.

Niềm vui nối nhịp đôi bờ

.

(ĐNĐT) - Ngày 29-3 tới đây, với người dân Đà thành, sẽ lại là một ngày vui trọng đại khi cầu Trần Thị Lý và cầu Rồng - cây cầu với thiết kế độc đáo, một điểm nhấn, nét đặc trưng tiêu biểu mới của thành phố Đà Nẵng - chính thức được khánh thành.

Đặc biệt, sau khi đi vào hoạt động, hàng tuần, vào 22 giờ tối thứ Bảy và Chủ nhật, "Rồng" sẽ trình diễn phun lửa, phun nước tạo thành một điểm đến vui chơi, thăm quan… độc đáo cho người dân và du khách gần xa.

Rồng phun lửa
Sau khi đi vào hoạt động, hàng tuần, vào 22 giờ tối thứ Bảy và Chủ nhật, "Rồng" sẽ trình diễn phun lửa, phun nước tạo thành một điểm đến vui chơi, thăm quan… độc đáo cho người dân và du khách gần xa. (Ảnh: Đắc Mạnh).

PV Đà Nẵng điện tử đã ghi lại những suy nghĩ, cảm nhận của người dân thành phố trước ngày diễn ra sự kiện trọng đại này.

Ông Nguyễn Công Thủy
Nguyễn Thùy Thuận

Bà Nguyễn Thùy Thuận, Giám đốc Công ty Du lịch Bến Thành (BenThanh Tourist - Chi nhánh Đà Nẵng): Sức hấp dẫn Đà Nẵng ngày càng lan tỏa…”

Những ngày này, không chỉ người dân Đà Nẵng mà du khách các nơi đang háo hức chờ đợi ngày khánh thành hai cây cầu “độc” nhất của Đà Nẵng. Có thể nói hai cây cầu này là điểm nhấn du lịch góp phần tạo nên những cái “nhất” của thành phố bên sông Hàn thơ mộng. Tôi nghĩ rằng, sự kiện này sẽ thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan Đà Nẵng nhiều hơn. Những khách chưa đến thì họ sẽ chọn đây là điểm đến du lịch, còn những người đã đến Đà Nẵng sẽ có cái “cớ” quay trở lại lần thứ hai, thứ ba… Tới đây, sẽ có rất nhiều du khách đến Đà Nẵng để thưởng ngoạn Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế, họ sẽ tranh thủ thời gian lưu trú tại đây để đi thăm thú cảnh đẹp, trong đó có thêm địa danh mới: cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý.

Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn như hiện nay, khách du lịch rất cân nhắc túi tiền khi đi du lịch nên tôi nghĩ Đà Nẵng là điểm đến hấp dẫn và hợp lý nhất. Bởi vì gần đây, Đà Nẵng đã có tiếng vang lớn về diện mạo đổi thay ở một đô thị đáng sống, ngày càng có nhiều thương hiệu du lịch nghỉ dưỡng như Furama, Crown, Life resort, Intercon, Bà Nà Hills… tầm cỡ quốc tế. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng có đủ các loại hình lưu trú từ bình dân đến cao cấp, cơ sở vật chất đáp ứng được nhu cầu của du khách, nhân lực phục vụ ngành du lịch ngày càng đạt chuẩn… Điều này sẽ giúp cho du khách lưu trú tại Đà Nẵng lâu hơn. Sắp tới, chúng tôi sẽ xây dựng chương trình khám phá “kỳ quan Đà Nẵng” để giới thiệu với du khách niềm tự hào này; đồng thời mong muốn chính quyền thành phố xây dựng kế hoạch quảng bá về du lịch Đà Nẵng được tốt hơn.

Ông Nguyễn Công Thủy
Ông Nguyễn Công Thủy

Ông Nguyễn Công Thủy (72 tuổi, trú phường Phước Ninh, quận Hải Châu), cán bộ hưu trí: "Giao thông sẽ thuận tiện hơn"

Ngày nào tôi cũng ra ngắm cầu, coi tiến độ thi công qua từng ngày. Mong sao cây cầu được hoàn thành thật nhanh để sớm góp phần làm đẹp thêm cho thành phố. Cầu khánh thành, việc đi lại, buôn bán, kinh doanh... sẽ thuận lợi, kinh tế của người dân cũng chắc chắn sẽ phát triển hơn nhiều. Người già như chúng tôi đang ráng chờ đến ngày khánh thành để được bước chân lên cầu mới cho mãn nguyện bao thời gian ngóng đợi.

Tôi nghĩ, một khi cầu hoàn thành và khánh thành thì chắc chắn giao thông sẽ thuận tiện, nhưng theo tôi, làm sao phải nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân khi qua cầu để đảm bảo an toàn, nhất là lớp trẻ.

