.

Chọn một nghề dễ thương

.

Nhớ ngày đầu tiên đi làm, trong lúc ngủ trưa, bất ngờ cô giáo bị học trò chạy vào đánh một đòn như trời giáng. Cô tính bỏ nghề từ giây phút đầu. Vậy mà nhiều năm trôi qua, chừng ấy thời gian gắn bó, đến giờ cô không còn lăn tăn ý định đổi việc nữa, dù chỉ trong suy nghĩ.

Cô giáo Cẩm Vang kiêm luôn vai trò bảo mẫu chăm từng bữa ăn cho những em không có khả năng tự cầm nắm.
Cô giáo Cẩm Vang kiêm luôn vai trò bảo mẫu chăm từng bữa ăn cho những em không có khả năng tự cầm nắm.

Năm 2008, khi mới tốt nghiệp ĐH, Nguyễn Thị Cẩm Vang được một tổ chức phi chính phủ tại Đà Nẵng mời làm việc với mức lương khởi điểm 435 USD/tháng. Nhưng cô chọn công tác tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố với mức lương lúc đó khoảng 1,2 triệu đồng/tháng. Cẩm Vang, sinh năm 1985, hiện là giáo viên cơ sở 3 (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) của trung tâm. Cô cũng đã tốt nghiệp thạc sĩ ngành Công tác xã hội, Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội.

Đường đến trường

Đường đến trường của Cẩm Vang khá nhiều điều lạ so với những giáo viên khác. Là người ở huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam), hiện sống trọ tại đường Lê Đình Dương (quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) nên mỗi sáng, cô theo xe đưa đón học trò đến trường. Vì xe vòng qua 5 xã Hòa Phước, Hòa Tiến, Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Nhơn để đón các em, nên phải mất hơn một tiếng đồng hồ cả cô lẫn trò mới đến nơi. Vang nói rằng, vậy mà thấy đoạn đường đi ngắn lắm, vì chơi với mấy đứa nhỏ thì có đủ chuyện vui.

Học trò của Vang tập trung ở khắp nơi để đợi xe đưa đến lớp. Đứa tụm năm tụm bảy bên đường, đứa vào sân UBND xã ngồi chờ. Vừa bước lên xe, bé Tuyết Nhung (9 tuổi) khóc nức nở méc cô rằng em bị bạn Trung mắng, dù trên thực tế cậu bạn này bị câm điếc. Đằng xa cô thấy thấp thoáng dáng Nguyễn Phương (17 tuổi) một mình ngồi dưới gốc cây. Ngày nắng, Phương ngồi xếp lá thành những hình thù rất đẹp. Ngày mưa, cậu lấy áo mưa che thành túp lều, chứ nhất quyết không vào nhà dân đứng đợi...

Cũng trên con đường đó, Cẩm Vang đã bắt gặp nhiều câu chuyện tình người cảm động, từ chú vá xe đến những người không quen biết, mỗi người một việc nhỏ giúp các em đến lớp an toàn. Dường như trong trái tim cô, tình yêu nghề bắt nguồn từ những hình ảnh thân thương mỗi ngày như thế.

Một nghề dễ thương

Mang danh là cô giáo có học vị thạc sĩ, nhưng chẳng mấy khi Cẩm Vang có cơ hội chạm vào máy tính hay các thông tin mang tính cập nhật. Công việc hằng ngày của cô là dạy cho các em biết cầm vở, cầm bút, múa hát, biết nghe theo hiệu lệnh. Cô còn học cả nghề làm hoa, may vá để cùng làm với những em không có nhu cầu học chữ. Với một số ít học sinh không tự cầm nắm, Vang kiêm luôn vai trò bảo mẫu chăm từng thìa cơm, lau từng khuôn mặt.

Dù có không ít sự ái ngại dành cho cô gái trẻ khi quyết chọn một công việc như thế, nhưng với Vang, mỗi lần nhắc tới những học trò đặc biệt của mình, ánh mắt của cô lại rạng rỡ. “Nhiều em ngơ ngơ mà đáng yêu lắm!”, Vang chia sẻ. Có em mỗi khi ra về lại “dí” vào sát mặt cô tạm biệt. Thấy cô mệt hay mồ hôi nhễ nhại, mấy đứa nhỏ chạy lại vuốt má nói vài câu ngây ngô khiến Vang vơi hết mệt nhọc.

Cẩm Vang chẳng có mùa hè như những giáo viên khác, bởi ngôi trường của trẻ em da cam hoạt động quanh năm. Và vì vậy, mùa tựu trường, cô cũng không được trải nghiệm niềm hớn hở nghe tiếng trống chào năm học mới. Nhưng với Vang, chỉ cần mỗi sáng, việc thấy các em vẫn khỏe mạnh để theo xe đến lớp là đủ để cô bắt đầu một ngày mới tràn đầy niềm hạnh phúc.

Bài và ảnh: THU HOA

;
.
.
.
.
.