.
DANH HIỆU ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN

Sáng nay 20-7, UBND TP Đà Nẵng tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân

.

Ngày 27-4-2012, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trương Tấn Sang đã ký Quyết định số 543/QĐ-CTN và Quyết định số 544/QĐ-CTN về việc phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 58 cá nhân và 57 tập thể trên toàn quốc vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Thành phố Đà Nẵng vinh dự có 6 cá nhân và 2 tập thể được phong tặng và truy tặng danh hiệu cao quý này, gồm: Liệt sĩ Mai Đăng Chơn, nguyên Phó Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà; liệt sĩ Phạm Như Hiền (Kim), nguyên Phó Tư lệnh Mặt trận 4 Quảng Đà kiêm Quận đội trưởng quận Nhất; Liệt sĩ Nguyễn Bá Tùng, nguyên Bí thư kiêm Chính trị viên Khu II, huyện Hòa Vang; đồng chí Nguyễn Thanh Năm (Năm Dừa), nguyên Bí thư Quận ủy quận Nhì; liệt sĩ Huỳnh Dạng, nguyên Trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội 1, Tiểu đoàn 1 (R20), Trung đoàn 971; liệt sĩ Phạm Vinh (Đuổi), nguyên Xã đội trưởng xã Hòa Lợi (nay là xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang); Tiểu đoàn Đặc công 91 Lam Sơn, Mặt trận 4 Quảng Đà; Đại đội 2, Tiểu đoàn Đặc công 489, thành phố Đà Nẵng.

Sáng nay, 20-7, tại Hội trường UBND thành phố Đà Nẵng (42 Bạch Đằng) UBND thành phố sẽ tổ chức trọng thể Lễ đón nhận Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 2 tập thể và 6 cá nhân nêu trên. Nhân dịp này, Báo Đà Nẵng giới thiệu tóm tắt thành tích đặc biệt xuất sắc của các cá nhân, tập thể được phong tặng danh hiệu cao quý này.

Tiểu đoàn Đặc công 91 Lam Sơn

Được thành lập vào tháng 5-1967, gồm 500 thanh niên quê Thanh Hóa, biên chế thành 5 Đại đội do đồng chí Nguyễn Xuân Ngọc làm Tiểu đoàn trưởng. Các Đại đội được huấn luyện chiến thuật đặc công tại Tiểu đoàn khung huấn luyện Tiểu đoàn 2, Sư đoàn 305 Đặc công, đứng chân trên địa bàn Chi Thủy, xã Xuân Thiên, huyện Chương Mỹ, tỉnh Sơn Tây (nay là thành phố Hà Nội).

Ban liên lạc Tiểu đoàn Đặc công 91 Lam Sơn.
Ban liên lạc Tiểu đoàn Đặc công 91 Lam Sơn.

Thời gian này, chiến sự trên chiến trường miền Nam nói chung, Quảng Nam-Đà Nẵng nói riêng diễn biến vô cùng ác liệt. Thông tin chiến thắng hằng ngày như thúc giục cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn khẩn trương xung trận lập công. Được sự giúp đỡ, đùm bọc của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, Tiểu đoàn Đặc công Lam Sơn (khi vào chiến trường đổi phiên hiệu thành Tiểu đoàn 91) đã vượt lên muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, mưu trí, dũng cảm, thọc sâu đánh hiểm, lấy ít thắng nhiều, chủ động tác chiến trên mọi địa hình, mọi thời tiết, mọi cách đánh, kể cả đánh chống càn ban ngày và đánh địch đổ bộ đường không, làm tổn thất và tiêu hao sinh lực địch. Tiểu đoàn đã chiến đấu hàng trăm trận lớn nhỏ, từ tiêu diệt gọn đến tiêu hao, phá hủy hàng chục khẩu pháo và hàng chục xe tăng, thiết giáp, máy bay, thu hàng ngàn súng bộ binh các loại.

Với lối đánh tiềm nhập, luồn sâu, áp sát, tiêu diệt nhiều tên ác ôn khét tiếng, hỗ trợ cho phong trào nổi dậy đấu tranh của nhân dân vùng bị địch chiếm đóng. Trong hàng trăm trận đánh gây tiếng vang lớn, làm cho kẻ thù khiếp sợ phải kể đến các trận đánh tại cứ điểm đình Quang Châu; cứ điểm cầu Phong Nam; cứ điểm trại lập cứ xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang diệt được 1.021 tên địch (trong đó có 455 tên Mỹ, 525 tên ngụy, 30 tên Nam Triều Tiên, thu 18 súng AR15, 3 súng cối M79, 6 M92, 3 súng cối 81, 61 ba-lô trang bị, 1 bản đồ, 1 túi tài liệu, phá hủy 63 xe tăng và xe bọc thép, 28 lô-cốt, 51 trại lính… Đặc biệt, ngày 15-3-1975, Đại đội 5 bí mật tập kích đồn Ngũ Giáp diệt 110 tên, bắt sống 30 tên, tạo đà tiến công trên toàn Mặt trận 4 Quảng Đà.

