Khách phương xa đến Đà Nẵng có thể thảnh thơi dạo phố hay đến những khu chợ sầm uất mà không cảm thấy mệt mỏi khi bị người ăn xin dắt díu nhau, níu tay xin tiền...
Thưởng 200.000 đồng
Năm 2003, lãnh đạo thành phố chủ trương thưởng 200.000 đồng cho ai phát hiện và điện báo về người lang thang xin ăn trên địa bàn thành phố. Sở LĐ-TB&XH cũng thành lập ngay Tổ thường trực xử lý thông tin về người lang thang xin ăn. Từ đó, mỗi năm, thành phố đã xử lý hàng chục đến hàng trăm đối tượng là người Đà Nẵng hoặc từ các tỉnh, thành phố khác đến. Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Hùng Hiệp khẳng định: “Người lang thang xin ăn trên đường phố hoặc kết hợp bán hàng rong với xin ăn đã tạo nên sự phản cảm. Nếu không quản lý, giáo dục và giải quyết tốt sẽ ảnh hưởng đến môi trường, làm nảy sinh các hiện tượng tiêu cực của xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế và môi trường đầu tư của thành phố”.
Với người dân Đà Nẵng, thông tin “khi phát hiện người lang thang xin ăn, hãy gọi điện thoại đến số 550550 hoặc 550770” đã trở nên quen thuộc. “Không thể để người lang thang xin ăn xem đó là nghề kiếm sống, ảnh hưởng hình ảnh của một thành phố du lịch như Đà Nẵng”, chị Đào Thị Hồng Vân (43 tuổi, phường Nam Dương, quận Hải Châu) cho biết.
Theo ông Hiệp, khó khăn nhất trong việc thực hiện chủ trương là vận động các chùa, các cơ sở kinh doanh ăn uống, các điểm du lịch ký cam kết không để các đối tượng lợi dụng việc bán hàng rong để xin ăn trong khuôn viên, địa bàn đơn vị. Đặc biệt, những hoạt động từ thiện của các chùa trong những ngày lễ vô tình thu hút nhiều đối tượng tứ phương trà trộn xin ăn hoặc móc túi, ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Tuy nhiên, sau khi nhận biết mục tiêu trong chính sách an dân của thành phố, các chùa đã tích cực hợp tác và tình hình được cải thiện đáng kể.
Cuộc sống tốt hơn
Vào Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng khoảng 4 năm nay, ông Nguyễn Thành Sanh (60 tuổi, ở phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê) vẫn nhớ như in ngày mình được đưa vào đây. “Khi đó tôi đang lang thang ở đường Hải Phòng, định xin miếng cơm ăn cho đỡ đói thì được các cô, các chú (thuộc tổ Thường trực xử lý thông tin) đưa vào đây”, ông Sanh kể.
Từ đó đến nay, ông Sanh vẫn khẳng định không bà con thân thích, không còn nhà để về. Đó là lý do để ông Sanh cứ ở mãi tại Trung tâm Bảo trợ xã hội. Ông nói rằng, ở Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng thì cảm thấy tuổi già không cô quạnh, lại được chăm nom khá tốt, chẳng khác một gia đình thực sự.
Còn Nguyễn Chí Nghĩa (13 tuổi), vào trung tâm khoảng nửa năm nay, hồn nhiên nói: “Nhà con ở tận Nha Trang, ba mẹ con đều mất. Đói quá, con theo xe ra Đà Nẵng xin ăn rồi được các cô chú đưa vào đây. Con không đi ăn xin nữa và sắp đến sẽ đi học lại. Các cô, các chú bảo phải học thì mới ấm cái thân”.
Trong 5 năm qua, thành phố đã đưa hơn 600 lượt đối tượng vào Trung tâm Bảo trợ xã hội, trong đó 84 trường hợp là trẻ em. Trong 250 trường hợp người tại địa phương, thành phố tiến hành phân loại, tìm hiểu nguyên nhân, phối hợp chính quyền cơ sở thực hiện các giải pháp hỗ trợ kịp thời và đúng mực.
Để ngăn ngừa trẻ em trong các gia đình hộ nghèo có nguy cơ lang thang, Đà Nẵng đã hỗ trợ hơn 1.000 em, trong đó giải quyết khó khăn trước mắt cho hơn 400 em; hỗ trợ sách vở, dụng cụ học tập cho gần 500 em và hỗ trợ học nghề cho khoảng 140 em. Đồng thời, việc ngăn ngừa tình trạng người lang thang xin ăn còn được lồng ghép với các chương trình kinh tế-xã hội của các địa phương như chương trình giảm nghèo, dạy nghề và tạo việc làm, ngăn ngừa giải quyết trẻ em lang thang, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trợ giúp đối tượng BTXH đối với người già cô đơn, người tàn tật, trẻ mồ côi, người trong các gia đình hộ nghèo...
Đối với gần 400 người địa phương khác đến hành nghề ăn xin, Sở LĐ-TB&XH tiến hành xác minh, liên hệ với gia đình, địa phương bảo lãnh về quản lý giáo dục. Với những trường hợp không xác định được cụ thể địa chỉ, tái phạm nhiều lần, sẽ đưa vào tập trung nuôi dưỡng lâu dài.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hùng Hiệp cũng thừa nhận, hiện nay xuất hiện tình trạng biến tướng khi lợi dụng việc bán hàng để chèo kéo, xin tiền ở một vài nơi. Và để giải quyết dứt điểm tình trạng này cần sự vào cuộc của các cấp, ngành và toàn xã hội.
Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong cả nước xử lý hiệu quả tình trạng lang thang, xin ăn, chèo kéo khách. Sau Đà Nẵng, một số địa phương như: Bình Định, Huế... cũng tổ chức các đợt kiểm tra, xử lý tình trạng này. |
PHƯƠNG TRÀ