.

Tin ở ngày mai

.

Đã nhiều năm nay, ngày nào cũng vậy, sau khi tất tả lo cho người chồng bị tai biến nằm một chỗ, bà Nguyễn Thị Lý (53 tuổi, ở tổ 38, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) lại đi bán vé số. Con đường mưu sinh của bà dẫu chông chênh nhưng niềm tin về một cuộc sống đủ đầy hơn càng bền chặt trong người phụ nữ 53 tuổi này cũng như hàng ngàn gia đình chính sách khác khi Pháp lệnh người có công ra đời.

Bàn giao nhà tình nghĩa cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở huyện Hòa Vang.
Bàn giao nhà tình nghĩa cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở huyện Hòa Vang.

“Cảm ơn Đảng và Nhà nước lắm!”

Lúc nào bà Nguyễn Thị Lý cũng để sẵn xấp vé số trong túi. Khi chồng bà, ông Trần Duy Anh (60 tuổi), ngủ say, bà lại lầm lũi trên những con đường để bán vé số kiếm tiền mua gạo. Ngày trước, người bán ít, bà không phải đi xa. Bây giờ, đầu gối yếu hơn, chân bước chậm hơn nhưng phải đi nhiều hơn, có khi hàng chục cây số mới bán xong, kiếm vài chục ngàn đồng, tằn tiện đủ lo bữa cơm, bữa cháo cho hai vợ chồng. Ông Anh bị tai biến đã nhiều năm nay do di chứng chiến tranh nên mọi sinh hoạt cá nhân đều do bà Lý đảm đương. Thỉnh thoảng trong cơn mơ, ông lại ú ớ: “Đả đảo quân cướp nước!”.

Thời chiến, ông Anh là biệt động hoạt động ở Quảng Đà (nay là thành phố Đà Nẵng). Trong một lần ném lựu đạn diệt ác bị lộ, ông bị bắt giam ở Kho đạn (khu vực đường Đào Duy Từ, thành phố Đà Nẵng bây giờ). Hơn 3 năm ở tù, nếm trải đủ mọi cực hình như: bị đạp trên bụng, đổ ớt vào miệng, tra điện vào chỗ kín..., người chiến sĩ Cộng sản kiên trung ấy vẫn không hề hé răng, bảo đảm bí mật tổ chức. Sau khi ra tù, ông lại tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Khi đất nước hòa bình, sức khỏe của ông giảm sút do di chứng của những ngày ở tù nên việc mưu sinh cũng chỉ đủ chi phí hằng ngày cho vợ chồng và hai cô con gái. Cuộc sống khó khăn hơn khi ông bị tai biến phải nằm liệt một chỗ, mọi chi phí phải trông vào tiền bán vé số của bà Lý. Đến giờ, gia đình bà vẫn chưa trả được 10 triệu đồng chi phí phẫu thuật cho ông Anh. Vậy mà ông bà không bao giờ có tiếng nặng, tiếng nhẹ. Nụ cười lạc quan vẫn luôn thường trực trên môi bà Lý. “Nghe tin tháng 9 tới được hưởng trợ cấp thường xuyên hằng tháng, thiệt mừng quá! Cảm ơn Đảng và Nhà nước lắm!”, bà Lý thổ lộ.

Theo Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng vừa được thông qua, ông Anh là một trong số hơn 1.000 người tham gia kháng chiến bị địch bắt tù đày trên địa bàn Đà Nẵng được hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng, có bảo hiểm y tế, được điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe...

Nguồn động viên lớn

Phó Chủ tịch Hội Tù yêu nước Đà Nẵng Hoàng Thanh Thụy cho biết, hiện Hội Tù yêu nước thành phố có khoảng 4.400 hội viên, phần lớn trong số họ sức khỏe yếu, tuổi cao, lại không có trình độ, tay nghề nên đời sống rất khó khăn. Trước đây, họ chỉ nhận trợ cấp một lần khoảng từ 500.000 đồng đến 2,5 triệu đồng nên cuộc sống khốn khó. Chính quyền các cấp cùng Thành Hội Đà Nẵng đã có nhiều hoạt động như thăm, tặng quà, trợ cấp khó khăn cho các cựu tù yêu nước với số tiền hàng chục triệu đồng… nhưng xem ra vẫn “như muối bỏ bể”. “Pháp lệnh mới ra đời đã giúp những người tù có hoàn cảnh khó khăn ổn định đời sống”, ông Thụy nói.

Còn theo ông Thái Đình Hoàng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng: “Với những sửa đổi về chế độ ưu đãi người có công, phần lớn các đối tượng người có công và thân nhân sẽ thụ hưởng cao hơn trước. Tuy nhiên, để chính sách ưu việt này phát huy tính nhân văn, trợ giúp kịp thời cho người có công, các địa phương cần chi trả kịp thời, không bỏ sót đối tượng. Tuy chưa thể kỳ vọng khoản trợ cấp thường xuyên là nguồn sống chính, nhưng chế độ ưu đãi mới là sự động viên lớn đối với các đối tượng này”.

Trong khi đó, dù món nợ chục triệu đồng vẫn chưa trả xong, vẫn phải loay hoay với xấp vé số và chỉ dám ăn ngày một bữa chính nhưng bà Lý vẫn rất lạc quan bởi “Nhà nước còn nhiều khó khăn nhưng vẫn quan tâm, lo cho đời sống của đối tượng chính sách thì sao mình không vui sống và nỗ lực hơn!”.

Chế độ ưu đãi mới bổ sung thêm nhiều điểm như: Người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày, trước kia được hưởng trợ cấp một lần, nay chuyển sang hưởng trợ cấp hằng tháng. Bổ sung chế độ điều dưỡng mỗi năm/lần đối với cha đẻ, mẹ đẻ có một con duy nhất là liệt sĩ; cha đẻ, mẹ đẻ có 2 con là liệt sĩ trở lên. Về chế độ trợ cấp tuất hằng tháng, quy định có 3 mức trợ cấp tiền tuất khác nhau đối với thân nhân của một liệt sĩ, thân nhân của 2 liệt sĩ và thân nhân của 3 liệt sĩ trở lên. Ðồng thời, nếu các thân nhân này không nơi nương tựa, điều kiện cuộc sống khó khăn thì được hưởng thêm trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng. Ngoài ra, còn mở rộng chế độ bảo hiểm y tế đối với thân nhân người có công. Bổ sung chế độ thờ cúng liệt sĩ hằng năm đối với người được giao thờ cúng liệt sĩ không còn thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp hằng tháng, chế độ trợ cấp người phục vụ đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên sống ở gia đình...

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ
 

;
.
.
.
.
.