Đêm 28-3-1975, D491 bí mật vượt sông Hàn, thọc sâu đánh vào đầu cầu Trịnh Minh Thế, khu An Đồn, Cảng Đà Nẵng và Sơn Trà, tạo điều kiện cho quân chủ lực và nhân dân hợp đồng tác chiến nổi dậy đêm 28 ngày 29-3-1975, kết quả hàng ngàn tên địch, xe tăng, máy bay bỏ xác trên bãi biển Bắc Mỹ An, khu Non Nước. 15 giờ ngày 29-3-1975, Tiểu đoàn cùng quân dân thị xã Hội An tiêu diệt và làm tan rã quân địch ở tỉnh đường Quảng Nam đóng tại Hội An. Từ năm 1968-1975, Tiểu đoàn đã loại khỏi vòng chiến đấu 6.850 tên địch (trong đó có 470 tên Mỹ và 30 tên Nam Triều Tiên); bắn cháy 6 máy bay H34, 3 chiếc HU1A, 25 xe M113 và M 118; phá hủy 33 khẩu pháo từ 105ly- 155 ly; thu trên 3.000 khẩu súng bộ binh các loại; đánh cháy 1 kho xăng, đánh sụp 1 cầu. Năm 1976, do yêu cầu nhiệm vụ, Tiểu đoàn  giải thể chỉ còn biên chế 1 đại đội bổ sung sang Tiểu đoàn Bộ binh làm nhiệm vụ gỡ mìn.

Với thành tích đặc biệt xuất sắc, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương, Huy chương cao quý như: 4 Huân chương Quân công giải phóng; 28 Huân chương Chiến công giải phóng các hạng; 40 Huân chương Chiến công tặng cho cá nhân (riêng Đại đội trưởng Đại đội 5  Hoàng Công Diễn, được tặng 5 Huân chương Chiến công); Đại đội 5 vinh dự được tặng cờ Dũng mãnh, kiên cường, đánh giỏi, diệt gọn.

Đại đội 2, Tiểu đoàn Đặc công 489 TP. Đà Nẵng

Tháng 5-1965, theo chỉ thị của Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5,  Tiểu đoàn Đặc công 489 của thành phố Đà Nẵng được thành lập, gồm 2 đại đội: Đại đội 1 và Đại đội 2. Nhiệm vụ chủ yếu là đánh tiêu diệt cơ quan đầu não, sinh lực cao cấp của Mỹ-ngụy; phá hủy binh khí kỹ thuật, kho tàng, sân bay, bến cảng của địch ven đô thị và trong thành phố Đà Nẵng.

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công 489 TP. Đà Nẵng.
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công 489 TP. Đà Nẵng.

Đại đội 2 do Đại đội trưởng Nguyễn Xuân Hồng và Chính trị viên Nguyễn Thanh Thủy chỉ huy, vừa xây dựng, vừa chuẩn bị chiến trường để bước vào làm nhiệm vụ chiến đấu đánh phủ đầu quân Mỹ khi mới đặt chân lên đất Đà Nẵng.

Từ năm 1965 đến năm 1973, Đại đội 2 đã tổ chức nhiều trận đánh ác liệt, tiêu diệt hàng trăm tên địch, phá hủy nhiều máy bay, phương tiện chiến đấu của địch. Có nhiều trận đánh tiêu biểu như trận tại cầu sắt thôn Quan Nam, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang; trận đánh Sân bay Đà Nẵng; kho xăng Liên Chiểu và Sân bay Nước Mặn. Ngày 28-2-1966 đánh Tiểu đoàn Cộng hòa đóng tại Quán Phú, diệt 405 tên địch, phá hủy 2 khẩu pháo 105 ly, 3 xe quân sự, thu 45 súng. Trận đánh căn cứ Bồ Bồ tối 5-3-1966 do Trung đội trưởng Lê Văn Nghiêu chỉ huy 1 mũi tập kích, sau 15 phút chiến đấu đã diệt 25 tên Mỹ, thu 8 súng (trong đó có 1 khẩu đại liên 60, 1 khẩu M79). Ngày 18-8-1966, được tăng cường xung lực, hỏa lực, đơn vị bí mật tập kích căn cứ cơ giới Cẩm Bình, xã Hòa Thọ diệt 500 tên Mỹ, phá hủy 110 xe quân sự, trong đó có 50 xe tăng, đốt 1 kho xăng tương đương 4 triệu lít và 1 kho khí cụ.

Đặc biệt, ngày 17-5-1967, Đại đội 2 nhận nhiệm vụ đánh tiêu diệt Tiểu đoàn tên lửa Tô-ma-hốc của Mỹ đóng ở cao điểm 327 Phước Tường.  Sau khi Tiểu đoàn quán triệt tư tưởng, xây dựng quyết tâm, tại lễ xuất quân, 12 cán bộ chiến sĩ do Tiểu đoàn phó Trần Thận trực tiếp chỉ huy, đồng chí Lê Loan là mũi trưởng đã lần lượt lên nhận khăn quàng đỏ thề quyết tử để hoàn thành nhiệm vụ. Với quyết tâm cao, kỹ thuật điêu luyện, chỉ huy sáng tạo, sau 25 phút chiến đấu ta tiêu diệt 50 tên Mỹ (phần lớn là sĩ quan, nhân viên kỹ thuật cao cấp và lính bảo vệ), phá hủy 6 giàn tên lửa, 18 quả đạn, 2 rađa, 2 hầm chỉ huy điều khiển điện tử, 1 hầm chứa đạn, 1 đèn pha cực mạnh, 2 lô-cốt và 3 dãy nhà. Đây là trận tập kích đầu tiên tiêu diệt binh khí kỹ thuật hiện đại nhất của quân đội Mỹ ở chiến trường miền Nam Việt Nam. Sau trận đánh, đơn vị được cấp trên khen thưởng Huân chương Quân công hạng nhì; 12 cán bộ, chiến sĩ tham gia trận đánh được khen tặng 12 Huân chương Chiến công các loại.

