(ĐNĐT) - Ai đã từng đi chuyến tàu Tết về thăm gia đình vẫn không thể nào quên những con người làm nhiệm vụ đặc biệt. Họ chính là những “người lính” hỏa xa, đảm trách nhiệm vụ lái tàu, là trưởng tàu, nhân viên phục vụ hành khách trên các chuyến tàu ra Bắc vào Nam.
Tiếng còi tàu đón giao thừa
Đến Xí nghiệp đầu máy Đà Nẵng trong những ngày giáp Tết mới thấy được không khí bận rộn của những con người làm việc nơi đây. Với họ, mỗi dịp Tết đến xuân về là một kỉ niệm không thể nào quên với bao nguồn cảm xúc buồn vui xen lẫn. Họ phải “hy sinh” “tình tư” để đem về niềm vui ngày đoàn tụ, lúc xuân về họ lại phải “chia xa” để nối gần những bờ vui.
Kiện tướng Nguyễn Quý Thiện cần mẫn bên “vô lăng”. |
26 năm trong nghề, có hơn 20 năm chạy tàu Tết, anh Nguyễn Quý Thiện, Trưởng đội lái tàu số 5, Xí nghiệp đầu máy Đà Nẵng vẫn không quên cảm giác xốn xang, cay cay nơi sống mũi mỗi khi đón giao thừa trên những chuyến tàu. Khác với ngày thường, anh và hàng chục cán bộ công nhân viên, cùng hàng trăm hành khách đã được sống trong những phút giây đặc biệt. Họ cùng nhau đón giao thừa trên những khoang tàu hỏa đang “xé” màn đêm lao vùn vụt trên những tuyến đường ray từ Bắc vào Nam.
Nói về kỷ niệm trong nghề gắn với ngày Tết, anh Thiện vẫn còn nhớ như in cái cảm giác bâng khuâng trong thời khắc giao thừa khi đoàn tàu chạy trên đỉnh Đèo Ngang giữa núi rừng núi trập trùng mênh mông. Nhìn đồng hồ đúng 12h khuya, xung quanh bốn bề yên tĩnh, anh “thèm” được nghe tiếng pháo giao thừa, “thèm” không khí đoàn tụ chung vui bên gia đình. Cảm giác nhớ nhà, nhớ người thân, nhớ vợ con vẫn còn nguyên trong dòng ký ức. Anh kéo một còi tàu thật dài, thật vang phá tan không gian tĩnh mịch của trời đất. Với anh, tiếng còi tàu ngân vang đó thay cho tiếng pháo đón giao thừa để tiễn biệt năm cũ, chào đón một năm mới với nhiều hi vọng tốt lành.
Anh Thiện chia sẻ: "Theo quy định của ngành đường sắt, chỉ khi nào phát hiện chướng ngại vật, hoặc đến đường giao cắt, tài xế mới được kéo một hồi còi dài khoảng 3 giây. Nhưng vào đêm giao thừa, tiếng còi tàu cất lên trong thời khắc thiêng liêng ấy là cũng tiếng lòng của chúng tôi gởi gắm cho người thân nơi quê nhà". Ngay sau giây phút thăng hoa đó, anh Thiện lại trở về trạng thái tập trung cao độ để điều khiển con tàu đến đích đúng giờ, an toàn. Anh bảo không thể để xảy ra một sự cố dù nhỏ nhất trong ngày Tết trên từng km đường ray.
Tuy nhiên, nhiều lái tàu vẫn không khỏi ngậm ngùi khi chứng kiến cảnh gia đình người ta thì sum vầy, còn mình thì cứ lắc lư theo nhịp tàu. Với những lái tàu đã vào nghề nhiều năm thì không sao nhưng với những lái tàu trẻ, nhất là những người mới bước vào nghề là cả một thách thức lớn. Nhiều chàng trai trẻ khi mới bước vào nghề lái tàu dẫu đã xác định tư tưởng từ đầu nhưng vẫn sợ mỗi dịp Tết đến xuân về. “Có ai muốn ăn Tết xa nhà đâu. Nhưng vì đặc thù công việc, chúng tôi phải chấp nhận thôi. Mình hy sinh “tình tư” vì hạnh phúc của nhiều người nên cũng vui”, phụ lái tàu Phạm Hữu Thành ( 24 tuổi) chia sẻ.
