La cà tại các bãi biển, nhà hàng, quán nhậu, khu du lịch, chùa, cây xăng… để bán kẹo, bán kính, bán vé số…; một phần trong số đó thực chất là giả danh xin tiền. Mặc cho du khách tỏ vẻ khó chịu, bực bội vì bị làm phiền nhưng những người bán hàng rong và ăn xin biến tướng vẫn đeo bám dưới nắng nóng bỏng rát dội trên đầu.
6 tháng đầu năm 2013, lực lượng chức năng thành phố nhắc nhở, cảnh cáo 215 trường hợp bán hàng rong không đúng quy định, xử lý 35 người ăn xin… |
Nhan nhản đeo bám, chèo kéo
Trong vai du khách đi tắm biển, chúng tôi thuê một ghế bố ngồi ngắm biển đoạn trước Khách sạn Tourane Đà Nẵng. Vừa mở chai nước, nhanh như cắt, một đứa trẻ khoảng 8 tuổi đen nhẻm, đầu trần, cầm hộp kẹo mời mua. Tôi lắc đầu từ chối, đứa trẻ không chịu đi ngay mà lấy tay kéo áo nài nỉ ra vẻ tội nghiệp. “Chú mua đi chú, lúc chiều tới chừ con chưa bán được gì cả”. Giả lơ lời mời của đứa bé, tôi tìm cách gạ hỏi quê em ở đâu, học lớp mấy, trường nào, ba mẹ làm gì thì ngay lập đứa trẻ ra vẻ chột dạ, bỏ chạy lên khu vực đường Hoàng Sa. Tôi định giơ máy ảnh chụp hình thì đứa trẻ cùng một người lớn đội nón, bịt kín mặt băng nhanh qua dòng xe lưu thông để lẩn tránh.
Dọc các nhà hàng đường Hoàng Sa và Trường Sa, chiều tối du khách đổ về ăn uống càng nhiều thì số lượng trẻ em, người lớn trà trộn vào bán kẹo, nài nỉ khách ngay tại bàn nhậu cũng có xu hướng tăng. Tối 27-6-2013, tại nhà hàng C.N.Đ chúng tôi chứng kiến cảnh hai đứa trẻ một trai, một gái chừng 10 đến 12 tuổi cứ luẩn quẩn đi hết bàn nhậu này đến bàn nhậu khác để bán kẹo. Người mua thì ít, người từ chối thì nhiều. Có khách thấy mấy đứa trẻ đứng như “trời trồng”, mặt không biểu lộ cảm xúc, đứng ngay bên bàn ăn nên dù không mua nhưng rút ví cho tiền để đi chỗ khác.
Ngay trong sáng ngày 1-7, chúng tôi có mặt và ghi nhận một người đàn ông bán hàng rong khoảng 45 tuổi mắt đảo qua, đảo lại liên tục mỗi khi những chiếc xe du lịch đưa khách vào cổng tham quan Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn trên đường Huyền Trân Công Chúa. Người đàn ông này liên tục áp sát các khu bán nước mía, nước ngọt đông du khách ngồi uống, thậm chí lấn sang những gian hàng điêu khắc đá mỹ nghệ gần đó để gạ gẫm khách mua hàng. Bà Nguyễn Thị Năm, nhà đối diện thang máy tại Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn lắc đầu vì hàng rong ở đây tái diễn liên tục. “Lâu lâu cũng thấy cơ quan chức năng đến xua đuổi, lập lại trật tự nhưng thời gian sau những người bán lại xuất hiện. Hình như cơ quan chức năng làm chưa quyết liệt nên mới vậy”, bà Năm tâm sự. Qua tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng xin ăn biến tướng, bán hàng rong, chèo kéo khách, lợi dụng trẻ em khuyết tật bán kẹo kéo, vé số kết hợp với xin ăn, bán hàng rong dùng loa phóng thanh gây tiếng ồn… xuất hiện trở lại tại nhiều địa điểm. Nhiều nhất là tại các khu vực đường Hoàng Sa, Trường Sa, Trần Hưng Đạo, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Tất Thành, 2 Tháng 9; các chùa Bát Nhã, Pháp Lâm, Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn... Điều đó đã gây sự phản cảm cho du khách, phản ứng trong nhân dân. Khi bị đẩy đuổi, họ lẩn sang chỗ khác và quay lại khi vắng bóng lực lượng chức năng.
Phải kiên quyết dẹp
Tại các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND thành phố, một số cử tri bức xúc và lo ngại về tình trạng ăn xin biến tướng không những hạn chế mà tăng hơn. Ông Nguyễn Văn Tính (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) cho biết, chiều nào ông cũng đi tắm biển và không ít lần chứng kiến cảnh chèo kéo du khách mua kẹo. “Nếu không nhanh chóng dẹp nạn ăn xin kiểu này thì môi trường du lịch của thành phố sẽ bị ảnh hưởng”, ông Tính nhìn nhận. Còn bà Võ Thị Thu Huê (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) tâm sự: Đà Nẵng đang xây dựng thành phố văn minh, nếp sống văn hóa, do vậy đề nghị cơ quan chức năng phối hợp với địa phương cấp phường, xã triển khai truy quét mạnh tay để lập lại trật tự đô thị. Có như thế, mục tiêu không có người lang thang xin ăn mới được giữ vững.
Trước tình hình trên, lãnh đạo thành phố đã có những chỉ đạo cụ thể và quyết liệt để ngành Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với các quận, huyện tiến hành các biện pháp kiềm chế, xử lý triệt để, không để tái diễn hàng rong, ăn xin gây phản cảm cho du khách và người dân. Từ ngày 1-7 đến 10-7, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố mở đợt cao điểm xử lý tình trạng nêu trên. Đồng thời, tiếp tục rà soát, lập danh sách, phân loại đối tượng xin ăn biến tướng, lang thang đánh giày, bán hàng rong đang lưu trú và hoạt động trên địa bàn. Ngoài ra, tổ chức gặp mặt, vận động người quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, quán ăn, các chùa, bệnh viện, khu danh lam thắng cảnh, các đơn vị đóng trên địa bàn cam kết không để xảy ra tình trạng xin ăn biến tướng, đánh giày, bán hàng rong tại cơ sở mình…
6 tháng đầu năm 2013, lực lượng chức năng thành phố nhắc nhở, cảnh cáo 215 trường hợp bán hàng rong không đúng quy định, xử lý 35 người ăn xin… |
Bài và ảnh: DIỆU MINH