Sau này Đại đội 2 được tách bổ sung từ Đại đội 1, Tiểu đoàn 489 đã trở thành một đơn vị nòng cốt của Tiểu đoàn Đặc công 489 thành phố Đà Nẵng.

10 năm (1965-1975) xây dựng và chiến đấu, Đại đội 2 đã tiêu diệt 3.342 tên địch (trong đó có 1.740 tên Mỹ xâm lược, 45 tên Nam Triều Tiên, 35 cảnh sát); phá hủy 167 chiếc máy bay, 241 xe quân sự (trong đó có 58 chiếc xe tăng), 9 giàn tên lửa, 18 quả đạn, 9 toa tàu chở xăng; phá hủy 100 lô-cốt, 100 nhà lính, đốt cháy 24 triệu lít xăng, thu 106 súng các loại, góp công cùng Tiểu đoàn đặc công 489 anh hùng đánh 109 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 9.864 tên địch.

Đại đội 2 vinh dự được tặng thưởng 5 Huân chương Quân công giải phóng các hạng; nhiều Bằng khen, Giấy khen của Quân khu 5 và Mặt trận 4 Quảng Đà.

Danh hiệu cá nhân

Liệt sĩ MAI ĐĂNG CHƠN

Sinh ngày 20-4-1918 tại phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo vùng cát trắng Hòa Hải có truyền thống đấu tranh cách mạng, Mai Đăng Chơn sớm giác ngộ cách mạng, năm 1937 đồng chí tham gia hoạt động trong phong trào Mặt trận dân chủ (1936-1939) của tỉnh Quảng Nam.

Tháng 8-1945, trên cương vị Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh Tổng An Lưu (gồm các xã khu Đông, huyện Hòa Vang), đồng chí đã trực tiếp lãnh đạo xây dựng lực lượng tự vệ, du kích và lực lượng cứu quốc của các đoàn thể. Ngày 18-8-1945, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh, quân và dân các xã khu Đông đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền, mở đầu cao trào khởi nghĩa của huyện Hòa Vang.

Năm 1948-1952, từ Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính rồi đến Bí thư Huyện ủy, kiêm Chính trị viên Huyện đội Hòa Vang, đồng chí cùng cán bộ, chiến sĩ vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, ngày đêm lặn lội khắp các địa bàn để lãnh đạo, chỉ đạo phong trào kháng chiến, xây dựng lực lượng và thế trận chiến tranh du kích phát triển ngày càng mạnh mẽ, tạo thành vành đai du kích bao quanh căn cứ Đà Nẵng. Đặc biệt là lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị vũ trang của huyện phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chủ lực Liên khu và tỉnh, mở các chiến dịch tiến công tiêu diệt quân Pháp và tay sai trên địa bàn Hòa Vang - Đà Nẵng.

Trên đường đi công tác (6/1956), đồng chí bị địch phục kích và bắt giam. Biết đồng chí là Bí thư Huyện ủy nên chúng dùng nhiều thủ đoạn tra tấn, đánh đập tàn nhẫn chết đi, sống lại nhiều lần nhưng đồng chí vẫn giữ vững khí tiết cách mạng. Đêm ngày 3-7-1957, đồng chí bí mật vượt ngục trở về hậu cứ của huyện để tiếp tục công tác. Từ đầu năm 1960 đến đầu năm 1963, đồng chí đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng LLVT và lực lượng chính trị nòng cốt, đưa nhiều cán bộ, đảng viên vào giữ các chức vụ chủ chốt trong bộ máy ngụy quân, ngụy quyền. Trong phong trào diệt ác, phá kìm, đồng chí đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy các đội công tác của huyện và xã tiến công, tiêu diệt và làm tan rã hàng chục mâm Hội đồng xã và các Tổng đoàn dân vệ. Tiêu biểu nhất là chỉ huy Trung đội đặc công của huyện và một phân đội của Đại đội đặc công H29 Quảng Đà, tập kích đánh thiệt hại nặng 1 đại đội biệt kích, 1 trung đội dân vệ tại thôn Nam Thành, xã Hòa Khương, diệt nhiều sinh lực địch, trong đó có 4 cố vấn Mỹ. Đây là trận đánh bắt sống lính Mỹ đầu tiên trên chiến trường Quảng Đà. Ngoài ra, với cương vị Trưởng ban Tổ chức cán bộ Tỉnh ủy (3-1963 – 6-1967), đồng chí đã chọn lựa, đề bạt, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp ở chiến trường trọng điểm của Khu 5, bảo đảm trước mắt, cũng như lâu dài, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đánh Mỹ và thắng Mỹ trên chiến trường Quảng Đà. Ngày 31-1-1968, đồng chí đã cùng đồng đội chiến đấu và anh dũng hy sinh khi Mỹ-ngụy tấn công vào Sở chỉ huy tiền phương của Mặt trận Quảng Đà (con trai là Mai Đăng Ân cũng đã hy sinh trong trận này).

