Quyển 165: “Năm Bính Thân, niên hiệu Minh Mệnh thứ 17 (1836), mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 1... Bộ Công tâu: Cương giới mặt biển nước ta có xứ Hoàng Sa rất là hiểm yếu. Trước kia, đã phái vẽ bản đồ mà hình thể nó xa rộng, mới chỉ được một nơi, cũng chưa rõ ràng. Hằng năm, nên phái người đi dò xét cho khắp để thuộc đường biển. Từ năm nay trở về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng giêng, xin phái thủy quân và vệ Giám thành đáp một chiếc thuyền ô, nhằm thượng tuần tháng hai thì đến Quảng Ngãi, bắt hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định thuê 4 chiếc thuyền của dân, hướng dẫn ra đúng xứ Hoàng Sa, không cứ là đảo nào, hòn nào, bãi cát nào; khi thuyền đi đến, cũng xét xem xứ ấy chiều dài, chiều ngang, chiều cao, chiều rộng, chu vi, và nước biển xung quanh nông hay sâu, có bãi ngầm, đá ngầm hay không, hình thể hiểm trở, binh dị thế nào, phải tường tất đo đạc, vẽ thành bản đồ. Lại xét ngày khởi hành, từ cửa biển nào ra khơi, nhằm phương hướng nào đi đến xứ ấy, căn cứ vào đường đi, tính ước được bao nhiêu dặm. Lại từ xứ ấy, trông vào bờ biển, đối thẳng vào là tỉnh hạt nào, phương hướng nào, đối chênh chếch là tỉnh hạt nào, phương hướng nào, cách bờ biển chừng bao nhiêu dặm. Nhất nhất nói rõ, đem về dâng trình”.
“Vua y lời tâu, phái Suất đội Thủy quân Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền đi, chuẩn cho mang theo 10 cái bài gỗ, đến nơi đó dựng làm dấu ghi (mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc, mặt bài khắc những chữ “Minh Mệnh thứ 17, năm Bính Thân, thủy quân Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật, vâng mệnh đi Hoàng Sa trông nom đo đạc đến đây lưu dấu để ghi nhớ”).
Cũng trong Đại Nam thực lục chính biên có ghi, năm 1847 Bộ Công đệ trình lên vua Thiệu Trị tờ Tâu, trong đó có viết: Xứ Hoàng Sa thuộc vùng biển nước ta. Theo lệ hằng năm có phái binh thuyền ra xem xét thông thuộc đường biển. Năm nay bận nhiều công việc xin hoãn đến năm sau. Vua Thiệu Trị đã phê: “Đình”.
(Còn nữa)