Sinh con được 24 ngày tuổi, người mẹ trẻ đứt gan, đứt ruột khi nhìn sinh linh còn đỏ hỏn, chỉ nặng 2,4kg được đẩy sâu vào phòng can thiệp mạch để giành sự sống. Cả gia đình nín thở đợi chờ trong căng thẳng tột cùng vì cháu bé mang căn bệnh tim bẩm sinh quái ác, hy vọng sống quá đỗi mong manh. Sau gần 3 giờ “cân não”, cảm xúc của cả nhà vỡ òa khi ê-kíp can thiệp thông báo cháu bé qua cơn nguy kịch…
Đó chỉ là một trong vô vàn trường hợp cấp cứu tim mạch mà Thạc sĩ-bác sĩ (BS) Nguyễn Bá Triệu cùng ê-kíp của mình thực hiện trong thời gian qua. Anh được xem là “bàn tay vàng” trong lĩnh vực can thiệp mạch tại Việt Nam hiện nay.
Bác sĩ Nguyễn Bá Triệu (giữa) đang can thiệp mạch cho bệnh nhân nhi mắc bệnh tim bẩm sinh. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Trăn trở với người nghèo mắc bệnh tim bẩm sinh
Chị Lê Thị Nga (trú thôn 4, xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) có con nặng chỉ 2,4kg nhưng mắc cùng lúc 2 bệnh tim bẩm sinh hiểm nghèo: teo van động mạch phổi và không có lỗ thông liên thất, có thể tử vong bất kỳ lúc nào. Không thể diễn tả hết niềm vui đến trào nước mắt của chị khi BS Triệu cho biết con chị đã tạm qua cơn nguy kịch. Trái tim của người mẹ trẻ như thắt lại. Chị thầm cảm ơn người BS đã sinh ra con của chị lần thứ hai.
Để cứu bệnh nhân nhi đặc biệt này, đầu tiên BS Triệu phải tiến hành nong và đặt stent ống động mạch. Sau 2 tuần theo dõi và điều trị tích cực, anh tiếp tục thực hiện lần can thiệp thứ 2 để nong van động mạch phổi. Đây là ca can thiệp không chỉ đòi hỏi sự điêu luyện, giỏi về chuyên môn mà cần có sự gan dạ và tỉnh táo. Bởi bệnh nhân quá nhỏ, có thể tử vong nếu bác sĩ không thực hiện hoàn hảo tất cả thao tác trong quá trình tác động vào mạch máu.
Rớm nước mắt, chị Nga tâm sự: “Bồng con 20 ngày tuổi ra Đà Nẵng chạy chữa, được chính BS Triệu siêu âm tim và phát hiện trọng bệnh, tôi như không tin vào tai mình nữa. BS nói con tôi là trường hợp quá hy hữu nhưng hứa sẽ cố gắng hết sức để giữ mạng sống cho cháu. Nếu không can thiệp cấp cứu ngay thì con tôi sẽ không kéo dài được sự sống. Nhiều người khác khuyên tôi nên đi xa để tìm bác sĩ giỏi, nhưng cuối cùng tôi đã chọn và đặt niềm tin đúng chỗ”. Con chị Nga bây giờ đã hơn 2 tuổi. Mỗi khi nhìn con, chị lại nhớ như in những ngày cùng con chiến đấu với bệnh tật để giành sự sống.
Trường hợp hai mẹ con chị Mai Thị Của và cháu Trần Thị Tường Vy chỉ mới 6 tháng tuổi lại là một hoàn cảnh thương tâm khác. Giao mấy sào tỏi ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cho chồng trông coi, chị Của tức tốc ôm con lên thuyền vào đất liền và bắt xe đò ra Bệnh viện Đà Nẵng để chữa chạy bệnh tim. Oái ăm thay, chưa kịp điều trị bệnh tim, Tường Vy đã bị viêm phổi rất nặng với những cơn ho quặn thắt. Cơ thể ốm yếu nay lại toi tóp, xanh xao. Hằng đêm, chị Của chỉ biết ôm con vào lòng mà khóc thầm bởi không biết con còn sống với mẹ được bao nhiêu ngày nữa. Hơn 2 tháng chăm con ở bệnh viện, nước mắt của người mẹ trẻ vốn nghèo khổ, lam lũ nơi xứ tỏi Lý Sơn với toàn cát trắng chỉ còn rịn ở khóe. Hố mắt chị sâu hóm.
Ngay khi tiếp nhận ca trọng bệnh, BS Triệu vừa phải theo dõi bệnh viêm phổi, vừa dè chừng hở van động mạch. Bằng kỹ thuật can thiệp mạch chuyên sâu, anh nhanh chóng bít ống mạch máu bất thường dẫn vào tim của Tường Vy nên cháu đã qua khỏi cơn thập tử nhất sinh.
Hai trường hợp trên là 2 câu chuyện về những người mẹ có con nhỏ bị tim bẩm sinh khá đặc biệt được BS Nguyễn Bá Triệu bằng bàn tay tài hoa cứu sống. Tâm niệm và thiên chức của người thầy thuốc là cứu người, và để có được tài năng ấy, BS Triệu không ngừng nỗ lực hết mình.