Đồng chí đã được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhì, Huân chương Thành đồng hạng ba, Huân chương Chiến công hạng nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng nhất và Huy chương Quyết thắng hạng nhất.

Năm 2003, HĐND thành phố Đà Nẵng quyết định lấy tên Mai Đăng Chơn đặt cho con đường mới tại quê hương Hòa Hải.

Liệt sĩ PHẠM NHƯ HIỀN (KIM)

Sinh năm 1930, tại khu Hải Châu - Đà Nẵng (nay là phường Hải Châu 1, quận Hải Châu)

Sớm giác ngộ cách mạng, năm 1946 tham gia hoạt động cách mạng khi vừa tròn 16 tuổi. Năm 1951, đồng chí trở thành đảng viên Đảng Lao động Việt Nam. Phạm Như Hiền đã kinh qua nhiều chức vụ trong quân đội, trong đó có: Phó Tư lệnh Mặt trận 4 Quảng Đà; Thành đội phó Thành đội Đà Nẵng; Quận đội trưởng quận Nhất.

Năm 1967, Mặt trận Quảng Đà (MT4) thành lập, đồng chí được điều về Quận Nhất (quận nội thành của Đà Nẵng) làm Quận đội trưởng. Với cương vị Quận đội trưởng Quận Nhất, đồng chí cùng cấp ủy và Ban Chỉ huy Quân sự quận đã nghiên cứu các biện pháp để xây dựng, phát triển lực lượng: củng cố phát triển lực lượng Tự vệ khu phố, Tự vệ ngành, tổ chức xây dựng Đội biệt động 1, 2, 3 trực thuộc quận… đã đánh những đòn đau quân địch, gây thanh thế ngay trong lòng địch như: Biệt động khu phố Thạc Gián đánh diệt gọn mâm Hội đồng khu phố giữa ban ngày bằng một khối thuốc nổ + kíp hẹn giờ; hay Đội biệt động 1 của quận dùng súng ngắn diệt tên Kỷ - là tên ác ôn ngay tại phường Hòa Cường… Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, Phạm Như Hiền là một trong những cán bộ vào chỉ định đánh trực tiếp bên trong nội thành. Thấy tình hình không thể dùng lực lượng bên ngoài thọc sâu vào thành phố, đồng chí đã đề nghị và đứng ra tổ chức Đại đội Đặc công biệt động Lê Độ, gồm những thanh niên nam nữ am hiểu địa bàn, có thế hợp pháp bên trong, có lòng yêu nước, căm thù địch sâu sắc… Đại đội được tổ chức thành từng mũi sắc nhọn, thọc sâu táo bạo, thực hành “đánh nở hoa” giữa lòng thành phố đạt hiệu quả cao.

Năm 1969, Phạm Như Hiền lại vào trong nội thành nghiên cứu địa bàn, nắm tình hình địch để về họp rút kinh nghiệm và đề xuất tổ chức lực lượng Biệt động cánh gồm: cánh Tây, cánh Đông, cánh Trung và cánh Giữa, tạo ra sự phối hợp tác chiến bên trong thành phố đa dạng, phong phú, chủ động tiến công quân địch bằng những đòn đau.

Đầu năm 1971, Phạm Như Hiền được bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh Mặt trận Quảng Đà kiêm Quận đội trưởng quận Nhất Đà Nẵng. Với phương châm “bí mật, bất ngờ”, đồng chí đã chỉ đạo, làm nên huyền thoại của những trận đánh trong nội thành Đà Nẵng như trận đánh Quân vụ thị trấn; trận đánh kho bom Phước Lý; trận đánh kho xăng Shell; đánh trại lính Nguyễn Phi Khánh; đánh diệt mâm Hội đồng khu phố Thạch Thang, Nại Hiên, Thạc Gián; đánh tàu chở bom tại cảng Nại Hiên Tây kéo theo nổ hàng loạt kho bom trên cảng, phá hủy hàng ngàn tấn bom đạn, diệt hàng trăm tên Mỹ, Nam Triều Tiên và quân ngụy… Những trận đánh trên đã gây náo loạn thành phố Đà Nẵng, gây nỗi kinh hoàng cho Mỹ-ngụy, làm nức lòng nhân dân Đà Nẵng và nhân dân cả nước.

Phạm Như Hiền là một cán bộ chỉ huy có đức, có tài, hết lòng hết sức mình phục vụ cách mạng. Trong những giai đoạn bước ngoặt của phong trào, đồng chí luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, sống giản dị, thủy chung, có tình nghĩa với đồng chí, đồng đội, nên được cấp trên tín nhiệm, đồng đội tin yêu. Trên đường về nhận công tác mới, đồng chí đã anh dũng hy sinh tại Mặt trận Quảng Đà vào ngày 2-2-1973.

Đồng chí đã được tặng Huân chương Độc lập hạng ba, Huân chương Quân công hạng nhì, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, 3 Huân chương Chiến công (1 hạng nhất, 2 hạng nhì), 3 Huân chương Chiến sĩ Giải phóng (hạng nhất, nhì, ba).