Không chỉ anh Thiện, anh Thành mà hàng chục nghìn nhân viên đường sắt dù chịu nhiều “thiệt thòi” nhưng vẫn rất yêu nghề. Nhiều người là kiện tướng an toàn trong nhiều năm liền, vẫn vững tay lái trên từng tuyến đường. Họ đã thực sự coi tàu là nhà, coi hồi còi tàu đêm 30 Tết là cái gì đó rất thiêng liêng.
Cuộc đời là những chuyến đi
Có lẽ với những người lái tàu, cuộc đời đối với họ chỉ đơn giản là những chuyến đi. Có đi, có trải nghiệm, các anh mới thấy cuộc đời rộng lớn và ngập tràn hạnh phúc. Khi tôi hỏi ăn Tết ở tàu chắc là buồn thì hầu như các anh đều nở nụ cười thân thiện: “Quen rồi!”. Với các anh, khi đã xác định bước vào nghề là phải chấp nhận sự hy sinh. Hy sinh hạnh phúc riêng của bản thân để mang hạnh phúc đến cho mọi người.
Chuyến tàu nối những bờ vui cho hàng vạn hành khách từ khắp mọi miền Tổ quốc |
Trên nhiều chuyến tàu Tết, khi nghe hành khách nói chuyện về những cuộc gặp gỡ sắp tới với gia đình trong niềm phấn khởi, hân hoan khiến các anh cũng vui lây. “Đó là lần đầu tiên mình cảm nhận được không khí đặc biệt chưa từng có trong đời. Đi chúc Tết hành khách rồi nhận lại lời chúc ân tình từ họ. Những nụ cười, những cái bắt tay ấm tình, đầy xúc cảm trong giây phút giao thời đã giúp chúng tôi vơi đi nỗi nhớ nhà. Không nói ra nhưng ai trong đoàn cũng cảm nhận được rằng tuy xa gia đình nhỏ của mình nhưng lại được sống trong không khí của một “đại gia đình” mới”, anh Võ Công Anh, Phó Quản đốc phân đoạn vận dụng trải lòng.
Xí nghiệp đầu máy Đà Nẵng hiện có 60 đầu máy thì có đến 48 đầu máy chạy Tết, số còn lại dự phòng. Trong những ngày 30, Mồng 1, Mồng 2 Tết năm nay, mỗi ngày ngành đường sắt đưa 3 đôi tàu TN và 21 đôi tàu SE vào phục vụ chạy suốt từ Đồng Hới (Quảng Bình) đến Diêu Trì (Bình Định). Điều đó có nghĩa là gần 400 nhân viên (mỗi đoàn tàu cần 17-20 người) sẽ phải chấp nhận xa gia đình, đón Tết trên tàu. Đa số họ đã chuẩn bị tư tưởng cho vợ chồng, con cái. Những công việc như chỉnh trang nhà cửa, mua sắm hàng Tết, đi thăm họ hàng nội ngoại đôi bên đều phải tranh thủ hoàn thành từ 28-29 Tết.
Nhằm động viên anh em phục vụ trên tàu, ngành đường sắt đã cố gắng lo cung cấp đầy đủ các thực phẩm ngày Tết như bánh chưng, rượu, mứt cho mỗi trạm dừng. Khi tàu dừng lại trạm, các anh tranh thủ gọi điện về nhà hỏi thăm sức khỏe vợ con, người thân, bạn bè và đón năm mới ngay tại trạm để dành cho nhau những lời chúc ân tình về một năm mới an lành.
Buồn có, bịn rịn có, thậm chí có cả nước mắt trong những cái Tết đầu tiên xa gia đình nhưng đổi lại, họ có niềm vui lớn lao, đó là góp phần nối bờ vui cho hàng vạn hành khách từ khắp mọi miền Tổ quốc.
Bài và ảnh: Nguyễn Tiến - Hoàng Hân