Phường, xã là cấp trực tiếp triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chủ trương, chính sách, pháp luật đi vào cuộc sống có đúng với bản chất của nó hay không đều do yếu tố chất lượng, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức ở phường, xã quyết định. Coi trọng vai trò của CBCC phường, xã, trong 10 năm qua thành phố Đà Nẵng có nhiều giải pháp chuẩn hóa đội ngũ này.
Hội thi chức trách, nhiệm vụ chủ tịch UBND phường, xã - một hình thức bồi dưỡng kinh nghiệm quản lý, điều hành cho CBCC phường, xã. |
Đào tạo tại chỗ kết hợp với thu hút
Trước đây CBCC phường, xã trưởng thành từ phong trào, thực hiện nhiệm vụ chủ yếu bằng kinh nghiệm, chủ yếu chỉ được đào tạo về lý luận chính trị, quản lý Nhà nước. Sở Nội vụ đã phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy trình lãnh đạo thành phố xây dựng Đề án nâng cao chất lượng CBCC phường, xã. Theo đó, các phường, xã tiến hành rà soát đội ngũ CBCC và xây dựng kế hoạch bố trí phù hợp, bảo đảm số lượng, chất lượng phù hợp với năng lực, trình độ chuyên môn của từng vị trí công tác. Chất lượng CBCC và người hoạt động không chuyên trách từng bước được nâng lên, một số chức danh trước đây như Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch các hội, đoàn thể do các cán bộ hưu trí đảm nhận thì nay đã được thay thế bởi CBCC trẻ hơn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCC phường, xã bắt đầu được chú trọng hơn. Nhiều giải pháp đã được đề ra, trong đó, nổi bật và được duy trì thường xuyên nhất là công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCC phường, xã; đặc biệt, tập trung đào tạo lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng kỹ năng theo chức danh và theo vị trí việc làm. Nội dung đào tạo liên quan đến hành chính công, quản lý đô thị, công tác Đảng, công tác chính quyền, đoàn thể, đồng thời rèn luyện các kỹ năng cơ bản như xử lý tình huống, lễ tân, soạn thảo văn bản, diễn đạt ý tưởng bằng lời nói, sử dụng công nghệ thông tin…; qua đó bồi dưỡng các kỹ năng về lãnh đạo, điều hành theo từng chức trách, nhiệm vụ của từng vị trí công tác tại phường, xã.
Từ năm 1999 thành phố có chính sách thu hút, bố trí sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy loại khá, giỏi về công tác tại phường, xã nhằm từng bước chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC. Đến nay đã có trên 150 người được bố trí công tác tại phường, xã theo chính sách thu hút. Đội ngũ này tiếp tục được bồi dưỡng về kỹ năng quản lý, điều hành, nghiệp vụ chuyên môn và lý luận chính trị. Đặc biệt, một trong mười sự kiện nổi bật nhất thành phố năm 2009 chính là Đề án “Tạo nguồn cán bộ cho chức danh Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND phường, xã trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” được thành phố triển khai đào tạo 136 người bố trí công tác tại các phường, xã. Đến nay đã có 26 người được bầu, chỉ định, bổ nhiệm giữ các chức vụ chủ chốt phường, xã. Có thể nói, chất lượng CBCC và những người hoạt động không chuyên trách phường, xã ngày càng được nâng lên. Đội ngũ CBCC đã thể hiện nhiệt huyết với công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có tinh thần chịu khó và gắn bó với công việc, gần gũi với nhân dân, nắm chắc tình hình hoạt động ở cơ sở. Cùng với chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực về phường, xã, thành phố liên tục hoàn thiện các chính sách ưu đãi dành cho CBCC ở phường, xã có tác động động viên khuyến khích đội ngũ này yên tâm công tác.
Những bài học kinh nghiệm
Theo ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ, có thể đúc rút kinh nghiệm về công tác chuẩn hóa đội ngũ CBCC phường, xã như sau: Đó là chủ trương đúng đắn về đánh giá tầm quan trọng của đội ngũ CBCC cấp phường, xã. Ngay sau khi chia tách đơn vị hành chính thành phố đã có chủ trương về việc đào tạo, bồi dưỡng CBCC phường, xã theo từng vị trí việc làm, chức danh CBCC. Theo đó, UBND thành phố đã chủ động có kế hoạch hằng năm và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng CBCC và những người hoạt động không chuyên trách tại phường, xã.
Tuy nhiên vẫn còn những vấn đề cần khắc phục trong thời gian đến: Công tác kiểm tra, đôn đốc và sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy ở một số nơi có lúc chưa thật sự thường xuyên, đầy đủ; sự phối hợp của các cấp ủy, các ngành với các cơ quan quản lý cán bộ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng chưa chặt chẽ, đồng bộ. Một số nơi cử CBCC đi đào tạo chưa gắn với quy hoạch, chưa chủ động đưa nguồn CBCC quy hoạch đi đào tạo, bồi dưỡng; chưa chủ động đào tạo lại số CBCC đã qua đào tạo nhưng chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Bên cạnh đó vẫn còn một số CBCC có biểu hiện ngại khó khăn, không muốn học tập trung, chỉ muốn học tại chức.
Bài và ảnh: ĐOÀN SƠN