Liệt sĩ NGUYỄN BÁ TÙNG

Sinh năm 1925 tại thôn Dương Sơn, xã Thanh Sơn (nay là xã Hòa Tiến), huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng

Tháng 8-1945, khi phong trào cách mạng ở huyện Hòa Vang dấy lên cao trào Tổng khởi nghĩa cướp chính quyền, đồng chí tham gia tổ chức Mặt trận Việt Minh, tuyên truyền, vận động quần chúng ở các thôn Dương Sơn, La Bông, tổ chức lực lượng xuống đường, giành chính quyền ở xã Thanh Sơn, sau đó tổ chức nhân dân xã Thanh Sơn cùng với các lực lượng khởi nghĩa toàn huyện giành chính quyền ở huyện lỵ Hòa Vang (22-8-1945).

Từ tháng 8-1945 đến tháng 2-1972, đồng chí đã lần lượt trải qua nhiều chức vụ lãnh đạo và chỉ huy nhiều trận đánh ác liệt như: Ngày 4-3-1963 chỉ huy du kích xã phục kích bắt gọn trung đội dân vệ của địch đưa lên căn cứ học tập, cảm hóa. Chỉ huy lực lượng dân quân phối hợp với lực lượng mật của ta đánh sập cầu Cẩm Lệ, chặn đứng sự chi viện của địch, tạo điều kiện cho ta tiêu diệt địch ở Hòa Thọ, sau đó mang toàn bộ vũ khí ra vùng giải phóng.

Tháng 8-1964, quân và dân huyện Hòa Vang đã đồng loạt nổi dậy, tiến hành đồng khởi, giải phóng 17/25 xã trên toàn huyện với cương vị Đặc phái viên của Tỉnh ủy Quảng Đà, được phân công phụ trách các hoạt động vũ trang của huyện Hòa Vang. Đồng chí cùng với lãnh đạo huyện Hòa Vang, chỉ đạo, chỉ huy bộ đội huyện và du kích các xã tiến hành vũ trang, diệt ác, phá kìm, phá tan các ấp chiến lược của Mỹ - ngụy ở Hòa Lợi, Hòa Châu, Hòa Thái, Hòa Lương, Hòa Thượng, Hòa Phú, Hòa Ninh, Hòa Hiệp, Hòa Lạc, Hòa Hưng, Hòa Hải, Hòa Long, Hòa Phụng... đưa phong trào đồng khởi phát triển mạnh mẽ. Tháng 3-1966, đồng chí trực tiếp vạch kế hoạch và cùng với Ban chỉ huy xã đội Hòa Châu, chỉ huy du kích, bí mật trà trộn vào trong dân (do địch bắt đi dự lễ) tập kích vào Liên đoàn “bình định” vùng trung và nam Hòa Vang đang tổ chức làm lễ “ly sơn” tại Đình làng Quan Châu, xã Hòa Châu, tiêu diệt 42 tên, làm bị thương 20 tên, bọn còn lại tháo chạy bỏ dở cuộc “mít-tinh ly sơn”.

Ngày 23-8-1968, đồng chí chỉ huy bộ đội huyện và du kích xã Hòa Thượng, tập kích vào khu dồn Cẩm Chu Hương (Hòa Thượng), tiêu diệt 1 tiểu đội nghĩa quân, bắn chết tại chỗ nhiều tên ác ôn, đưa toàn bộ nhân dân trong khu dồn trở về quê cũ làm ăn. Trong những năm 1966 đến 1969, đồng chí đã trực tiếp tổ chức, chỉ đạo tổ du kích mật của Khu II thực hiện nhiều trận đánh, tiêu diệt hơn 80 tên sĩ quan Mỹ và bọn ngụy quân, ngụy quyền ác ôn khét tiếng. Đặc biệt ngày 27-2-1972, trên đường đi nhận nhiệm vụ ở Đặc khu ủy Quảng Đà về đến xã Điện Sơn (nay là xã Điện Tiến, Điện Bàn), đồng chí cùng đoàn cán bộ bị địch phát hiện đổ quân bao vây, chúng hô hào “quyết tìm bắt cho được tên Tùng Tỉnh ủy Quảng Đà”. Đồng chí cùng cán bộ và anh em du kích nổ súng đánh trả quyết liệt, tiêu diệt được nhiều tên địch. Tuy nhiên quân địch đông, chúng tiếp tục đổ quân và điều động xe tăng, xe bọc thép đến bao vây. Lúc này, đồng chí đã bị thương gãy mất một chân, xét thấy tình hình bất lợi cho ta, biết bản thân mình bị thương nặng, không thể thoát khỏi vòng vây của địch, đồng chí đã ra lệnh cho các bộ phận rút lui, còn mình ở lại tiếp tục nổ súng ngăn chặn địch đến viên đạn cuối cùng và đồng chí đã anh dũng hy sinh.

Từ khi tham gia hoạt động cách mạng cho đến lúc hy sinh, dù ở cương vị nào, lúc khó khăn hay thuận lợi, đồng chí không có một phút giây dao động, luôn phấn đấu học tập tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, trình độ năng lực trong công tác, chiến đấu, tích lũy những kinh nghiệm trong tổ chức đấu tranh với địch để hướng dẫn, tổ chức quần chúng đấu tranh bám đất, giữ làng, bảo vệ cán bộ, bảo vệ nhân dân.

Tấm gương hy sinh oanh liệt của đồng chí đã khích lệ tinh thần yêu nước, căm thù giặc, thúc giục cán bộ và quân dân Khu II - Hòa Vang quyết tâm thi đua lập công để trả thù cho đồng chí Nguyễn Bá Tùng. Đồng chí đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương, Huy chương cao quý như: Huân chương Độc lập hạng nhì, Huân chương Lao động hạng ba, Huân chương Giải phóng hạng ba, Huân chương Kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc hạng ba và Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng nhất.

