.
GÓP Ý DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP 1992

Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, “không được xâm phạm”

Điều 1: Đề nghị lấy lại tên nước Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Tên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vừa mang tính lịch sử, được Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố với toàn thế giới tại Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945. Tên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa cũng phản ánh đầy đủ bản chất XHCN của Nhà nước ta; phản ánh cụ thể mục đích thiết thực mà cách mạng Việt Nam phấn đấu là xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Điều 4: Khoản 1 cần rút gọn và bổ sung thêm như sau: Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng chính trị duy nhất, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Khoản 2: Bổ sung thêm: Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh chính trị, nghị quyết, bằng công tác  tư tưởng, tổ chức, cán bộ và giám sát thực hiện. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.

- Một nội dung cần được nghiên cứu bổ sung vào Hiến pháp là ở Việt Nam, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng mặc định là lãnh tụ của Đảng, của dân tộc nhưng không được quy định trong Hiến pháp (HP). Điều 91 Dự thảo HP (sửa đổi) quy định: “Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa XHCN Việt Nam về đối nội và đối ngoại”. Vì vậy, tôi đề nghị Tổng Bí thư giữ chức vụ Chủ tịch nước. Đề nghị này phù hợp với Điều 41 Điều lệ Đảng và Hiến định Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam là lãnh tụ của đất nước.

Điều 8:  Khoản 1, cụm từ: “thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ” nên đổi lại là “mở rộng dân chủ XHCN”.

Lý do: vì tập trung dân chủ là một trong những nguyên tắc quan trọng trong xây dựng Đảng. Trong quản lý xã hội, việc mở rộng dân chủ XHCN là một đòi hỏi chính đáng, cấp thiết. Việc tổ chức lấy ý kiến góp ý sửa đổi Hiến pháp lần này là biểu hiện sinh động của tinh thần mở rộng dân chủ XHCN; khơi dậy, huy động được trí tuệ của toàn dân vào công việc xây dựng đạo luật cơ bản của đất nước.

Điều 10: Quy định về Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị-xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động…, nhưng Hiến pháp không quy định các tổ chức chính trị-xã hội khác trong hệ thống chính trị như giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp Phụ nữ.

Đề nghị các tổ chức chính trị-xã hội được quy định chung trong Điều 9, không tách rời một tổ chức chính trị-xã hội (trong hệ thống chính trị). Các tổ chức chính trị-xã hội có luật riêng.

Điều 11: Khoản 1: Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Từ “bất khả” có nghĩa Việt là không thể. Đề nghị được đổi lại là “không được xâm phạm”

Lý do: Lịch sử  Việt Nam đã trải qua hàng chục cuộc chiến tranh giữ nước, vì vậy, việc sử dụng thuật ngữ “không thể” là chưa mạnh mẽ, chưa chính xác với thực tiễn. Đề nghị sửa lại “không được xâm phạm” như hào khí Lý Thường Kiệt:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Các điều 71 và 72: Nên bỏ từ “cách mạng” sau cụm từ QĐND và CAND.

Lý do: Vì các lực lượng này luôn đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam, một Đảng cách mạng và khoa học, nên các lực lượng này tự bản thân đã mang tính cách mạng.

TRƯƠNG CÔNG ĐỊNH

(Báo Đà Nẵng)

;
.
.
.
.
.