Anh Nguyễn Phước Tiến
Anh Nguyễn Phước Tiến

Anh Nguyễn Phước Tiến (một du khách đến từ Hà Nội): “Đà Nẵng có những cây cầu độc nhất vô nhị”

Tôi thật có duyên với những cây cầu ở Đà Nẵng. Lần nào cũng vậy, mỗi khi vào công tác tại đây lại được chiễm ngưỡng một cây cầu mới bắc qua sông Hàn. 5 năm trước có dịp vào Đà Nẵng, thật tuyệt vời khi được chụp ảnh ở bên cây cầu Thuận Phước vào đúng ngày khánh thành cầu. Lần này vào công tác tại đây, lại được ngắm rất nhiều cây cầu bắc qua con sông này, với kiến trúc được thiết kế khá độc đáo ở Việt Nam.

Đáng lẽ ngày 28-3 tôi phải về lại Hà Nội nhưng đã cố nén ở lại để chiêm ngưỡng cầu Rồng phun lửa, phun nước như thế nào. Tôi đã từng đi rất nhiều tỉnh, thành trên cả nước, nhưng có lẽ ấn tượng nhất với tôi là những cây cầu ở Đà Nẵng, đặc biệt cầu quay sông Hàn, Thuận Phước, cầu Rồng…

Đã Nẵng bây giờ đâu chỉ được biết là thành phố của núi, biển, thành phố của lễ hội pháo hoa, thành phố có cáp treo Bà Nà dài nhất thế giới… mà Đà Nẵng bây giờ còn được mệnh danh là thành phố của sự năng động, trẻ trung, thành phố của những cây cầu mà ít nơi nào ở Việt Nam có được. 

Anh Hồ Ngọc An
Anh Hồ Ngọc An

Anh Hồ Ngọc An (33 tuổi, quê Quảng Trị), công nhân Xí nghiệp cầu 17 (Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1): "Tự hào vì được tham gia xây cầu"

Đây là cây cầu lớn nhất, có ý nghĩa nhất đối với nghề làm cầu của cá nhân tôi. Tôi rất vui và cố gắng hoàn thành tốt những nhiệm vụ của mình để góp công góp sức vào việc hoàn thành cây cầu đúng tiến độ. Vui nhất phải kể tới việc tôi cùng với các anh em công nhân, kỹ sư của đơn vị tham gia lắp thành công phần đầu Rồng vào thân Rồng trong tuần vừa rồi. Đây thật sự là một cây cầu hoành tráng, độc đáo. Tôi cũng như bao người dân đang rất nóng lòng chờ đến ngày cầu Rồng này chính thức khánh thành để thấy thành quả do công sức mình đóng góp, xây dựng nên.

 

Ông Trần Quang
Ông Trần Quang

Ông Trần Quang (44 tuổi, phường Chính Gián, quận Thanh Khê), xe ôm: "Sẽ có nhiều việc hơn".

Tôi làm nghề xe ôm gần 15 năm nay ở khu vực cầu Rồng này, từ khi còn chưa có cả bờ kè phía bên đường Bạch Đằng. Tôi còn nhớ, phía đuôi Rồng hiện nay, trước kia vốn là bến than củi tấp nập, phía bên kia sông là xóm nhà chồ, xưởng đóng tàu…

Sau khi cầu Rồng được thi công, cảnh quan hai bên thật sạch đẹp, hoành tráng. Chắc chắn sau khi khánh thành cầu, du khách sẽ đến Đà Nẵng nhiều hơn thì tôi cũng có việc nhiều hơn. Vui nữa là việc chở khách từ khu vực Bảo tàng Chăm qua phía biển bên Sơn Trà sẽ gần hơn nhiều, chi phí xăng xe cũng giảm đi.

Anh Hà Trung Phước
Anh Hà Phước Trung

Hà Phước Trung (lái xe tải hạng nhẹ ở quận Sơn Trà): “Mong không còn cảnh cấm xe qua cầu vào giờ cao điểm”

Ngày nào tôi cũng chạy xe qua cầu Trần Thị Lý, được nhìn những công nhân hối hả thi công những cây cầu bắc qua sông Hàn. Mong sao những cây cầu mới sớm đưa vào sử dụng để cánh lái xe như tôi khỏi phải chạy lòng vòng vào những giờ cao điểm.

Khi Đà Nẵng đã có nhiều cầu bắc qua sông Hàn, chắc chắn giao thông đi lại sẽ thuận lợi hơn, đặc biệt với giới lái xe tải như chúng tôi. Nhiều hôm chở hàng vào giờ cao điểm không được qua cầu sông Hàn thấy rất bất tiện. Bây giờ có nhiều cầu rồi, mong sao sẽ không còn cảnh kẹt xe và cấm xe qua cầu vào giờ cao điểm.  

Đắc Mạnh - Trọng Hùng (ghi)

 

;
.
.
.
.
.