Đồng chí NGUYỄN THANH NĂM (Năm Dừa)

Sinh năm 1937, nguyên quán xã Điện Nam (huyện Điện Bàn)

Đồng chí tham gia cách mạng năm 1952, nhiệm vụ chính là làm liên lạc cho cán bộ huyện Điện Bàn, làm giao liên cho cơ quan tỉnh (Bắc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng).

Năm 1960, trước sự phát triển của phong trào cách mạng, đồng chí được điều về bổ sung cho Huyện ủy Điện Bàn, phụ trách Đội công tác tuyên truyền vũ trang các xã: Điện Thọ, Điện An, Điện Phước. Nguyễn Thanh Năm về lại Quảng Đà đầu năm 1963. Thực hiện chỉ đạo của Khu ủy Khu 5: “Muốn giữ vững an toàn trong vùng giải phóng nông thôn, trước hết phải làm nhiệm vụ thọc vùng sâu, giải phóng vùng cát để kéo địch về phía đó”, Tỉnh ủy Quảng Đà điều đồng chí xuống Điện Bàn làm Bí thư Ban cán sự vùng cát. Tại đây, được sự ủng hộ của nhân dân, đồng chí tổ chức đánh đại đội tên Phạm Hàn tại thôn 3 Điện Ngọc. Sau 5 giờ chiến đấu, đơn vị đã tiêu diệt trên 100 tên địch, bắt sống 30 tên, thu nhiều vũ khí, mở ra thế trận mới ở vùng cát Điện Bàn.

Từ năm 1964 đến năm 1968, đồng chí đã chỉ huy lực lượng vũ trang đánh nhiều trận, tiêu diệt nhiều lực lượng và vũ khí của địch, tiêu biểu như trận đánh ngày mùng 2 Tết Mậu Thân 1968, dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Thanh Năm, bằng 3 mũi giáp công (quân sự, chính trị và binh vận), các cánh quân nổi dậy đánh chiếm Nam Ô, bao vây đồn Mỹ tại Xuân Thiều, cầu Nam Ô, giương cờ Mặt trận và hô to khẩu hiệu: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Lực lượng ta quần nhau với quân địch cho đến 12 giờ trưa hôm sau, các đoàn biểu tình lần lượt giải tán, còn đồng chí bám chân núi Xuân Dương tiếp tục chỉ huy chiến đấu đến tối ngày hôm đó mới rút về căn cứ.

Tháng 3-1968, Nguyễn Thanh Năm được phân công làm Bí thư Quận ủy quận Nhì Đà Nẵng, cùng với các đồng chí trong Thường vụ Quận ủy đã xây dựng, củng cố các chi bộ Đảng trong lòng địch, tổ chức đường dây liên lạc, xây dựng cơ sở chính trị bên trong, xây dựng công sự để chuyển vũ khí, chuẩn bị lực lượng vũ trang (tự vệ, biệt động và bộ đội địa phương) sẵn sàng khi có lệnh tác chiến. Tháng 8-1969, đồng chí được phân công làm Bí thư Quận ủy quận Nhất, trực tiếp vào thành phố xây dựng lực lượng chính trị, thành lập các tổ chức công khai hợp pháp như: Tổng đoàn học sinh, Đoàn thanh niên Nhất Chi Mai, Hội đồng đại diện học sinh liên trường Đà Nẵng, xây dựng cơ sở Đảng, Đoàn bí mật trong các trường làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng. Nguyễn Thanh Năm là một trong những người có công lớn phục hưng phong trào, tiếp tục đặt nền và “giữ lửa” cho phong trào đấu tranh chính trị và thanh niên, sinh viên, học sinh thành thị Đà Nẵng cho đến ngày giải phóng.

Rạng sáng ngày 11-3-1972, Trung đoàn 51 của ngụy đánh vào cơ quan Quận ủy quận Nhất đóng tại La Thọ (Điện Bàn), anh em cơ quan nhanh chóng sơ tán, còn lại Nguyễn Thanh Năm và 2 đồng chí khác ở lại thu dọn tài liệu, ngụy trang chỗ ở, rút về hầm bí mật ẩn nấp. Quân địch phát hiện ra, chúng triển khai đội hình bao vây khu vực, báo cáo lên cấp trên là “đã phát hiện cơ quan Việt Cộng”, xin tăng viện và hỗ trợ chiến đấu. Đến 9 giờ sáng, chúng dùng súng AR15 và M79 bắn vào gốc bụi tre, trúng nắp hầm bí mật. Dưới hầm, 2 đồng chí vọt lên ném lựu đạn và anh dũng hy sinh. Lúc này, địch tưởng không còn ai trong hầm, thì bất ngờ, Nguyễn Thanh Năm tung hai quả lựu đạn làm nhiều tên chết và bị thương, số còn lại bỏ chạy. Lợi dụng thời cơ, đồng chí vọt lên phóng qua bụi tre rồi bay người xuống giữa dòng sông La Thọ, bơi thẳng qua bên kia sông, mặc cho máy bay trực thăng chiến đấu của địch bắn rốc-két theo tới tấp. Đến đêm, anh em Quận ủy quay về tìm gặp đồng chí nằm bất tỉnh và đưa về căn cứ. Đây là trận đánh đặc biệt, trong một tình huống đặc biệt, từ chỗ bị động không lối thoát, Nguyễn Thanh Năm đã chuyển sang thế chủ động tiến công quân địch, giành thắng lợi, gây cho chúng tổn thất nặng nề.