Kỷ lục can thiệp mạch
Với tấm bằng thạc sĩ y khoa loại ưu, BS Triệu được phân công về công tác tại khoa Nhi, Bệnh viện Đà Nẵng theo chương trình thu hút nhân tài của thành phố. Anh chọn cho mình lĩnh vực khá gai góc là can thiệp mạch. Điều đó khiến anh càng đam mê hơn khi nghiên cứu về những mạnh máu rất nhỏ dẫn vào tim, vào phổi, về những trái tim bé nhỏ và tật nguyền không thể định được ngày sống sót. Tận mắt chứng kiến những đứa trẻ tử vong vì phát hiện bệnh tim bẩm sinh chậm trễ, và vì những gia đình quá nghèo, không đủ khả năng chữa trị cho con; những gia đình điều kiện khá hơn cũng phải khăn gói ra Bắc, vào Nam rồi “dài cổ” chờ đợi mới mong đến lượt con mình chữa trị, trái tim người thầy thuốc trẻ càng thôi thúc phải làm gì đó để cứu mạng sống cho các bệnh nhân nhi. Anh ấp ủ và ước mơ có một Trung tâm Tim mạch chuyên sâu tại Bệnh viện Đà Nẵng để chữa trị bệnh tim cho người dân thành phố, cũng như các miền quê nghèo khó khác.
"BS Nguyễn Bá Triệu tiêu biểu cho thế hệ bác sĩ trẻ đầy hoài bão. Nếu không có những con người như thế thì mong ước hình thành những trung tâm điều trị tim mạch lớn, uy tín tại miền trung chắc chắn sẽ khó thành công như mong đợi." (Tiến sĩ Lê Trọng Phi, Phó Viện trưởng Viên tim Hamburg - CHLB Đức) |
Từ năm 2006, Bệnh viện Đà Nẵng được ủng hộ lớn của thành phố đã đưa Đơn vị Tim mạch (nay là Khoa Phẫu thuật và can thiệp tim mạch) vào hoạt động. Ngay buổi ban đầu, BS Triệu trở thành niềm hy vọng lớn để xây những viên gạch nền đầu tiên cho đơn vị chuyên sâu kỹ thuật cao này. Từ sự mày mò học hỏi, đến làm chủ và thực hiện những kỹ thuật phức tạp trong kỹ thuật phẫu thuật và can thiệp mạch, Khoa Phẫu thuật và can thiệp tim mạch lớn mạnh từng ngày, niềm tin đối với bệnh nhân tăng cao. Qua 6 năm hoạt động, Khoa thực hiện hơn 1.600 ca tim mạch, tỷ lệ thành công rất cao. Riêng BS Triệu cùng ê-kíp can thiệp đã thực hiện 960 ca bệnh của thành phố và nhiều tỉnh trong khu vực. Anh cũng đã thực hiện gần 20.000 ca siêu âm tim để sàng lọc bệnh. Đây là một kỷ lục về số ca can thiệp mạch và siêu âm tim do một BS thực hiện trong thời gian ngắn. Nỗ lực đó góp phần giúp các bệnh nhân nghèo có cơ hội được điều trị bệnh tim kịp thời và tạo “thương hiệu” trong điều trị bệnh tim chuyên sâu của ngành Y tế Đà Nẵng. Trong số những ca can thiệp được đôi bàn tay tài hoa của BS Triệu thực hiện có nhiều trường hợp cấp cứu trong hoàn cảnh thập tử nhất sinh. Ca bệnh nhỏ nhất cân nặng chỉ 2,2kg. Với những trường hợp như vậy, sự đương đầu “một mất, một còn” đã tôi luyện bản lĩnh của BS Triệu thêm vững vàng.
Nhiều lần trở lại Đà Nẵng để hỗ trợ phát triển lĩnh vực tim mạch, Tiến sĩ Lê Trọng Phi, Phó Viện trưởng Viện Tim Hamburg (CHLB Đức) ấn tượng mạnh trước người bác sĩ trẻ và tài năng. Chính BS Triệu sau này là một trong những học trò xuất sắc mà Tiến sĩ Lê Trọng Phi đặt nhiều niềm tin và hy vọng. Vì vậy, năm 2012, Tổ chức Heart for Heart tiếp tục hỗ trợ hệ thống máy DSA trị giá 40 tỷ đồng cho Bệnh viện Đà Nẵng để tiếp tục phát triển lĩnh vực tim mạch chuyên sâu hơn. Cũng vì say mê nghiên cứu, BS Triệu trở thành “cây sáng kiến cải tiến” khi anh cùng đồng nghiệp nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật điều trị tiên tiến trong can thiệp bệnh tim bẩm sinh như: phá vách liên nhĩ ở trẻ sơ sinh, nong hẹp các van tim, bít các lỗ thông, mạch máu bất thường trong tim bằng dụng cụ…, góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhi sơ sinh.
Khi nghĩ về công việc, BS Triệu luôn ray rứt về hình ảnh những ông bố, bà mẹ thất thần khi phát hiện con mắc bệnh tim bẩm sinh. Họ đặt niềm tin lớn vào Bệnh viện Đà Nẵng và ê-kíp can thiệp tim. Vì vậy, trách nhiệm trên đôi vai người thầy thuốc càng thêm trĩu nặng. Anh nhiều lần tâm sự: “Mình chọn nghề và nghề cũng đã chọn mình, không thể đứng nhìn người bệnh tiếp tục đau đớn. Dù không sinh ra ở Đà Nẵng, nhưng được làm việc trong môi trường thuận lợi như Đà Nẵng, tôi phải luôn nỗ lực để cống hiến”. Có lẽ đó là điều quý nhất ở một người thầy thuốc mà tài, đức và sự tận tâm đang ngày càng tỏa sáng.
VIỆT DŨNG
TIN LIÊN QUAN
InterCon - bản giao hưởng trước biển
Nhà chung cư: Những mái ấm trong lòng Đà Nẵng
Tàu cá ông Mười và khát vọng vươn khơi