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào.
(Còn tiếp)
N.T (tổng hợp)