Sau khi đất nước thống nhất, đồng chí tiếp tục tham gia công tác, giữ các chức vụ như: Giám đốc Sở Nông nghiệp Quảng Nam-Đà Nẵng, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu nông sản II Đà Nẵng thuộc Bộ Nông nghiệp và nghỉ hưu năm 1992. Đồng chí đã được tặng Huân chương Độc lập hạng nhì, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Giải phóng hạng nhất. Đồng chí từ trần ngày 12-8-1997.

Liệt sĩ HUỲNH DẠNG

Sinh năm 1944 tại phường Hòa Hiệp, quận Liên Chiểu

Sớm giác ngộ cách mạng, khi vừa tròn 20 tuổi, anh lên đường tòng quân giết giặc, được phân công về công tác tại đơn vị R20 Tỉnh đội Quảng Đà (nay là Tiểu đoàn bộ binh 1 anh hùng thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng).

Rạng sáng ngày 28-5-1964, Huỳnh Dạng nhận mệnh lệnh đã chỉ huy tiểu đội cùng Đại đội 1 cơ động từ Xuyên Thành (Duy Xuyên) về ém quân, phục kích địch tại thôn Văn Quật, kiên trì bí mật chờ địch trong nhiều giờ liền. Được lệnh của cấp trên, anh chỉ huy tiểu đội từ hướng Nam bất ngờ đánh thẳng vào đội hình địch, đánh giáp lá cà làm quân địch bất ngờ, trở nên hỗn loạn. Kết thúc trận đánh, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 1 tiểu đoàn địch, thu nhiều vũ khí, bắt sống gần 200 tên. Bản thân Huỳnh Dạng đã bắt sống được tên Được - chỉ huy lính bảo an, vốn là tên ác ôn khét tiếng lúc bấy giờ. Sau trận đánh, anh được tặng Huân chương Chiến công hạng ba.

Sáng ngày 28-6-1965, phát hiện một trung đội Mỹ cơ động lực lượng từ đường 14 rẽ sang Phú Sơn, Huỳnh Dạng đã nhanh chóng dẫn tiểu đội phục sẵn. Khi chúng đến cách 25 mét trong tầm bắn hiệu quả, tiểu đội của anh  bất ngờ nhả đạn đồng loạt, tiêu diệt ngay 10 tên lính Mỹ. Quân địch phản công quyết liệt vào đội hình tiểu đội, một số đồng chí hy sinh, Huỳnh Dạng tuy bị thương vào tay trái nhưng vẫn kiên cường chỉ huy chiến đấu và đưa tử sĩ, thương binh về phía sau an toàn.

Đêm 8-10-1965, một Đại đội lính Mỹ với đoàn xe bọc thép M113 từ xã Hòa Khương băng qua cánh đồng trống xông thẳng vào hướng Tây - nơi Trung đội 1 - Tiểu đoàn R20 đang tập kết bám đất, bám dân. Trên cương vị là Trung đội trưởng, anh đã chỉ huy trung đội bình tĩnh áp sát, bất ngờ đánh vào hướng chủ yếu của địch. Sau gần 1 đêm chiến đấu với 2 Đại đội lính Mỹ có xe tăng, pháo binh, máy bay yểm trợ, Đại đội 1 mà nòng cốt là Trung đội 1 của anh đã kiềm chân địch không cho chúng phát triển, làm tan rã 2 Đại đội Mỹ, tiêu diệt 87 tên, bắn cháy 6 máy bay, 2 xe M113, thu 2 đại liên và 14 súng các loại.

Ngày 30-10-1965, trong trận đánh đồn Gò Hà (xã Hòa Khương) - nơi có 1 đại đội thủy quân lục chiến Mỹ đóng chốt, với hệ thống công sự liên hoàn, rào chắn dày, cao, được gài lựu đạn, có 6 xe M113 yểm trợ, anh được phân công chỉ huy mũi “dao nhọn” thọc sâu nằm cách lô-cốt đầu cầu 4 mét, kiên trì chờ đợi trong trời mưa gió lạnh. Sau một loạt đạn tiểu liên nổ giòn, mệnh lệnh tấn công đã điểm, mũi “dao nhọn” của anh đã xông lên như một mũi tên. Thủ pháo trên tay anh lóe sáng nổ tung, hất 3 tên lính Mỹ ra khỏi công sự. Huỳnh Dạng nhanh chóng dẫn một bộ phận thọc sâu đánh vào Ban chỉ huy Đại đội Mỹ. Trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt, quân Mỹ có máy bay, pháo binh, xe tăng yểm trợ bắn xối xả vào đội hình của ta, nhiều đồng chí đã hy sinh anh dũng. Trong lúc chỉ huy bộ phận thọc sâu truy kích địch tháo chạy ra ngoài công sự, bất ngờ một loạt đạn của địch bắn vào phía sau lưng làm anh gục ngã. Huỳnh Dạng cố đứng lên, nhưng vì vết thương quá  nặng, anh đã hy sinh khi tuổi đời mới ngoài 20. Sự hy sinh anh dũng của anh đã góp một phần quan trọng làm nên chiến thắng Gò Hà, để lại những kinh nghiệm quý báu trong thời kỳ đầu chống quân Mỹ xâm lược - “Bám thắt lưng Mỹ mà đánh, bám thắt lưng ngụy mà diệt”. Lời của đồng chí: “Mỹ trang bị hiện đại, nhưng Mỹ to dễ bắn trúng” càng khẳng định ý chí quyết tâm của toàn đơn vị: “Dám đánh Mỹ và nhất định thắng Mỹ”.

Đồng chí đã được tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng ba và nhiều Bằng khen, Giấy khen khác.

Liệt sĩ  PHẠM VINH

Sinh năm 1950, tại xã Hòa Lợi (nay là xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang)

Năm 1964, anh tham gia vào đội du kích xã Hòa Lợi. Năm 1968, anh được đứng trong hàng ngũ của Đảng, được bầu vào cấp ủy và giữ chức vụ Xã đội trưởng xã Hòa Lợi (tháng 1-1969).

Tháng 1-1969, lần đầu tiên trên cương vị là Xã đội trưởng, anh phụ trách một tổ 3 người phục đánh lính ngụy tại ngõ Hương Nữ (Lệ Sơn 2 ngày nay), tiêu diệt toàn bộ 6 tên ngụy. Tháng 8-1969, tại khu vực Lệ Sơn 1, Phạm Vinh đã chỉ huy lực lượng du kích, đánh vào đội hình địch khi chúng đóng quân tại đây, tiêu diệt 16 tên và thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng.

Đầu năm 1970, du kích xã hoạt động rất khó khăn vì quân Mỹ - ngụy ngày đêm sục sạo, đánh phá ác liệt hòng xóa trắng cơ sở của ta. Phạm Vinh đã mạnh dạn đề xuất với cấp ủy phương pháp đánh vu hồi nhằm phá thế kìm kẹp, phục kích của địch. Sau nhiều đêm đón lõng địch đi phục kích tại cống Cừ (cách khu dồn chừng 200 mét về phía Bắc), vào một đêm tháng 4-1970, một toán Mỹ đi tuần từ khu dồn xuống Lệ Trạch lọt vào tầm ngắm của Phạm Vinh cùng với 2 đội viên du kích đang phục sẵn. Với khẩu súng Garand M2 và lựu đạn, Phạm Vinh khai hỏa bằng lựu đạn và cùng đồng đội đồng loạt nổ súng, diệt tại chỗ 2 lính Mỹ, số còn lại rút chạy. Nhận định địch sẽ cho trực thăng lên lấy xác đồng bọn, anh quyết định nằm phục chờ đánh máy bay địch. Đúng như dự đoán, 30 phút sau, 4 máy bay trực thăng từ sân bay Đà Nẵng, trong đó có 2 máy bay vận tải chở theo khoảng 60 tên Mỹ lên lấy xác, đổ quân gần cống Cừ. Khi chiếc đi đầu gần chạm đất, Phạm Vinh nổ súng bắn cháy tại chỗ 1 chiếc, chiếc thứ 2 trên đường tháo lui cũng bị trúng đạn và bị rơi trên đường rút về hướng cầu Đỏ. Trận đánh này, anh cùng đồng đội đã tiêu diệt 53 lính Mỹ, bắn cháy 2 máy bay địch.

Đêm 21-3-1971, đoàn công tác của xã gồm 12 đồng chí trong khi đi làm nhiệm vụ ở xóm Bàu (Lệ Sơn 1) thì bị lộ, bọn địch bao vây bốn phía. Để đối phó với quân địch, Phạm Vinh quyết định mở đường máu sau khi hội ý với các đồng đội. Lợi dụng sự chủ quan của địch, trong lúc chúng đang đào công sự, ta bất ngờ đánh vào đội hình địch, tiêu diệt 13 tên, số còn lại tháo chạy. Đơn vị rút về cứ an toàn, không  bị tổn thất về lực lượng. Cũng trong tháng 3-1971, Mỹ đổ quân ở Gò Phật và thường xuyên đi càn quét ở khu vực Lệ Sơn, La Bông, An Trạch, Thạch Bồ... Một hôm, quân Mỹ từ Gò Phật kéo lên rất đông, lọt vào ổ phục kích do Phạm Vinh cùng tiểu đội du kích phục sẵn, anh đã ra lệnh nổ súng. Bọn Mỹ bị đánh bất ngờ, tản ra hai bên đường và nấp xuống bờ sông, giẫm phải mìn do du kích cài, làm chết tại chỗ 27 tên và bị thương nhiều tên khác.

Sau khi Hiệp định Pari được ký kết (đầu năm 1973), Huyện ủy Hòa Vang chỉ đạo xã Hòa Lợi phải giữ cho được khu vực ngã tư Lệ Trạch và vùng Đông Sơn. Phạm Vinh cùng các đồng đội đã chiến đấu ngăn chặn việc địch chiếm đất, giành dân, giữ vững thành quả của cách mạng. Tháng 6-1973, trong khi đang làm nhiệm vụ tại thôn An Trạch, đồng chí bị vấp mìn và hy sinh.

Đồng chí đã được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt máy bay, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng nhất, Huân chương Thành đồng, Huân chương Giải phóng, Huân chương Chiến công hạng ba và nhiều Bằng khen, Giấy khen khác.
 

;
.
.
.
.
.